Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức nào?

Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2024 đạt mức 110,7 bé trai/100 bé gái. Nhiều phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn cũng đã được công bố.

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên, khẳng định cam kết xây dựng hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu.

Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm, khi chính thức công bố Báo cáo Quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024. Báo cáo mang tính cột mốc này do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu, trong khuôn khổ "Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe" của Quỹ Bloomberg Philanthropies, đưa ra bức tranh về tình hình đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn trên toàn quốc, cũng như một số vấn đề dân số khác, trên cơ sở đó kêu gọi hành động để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

"Thống kê không chỉ là những con số, đó thực sự là những con số biết nói. Ẩn sau những con số đó là câu chuyện về cuộc sống và con người" ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu. "Khi được thu thập chính xác, dữ liệu giúp chúng ta hiểu được chính sách nào đang phát huy hiệu quả, ai còn đang bị bỏ sót, và chúng ta cần làm gì để xây dựng một hệ thống dữ liệu bao trùm hơn cho tất cả mọi người. UNFPA sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo rằng mỗi người đều được ghi nhận và mọi cuộc sống đều quan trọng".

Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên.

Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên.

Báo cáo cho thấy nhiều tín hiệu tích cực: Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, trong đó tỷ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh ra) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.

Tương tự như khai sinh, số trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) chiếm tỷ trọng cao đạt 69,3% vào năm 2024, tuy nhiên tình trạng khai tử muộn vẫn phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, có dân tộc lên tới gần 80%.

Phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn

Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104–106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc mà điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang.

Số liệu cho thấy, theo hồ sơ đăng ký khai sinh, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam từ năm 2021 đến nay đều cao hơn mức cân bằng trung bình khá nhiều; hơn nữa, tỷ số này trong 2 năm gần đây vẫn có xu hướng tăng.

Năm 2021, SRB của Việt Nam là 109,5 bé trai/100 bé gái. Con số này đến năm 2023 là 109,7 bé trai/100 bé gái và đến năm 2024 thì tiếp tục tăng và đạt mức 110,7 bé trai/100 bé gái.

Tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ. Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi).

Về tử vong, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2024 là 69,5 tuổi và có sự chênh lệch lớn về giới: tuổi chết trung bình ở nam giới là 64,6 tuổi và nữ giới là 75,6 tuổi. Phần lớn các ca tử vong năm 2024 là do bệnh tật hoặc tuổi già (chiếm 95,2% tổng số ca tử vong được ghi nhận). Đặc biệt, trên 3/4 số ca tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.

Dữ liệu chính xác và kịp thời chính là nền tảng của một hệ thống y tế vững mạnh và chính sách hiệu quả

Phát biểu về các số liệu quan trọng này, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê nhấn mạnh: "Lần đầu tiên, chúng ta có thể sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước. Đây là một dấu mốc rất quan trọng. Kết quả cũng cho thấy vẫn còn sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc và vùng miền trong công tác đăng ký hộ tịch. Tuy vậy, các kết quả phân tích cũng đồng thời khẳng định rằng đầu tư của chính phủ vào chuyển đổi số trong hệ thống đăng ký hộ tịch đang mang lại hiệu quả. Trong thời gian tới, nâng cao tính kịp thời và độ chính xác của dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để mọi người đều được phản ánh trong hệ thống dữ liệu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau".

"Với báo cáo này, Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng trong khu vực về cách phân tích và sử dụng dữ liệu hộ tịch để đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu" bà Gurpreet Kaur Rai, Cố vấn kỹ thuật khu vực thuộc Chương trình Tác động dữ liệu của tổ chức Y tế công cộng, chia sẻ: "Dữ liệu chính xác và kịp thời chính là nền tảng của một hệ thống y tế vững mạnh và chính sách hiệu quả. Chúng tôi tự hào được đồng hành cùng tiến trình quan trọng này và chứng kiến những cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo Việt Nam đối với chương trình nghị sự ý nghĩa này".

Trong thời gian tới, báo cáo khuyến nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ cho hệ thống đăng ký hộ tịch điện tử quốc gia, tăng cường tập huấn cho cán bộ đăng ký cơ sở và đẩy mạnh tiếp cận tới các nhóm yếu thế. Việc tích hợp sâu hơn với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, y tế và giáo dục cũng là điều cần thiết để phát huy tối đa lợi ích của dữ liệu hộ tịch.

Khi Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và chuẩn bị cho những thay đổi dân số trong tương lai, hệ thống đăng ký hộ tịch và thống kê dân số sẽ tiếp tục đóng vai trò nền tảng cho một nền quản trị hiệu quả, đảm bảo quyền con người và phát triển toàn diện.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nghị quyết cũng nêu rõ, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao...

M.Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-o-viet-nam-dang-o-muc-nao-169250425100851672.htm
Zalo