Mất trắng 10 tỷ đồng vì nhẹ dạ cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tuần qua (từ ngày 15 - 21/7) tình hình lừa đảo trực tuyến diễn ra phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân, giả danh công an yêu cầu người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, lập Facebook giả mạo để chiếm đoạt tiền, tài sản.

Khởi tố vụ án lừa đảo cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thủ đoạn lừa đảo người dân cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo để chiếm đoạt tiền, tài sản.

Mất trắng 10 tỷ đồng vì nhẹ dạ cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Ảnh minh họa

Mất trắng 10 tỷ đồng vì nhẹ dạ cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Ảnh minh họa

Cụ thể, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc anh có nhận được điện thoại của một đối tượng giả danh cán bộ công an, yêu cầu anh cài đặt phần mềm dịch vụ công.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.

Sau khi cài đặt xong, anh T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 10 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi trên hệ thống, hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan công an để làm việc.

Với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng sẽ thúc ép để người dân phải khẩn trương tải phần mềm dịch vụ công giả mạo, do đối tượng cung cấp. Ngay sau khi cài đặt phần mềm giả mạo này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin đã liên tục đưa ra khuyến cáo, đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link, hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Công an các cấp không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội.

Khởi tố vụ lập Facebook giả để lừa bán đồ điện tử

Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Anh Dũng (32 tuổi, trú tại phường 10, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo điều tra, để thực hiện hành vi, Dũng lập và sử dụng một tài khoản Facebook mang tên “NA Dung” kèm theo các thông tin cá nhân giả mạo để tham gia vào các hội nhóm mua bán đồ điện tử và đăng bán các mặt hàng có liên quan.

Tuy nhiên, trên thực tế Dũng không có hàng hóa để thực hiện việc mua bán. Khi có người nhắn tin trao đổi việc mua hàng, Dũng thông báo các ưu đãi như giá sản phẩm rẻ hơn thị trường, giảm giá tiền của sản phẩm, miễn phí tiền vận chuyển... Đồng thời, Dũng sử dụng ứng dụng “GHN-GiaoHangNhanh” tạo các đơn chuyển hàng giả gửi cho người mua để người mua tin tưởng chuyển tiền trước cho Dũng qua tài khoản ngân hàng.

Với thủ đoạn trên, Nguyễn Anh Dũng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước với tổng số tiền trên 130 triệu đồng.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị, người dân, nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo quy định pháp luật.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mat-trang-10-ty-dong-vi-nhe-da-cai-dat-phan-mem-dich-vu-cong-gia-mao-155378.html
Zalo