Mất đi 'bầu sữa' Amazon, Gilimex kinh doanh ngày càng sa sút

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL) đã công bố BCTC quý I/2023 với mức lỗ lên tới gần 39 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử niêm yết của công ty.

Theo đó, Gilimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 156,9 tỷ đồng, giảm 88,9% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 4,26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt hơn 245 tỷ đồng.

Gilimex báo lỗ kỷ lục gần 39 tỷ đồng trong quý I/2023.

Gilimex báo lỗ kỷ lục gần 39 tỷ đồng trong quý I/2023.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 26% xuống còn 27,4 tỷ đồng, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều đồng loạt giảm mạnh 43%, 60% so với cùng kỳ.

Mặc dù đã tiết giảm các loại chi phí nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận vẫn ghi nhận lỗ 38,62 tỷ đồng.

Được biết, Gilimex niêm yết trên sàn từ ngày 2/1/2002. Như vậy, kể từ khi niêm yết, mức lỗ trong 3 tháng đầu năm 2023 là mức lỗ cao kỷ lục của doanh nghiệp này.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán sụt giảm.

Bên cạnh đó, trong quý I, công ty đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp vào quý II, do đó chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh. Công ty cũng cho biết doanh thu mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ được ghi nhận vào các quý sau.

Trong năm 2023, Gilimex đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ đồng, giảm 77,4% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2022 là 458,9 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến kế hoạch kinh doanh sụt giảm này là do gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng.

Được biết, Gilimex có một thỏa thuận lâu dài với Amazon để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của đối tác.

Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất, xây dựng các kho chứa bằng thép và vải dùng để sắp xếp hàng tồn kho trong kho của đối tác. Bên cạnh đó, công ty tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm cho Amazon.

Tuy nhiên, vào tháng 4 và tháng 5/2022, Amazon "ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến" trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 xuống còn một phần nhỏ, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Nhìn lại giai đoạn kể từ khi trở thành đối tác của Amazon năm 2014 cho đến năm 2021, Gilimex ghi nhận doanh thu tăng 274%, lên 4.150,3 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 588%, từ 48 tỷ đồng lên 330,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước, với biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 17,5%.

Nhưng năm 2022, sau khi ghi nhận tổng doanh thu trong quý I và II lần lượt là 1.416,8 tỷ đồng và 1.274,7 tỷ đồng, thì động thái thu hẹp đơn hàng của Amazon khiến quý III và IV, công ty chỉ đạt 213,1 tỷ đồng và 261,9 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho của Gilimex tăng từ 940,7 tỷ đồng cuối quý II/2022 lên 1.253,9 tỷ đồng vào cuối năm.

Với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô, Gilimex đã tiến hành khởi kiện Amazon để đòi bồi thường 280 triệu USD.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, Gilimex cho biết vụ kiện đang được thực hiện theo quy trình. Hiện, công ty đã qua bước thụ lý, mục tiêu là giải quyết dứt điểm trong năm 2023.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GIL từng đạt mức giá trên 80.000 đồng/cp vào tháng 4/2022, nhưng do đối tác giảm đơn hàng và thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm, nên thị giá cổ phiếu đi xuống. Chốt phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu GIL giảm về mức 22.200 đồng/cp (-5,1%).

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/mat-di-bau-sua-amazon-gilimex-kinh-doanh-ngay-cang-sa-sut-1092356.html
Zalo