Mẫu router Wi-Fi 7 đầu tiên hoạt động được ở Việt Nam

TP-Link ra mắt mẫu bộ định tuyến Archer BE230, hỗ trợ Wi-Fi 7, hợp quy để hoạt động tại Việt Nam.

 Chiếc router Wi-Fi 7 đầu tiên ở Việt Nam.

Chiếc router Wi-Fi 7 đầu tiên ở Việt Nam.

Khi hòa mạng Internet tại Việt Nam, hầu hết người dùng được tặng kèm các bộ modem kiêm router, phụ trách giải mã và phủ sóng. Tuy nhiên, thiết bị miễn phí thường không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nó cũng chưa khai thác hết tốc độ kết nối.

Hiện có nhiều hãng trên thị trường cung cấp giải pháp thay thế, nâng cấp. Với mức đầu tư không quá cao, người dùng có thể tăng chất lượng Internet tại gia, phục vụ các nhu cầu ngày càng lớn về streaming nội dung chất lượng cao, điều khiển smarthome bằng cách đổi router.

 Cổng kết nối sau thiết bị, với cổng USB 3.0 và LAN 2,5 Gbps.

Cổng kết nối sau thiết bị, với cổng USB 3.0 và LAN 2,5 Gbps.

Mới đây, TP-Link ra mắt model Archer B230, bộ định tuyến Wi-Fi 7 hợp quy đầu tiên ở Việt Nam. Tốc độ tối đa sản phẩm hỗ trợ là 3,6 gbps. Con số này vượt ngưỡng hỗ trợ của các nhà mạng trong nước, hiện quanh mức 1 Gbps.

Là sản phẩm cấu hình cơ bản, BE230 của TP-Link chưa khai thác hết sức mạnh tối đa của chuẩn mới. Vê lý thuyết, 802.11be (Wi-Fi 7) có thể đạt thông lượng 46 Gbps, gấp gần 5 lần Wi-Fi 6. Ngoài ra, sản phẩm cũng chỉ đang hỗ trợ băng tần kép 2.4 và 5 GHz. Trong khi đó, mức 6 GHz vẫn vắng mặt do băng tầng nói trên chưa có quy hoạch sử dụng tại Việt Nam.

Với giá 2,6 triệu đồng, đây là sản phẩm router tầm trung, giúp tăng tốc độ xử lý, giảm hiện tượng “nghẽn cổ chai” khi sản phẩm tặng kèm của nhà mạng không đủ khai thác gói dịch vụ. Nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dùng có nhu cầu lớn cho đường truyền mạng, ít độ trễ.

Archer BE230 có thiết kế cơ bản với 4 ăng-ten, vỏ đen và nhiều khe tản nhiệt. Router là linh kiện nhỏ gọn, thường được cất tủ nên ngoại hình không quá quan trọng, ưu tiên công năng. Phía sau, sản phẩm có 3 cổng LAN 1 Gbps cùng một WAN và LAN 2,5 Gpbs. Ngoài ra, cổng USB-3.0 mở rộng khả năng làm việc, tạo ổ cứng mạng nội bộ với tốc độ cao.

Mặt khác, một chiếc router tốt cũng hỗ trợ các tác vụ nội bộ tốt hơn. Ví dụ, việc chuyển tập tin giữa các máy tính trong mạng tại gia sẽ nhanh hơn với thiết bị trung gian có băng thông lớn. Nhiều người sử dụng các hệ thống smarthome, với hàng chục điểm kết nối vào router cùng lúc, liên tục, gây quá tải. Các chuẩn Wi-Fi mới, cấu hình mạnh có thể giải quyết vấn đề này.

Giải pháp NAS (Ổ cứng mạng) cũng được nhóm khách hàng làm sáng tạo video, studio vừa và nhỏ tại Việt Nam ưa chuộng. Băng thông mạng lớn giúp khai thác tốt hơn loại thiết bị này cho lưu trữ và xử lý tập tin nội bộ.

Bắt đầu thương mại hóa từ đầu năm 2024, vấn đề của Wi-Fi 7 là lượng thiết bị hỗ trợ. Mẫu router của TP-Link là sản phẩm phát sóng đầu tiên có tiêu chuẩn này tại Việt Nam. Trong khi đó, số laptop, smartphone được trang bị Wi-Fi 7 chưa nhiều. Galaxy S24 series, Xiaomi 14 series, laptop dùng chip Snapdragon X Elite… là số ít sản phẩm có chuẩn này đã được bán chính hãng.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/mau-router-wi-fi-7-dau-tien-hoat-dong-duoc-o-viet-nam-post1491075.html
Zalo