Mất việc ở tuổi trung niên: Học cách chấp nhận và vượt khó

Thất nghiệp ở tuổi trung niên, có người chật vật đi tìm công việc mới với muôn vàn khó khăn, có người nhanh chóng xoay chuyển sang công việc khác, cũng có người xem như quãng nghỉ ngơi cho cơ thể, tạm hài lòng bằng cách cân đối lại chi tiêu…

Chắt chiu từng cơ hội việc làm

Ở tuổi 45, anh Trung (Tân Bình, TPHCM) ngỡ ngàng nhận tin công ty cắt giảm hàng loạt nhân sự, trong đó có mình. Anh Trung làm trong công ty sản xuất bao bì, vài năm gần đây số lượng tiêu thụ giảm đi rất nhiều, chỉ còn 1/3 so với thời điểm ở đỉnh cao nhất. Đến đầu năm 2024, công ty đã không còn cầm cự được. Anh Trung cùng những đồng nghiệp của mình đành ngậm ngùi rời khỏi công ty trong tâm trạng ngổn ngang bao mối lo toan.

 Chọn lựa thực phẩm phù hợp, cân đối là cách làm thiết thực trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chọn lựa thực phẩm phù hợp, cân đối là cách làm thiết thực trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Anh Trung trước đây cũng có chút tay nghề ở một số lĩnh vực như sản xuất sợi, giày da, nhưng thời điểm hiện tại, tìm được việc làm ngay là rất khó. Đa số các công ty tuyển dụng đều giới hạn số tuổi, mà tuổi của anh đã vượt mức. Hoặc nếu làm việc ở vị trí cao hơn thì anh phải có kinh nghiệm lâu năm… “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày tìm một công việc lại khó khăn như vậy”, anh Trung tâm sự.

Bạn bè, người thân của anh Trung chia sẻ những thông tin về cơ hội việc làm, anh cũng không còn đòi hỏi, lựa chọn như trước đây mà chắt chiu từng cơ hội công việc với hy vọng sớm có việc làm. Miễn sao có công việc, có lương hàng tháng để đỡ đần chi tiêu với vợ, nuôi 2 đứa con đang ở độ tuổi THPT.

Nhưng đã 4 tháng qua, cơ hội công việc vẫn chưa đến với anh Trung. Cũng may, vợ anh Trung là người phụ nữ biết sẻ chia, yêu thương chồng con. Cô ấy giúp anh tránh được cảm giác thất bại của người đàn ông vốn từng là trụ cột gia đình.

Còn với chị Hải (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM), 42 tuổi, có 3 đứa con ở tuổi đến trường thì chuyện thất nghiệp đã trở thành bình thường sau nhiều công việc không ổn định. Có thời điểm khó khăn quá, chị còn chạy xe công nghệ kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí gia đình.

Chồng chị Hải bán cây kiểng tại nhà. Thất nghiệp, chị không mất thời gian ủ ê, buồn bã mà bắt tay ngay vào phụ việc với chồng. Nhờ nhanh nhẹn, không nề hà gì, chị Hải mở thêm kênh bán hàng bằng cách livestream trên mạng xã hội, lượng mua nhiều lên đáng kể. Chị còn bàn với chồng tự vận chuyển cây cảnh thay vì đặt shipper, vừa có thêm công việc, vừa an toàn cho cây. Cách của chị Hải trở nên hiệu quả ngay lập tức, khách nhận hàng vừa nhanh, hàng vừa tươi tắn nên rất hài lòng. Cửa hàng cây kiểng của vợ chồng chị từ đó bán được nhiều hơn hẳn.

“Thời điểm này tìm được công việc đúng với chuyên môn của mình là rất khó. Vì một khi ở nơi này cắt giảm nhân sự thì những nơi khác cũng cùng chung hoàn cảnh. Nhưng hãy tin là cánh cửa mới luôn mở ra với những người tìm kiếm cơ hội cho mình, với điều kiện bản thân phải bắt nhịp được với những công việc mới”, chị Hải chia sẻ.

Cân đối chi tiêu hợp lý

Ngày đầu nghỉ làm ở công ty, việc đầu tiên của chị Mai (ngụ quận 4, TPHCM) là cân đối lại chi tiêu trong gia đình và cả với bản thân mình.

Nếu như khi còn đi làm, mỗi sáng chị Mai lại phát tiền ăn sáng cho 3 đứa con, thì giờ đây chị tranh thủ dậy sớm ra chợ mua thực phẩm về chế biến bữa sáng cho cả gia đình 5 người. Chị còn có hẳn cuốn sổ tay để cân nhắc chuyện nấu nướng sao cho hợp lý, bữa ăn đủ dinh dưỡng mà vẫn tiết kiệm chi tiêu.

Ở bữa trưa và tối, chị cũng tính toán sao để tránh thức ăn dư thừa như mọi lần. Nhờ đi chợ mỗi ngày, chị Mai cũng nắm chắc thông tin giá cả, để biết món nào mua ở đâu thì sẽ có lợi hơn. Cùng ở chợ, nhưng mỗi cửa hàng bán giá mỗi khác.

Trước đây, chị Mai chẳng có thời gian vào chợ, chỉ tạt ngang chỗ nào tiện để mua cho nhanh rồi về. Với cách đi chợ hàng ngày của chị Mai, vừa tránh được khoảng thời gian thừa thãi vì rảnh rỗi, mà cả gia đình lại được ăn thức ăn tươi sống mỗi ngày, tủ lạnh cũng không phải dùng hết công suất làm lạnh như trước, đỡ tốn tiền điện, tiện lợi đôi đàng.

Một cái lợi khác mà chị Mai nhận ra nữa là, khi chế biến thức ăn tươi sống, lượng gia vị trong nêm nếm cũng giảm đi đáng kể, mà món ăn vẫn có vị ngon ngọt từ nguồn thực phẩm tươi, khác hẳn với thực phẩm đông lạnh. Nhìn cả nhà ăn uống hào hứng, ngon miệng, bỗng dưng chị thấy “quãng nghỉ ngơi” vì thất nghiệp của mình ý nghĩa hẳn lên.

Về phần mình, trong khi chưa kiếm được việc làm, chị cũng tự cắt giảm chi tiêu. So với việc đi làm, ở nhà là đã tự động giảm những khoản chi phí căn bản mỗi ngày như tiền xăng xe, ăn uống với đồng nghiệp bữa xế hay những cuộc gặp gỡ cà phê, ăn trưa cũng không còn, cả váy đầm, son môi, giày dép… cũng không phải là nhu cầu thiết yếu như khi còn làm công sở nữa. Chị thấy khoản chi tiêu giảm hẳn xuống.

Thích nhất là chị không phải đối diện với sự ủ rũ thất nghiệp như một vài người chị biết. Ở tuổi 40, chị cũng có đến gần 20 năm đi làm rồi. Sao không thể tự thưởng cho mình khoảng thời gian nhàn nhã, mà phải cuống cuồng tất bật. Thậm chí, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị bắt đầu ôn lại những kiến thức chuyên môn đã bỏ quên lâu ngày, cập nhật những kiến thức mới để sẵn sàng khi mà những khó khăn trôi qua.

"Tôi tin nếu có năng lực, sớm muộn cũng sẽ tìm được công việc như ý. Việc hiện nay là bình tĩnh ổn định lại cách sống mới, sẵn sàng cho những cơ hội tương lai", chị Mai tâm sự.

ÁNH HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mat-viec-o-tuoi-trung-nien-hoc-cach-chap-nhan-va-vuot-kho-post753578.html
Zalo