Mặt trái của việc sử dụng AI để kiểm soát nhân viên

AI giúp việc quản lý nhân viên hiệu quả, giảm thiểu rò rỉ thông tin. Nhưng điều quan trọng hơn là sử dụng AI sao cho cả chủ doanh nghiệp và nhân viên đều thấy hài lòng.

 Nhiều nhân viên hài lòng khi AI là công cụ bổ trợ cho công việc của họ. Ảnh: T-systems.

Nhiều nhân viên hài lòng khi AI là công cụ bổ trợ cho công việc của họ. Ảnh: T-systems.

Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp có lượng nhân công lớn như Nestlé, Walmart, Starbucks đã sử dụng phần mềm có tên là Aware để theo dõi tin nhắn của nhân viên qua Slacks, Teams hay Zoom. Công nghệ sẽ giúp phát hiện những cá nhân “bàn ra" trong cuộc họp, báo hiệu những tình huống nhân viên tiết lộ thông tin, bạo lực hay bắt nạt nơi công sở.

AI giúp các công ty “hiểu rõ hơn rủi ro trong cách truyền thông”, Jeff Schumann, đồng sáng lập và CEO của công ty Columbus nói với CNBC.

Đến giữa năm, trong làn sóng cắt giảm nhân sự, AI lại có vai trò cố vấn, đưa ra đánh giá và chọn lọc những nhân viên không đủ chỉ tiêu. Để dễ hình dung, công nghệ này sẽ đo lường thời gian bạn dành cho công việc bằng việc kiểm soát các thao tác trên máy tính của bạn. Sau đó, thông tin sẽ được gửi về cho hệ thống để thực hiện tính toán cần thiết.

Quản lý nhân viên thôi có cần dùng đến AI?

Đối với những tập đoàn lớn, rò rỉ thông tin nội bộ là một vấn đề nan giải. Theo Báo cáo toàn cầu về chi phí rủi ro nội bộ 2023 (Cost of Insider Risks) của DTex, những nhân viên có ác cảm với công ty là tác nhân của nhiều vụ rò rỉ thông tin với tổn thất lớn nhưng lại khó đề phòng hơn. Vì vậy, sử dụng AI để kiểm soát thông tin là một biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh đối với các doanh nghiệp này.

Ngoài ra, thị trường lao động những năm gần đây cũng đối mặt với việc niềm tin, độ gắn kết với công việc giảm sút.

Đối với nhân viên làm việc tại văn phòng, một số vẫn đi làm với văn hóa “điểm danh", hay không bỏ công sức xứng đáng cho công việc của mình. Lý do có thể cá nhân, không hòa hợp với cấp trên, đồng nghiệp, hay đang tìm kiếm một cơ hội tốt hơn.

 Những ứng dụng mà công nghệ Aware đang kiểm soát. Ảnh: Aware.

Những ứng dụng mà công nghệ Aware đang kiểm soát. Ảnh: Aware.

Trong khi đó, xu hướng làm việc tự do ngày càng phổ biến. Tính hiệu quả của chế độ làm việc này vẫn đang được bàn luận khi những cuộc họp, thảo luận online khó đảm bảo được sự tập trung của nhân viên.

Mùa hè vừa qua, trên Tiktok cũng nổi bật từ khóa “Quiet Vacationing”. Đó là khi một số người muốn đi du lịch (vacation) nhưng không muốn sử dụng ngày phép. Mà thay vào đó, họ xin được work from home (làm việc tại nhà) và chỉ bỏ công sức tối thiểu để duy trì trạng thái “online" với cấp trên.

Vì nhiều lý do như thế, việc sử dụng AI phần nào giúp doanh nghiệp quản lý nhân viên một cách tốt hơn, giảm thiểu một số chi phí trong lao động.

Mặt trái của việc sử dụng AI quản lý nhân viên

Dù cho mục đích sử dụng AI là có thiện chí, giả sử công ty nơi bạn làm đang bí mật sử dụng AI để thu thập thông tin, bạn sẽ cảm thấy như thế nào.

Nghiên cứu của APA đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc quản lý nhân viên đối với sức khỏe tinh thần và hiệu suất làm việc của họ. Khi được phỏng vấn, 45% nhân viên chịu kiểm soát từ máy móc nói rằng họ cảm thấy áp lực hơn và sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng tiêu cực, so với 29% nhân viên không chịu bất kỳ quản lý nào.

 Video về ‘Quiet Vacationing' đạt gần 5.5 triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Saraisthreads.

Video về ‘Quiet Vacationing' đạt gần 5.5 triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Saraisthreads.

Thực tế, người đi làm đã ở sẵn trong một trạng thái căng thẳng, áp lực. Nên khi biết rằng công việc, những mối quan hệ công sở đang được kiểm soát 24/24 khiến họ cảm thấy không được tin tưởng, và quyền riêng tư bị xâm phạm. Được hỏi về vấn đề này, Hải Yến (25 tuổi - nhân viên văn phòng) đã bày tỏ sự hoang mang khi các công cụ chấm công đã đủ áp lực, nay có thể chịu quản lý gắt gao hơn.

Ngoài ra, đánh giá hiệu suất làm việc dựa trên số giờ làm vẫn chưa chứng minh được tính đúng đắn. Nhiều nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ, xử lý công việc ngoài giờ hành chính. Nếu chỉ sử dụng công nghệ AI để biết được số giờ làm, kết quả công việc, thì chỉ nói lên phần nào đó mức độ gắn kết của nhân viên.

Trong khi một công việc đòi hỏi nhiều sự tương tác giữa người với người, nếu đơn thuần đưa cho công cụ xử lý thì có đạt được hiệu quả không?

AI chỉ nên là một công cụ

AI dần trở thành một phần không thể thiếu trong thị trường lao động tương lai. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ cho từng cá nhân doanh nghiệp vẫn cần nhiều điều chỉnh hợp lý.

Đầu tiên, doanh nghiệp cần đảm bảo và tuân thủ những điều luật liên quan đến tính bảo mật thông tin của nhân viên. Thông tin được thu thập như thế nào, qua hình thức gì, và được sử dụng để làm gì là những điều mà nhân viên cần được biết. Đó có thể là hạn chế rò rỉ thông tin, bảo vệ nhân sự và xây dựng môi trường làm việc lành mạnh hơn.

Thứ hai, người lao động cũng muốn được biết họ sẽ nhận lại gì. Khảo sát của Gartner nói rằng 33% nhân viên sẵn sàng cho AI quản lý nếu như nhận được sự đào tạo, khóa học, hay những thông tin bổ trợ cho công việc.

AI lúc này có thể trở thành một người dẫn dắt hữu ích bằng việc xem qua thời điểm, thói quen làm việc và đưa ra những lời khuyên cải thiện hiệu suất hợp lý. Một nhà máy cũng đã sử dụng AI để đánh giá những vị trí dễ té ngã để tăng cường an toàn bên trong nơi làm việc.

Trên hết, quản lý nhân sự hiệu quả nhất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa công nghệ và khả năng điều hành của ban lãnh đạo. Ứng dụng AI vào môi trường làm việc sẽ dễ đạt đồng thuận và mang lại lợi ích đôi bên khi có sự thương lượng, giao tiếp mạch lạc giữa các cấp nhân viên, lãnh đạo với nhau.

Nhật Tường

Nguồn Znews: https://znews.vn/mat-trai-cua-viec-su-dung-ai-de-kiem-soat-nhan-vien-post1496566.html
Zalo