Mặt bằng nhà phố Hà Nội ế khách thuê

Trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), tuyến phố từng buôn bán sầm uất, thì nay trung bình cứ cách 100 - 200 m có một căn nhà treo biển cho thuê mặt bằng. Nhiều khu phố khác như Bạch Mai, Kim Mã, Nguyễn Lương Bằng… cũng trong tình cảnh tương tự.

Nhiều cửa hàng mặt phố tại Hà Nội treo biển cho thuê cả tháng mà chưa tìm được khách (Ảnh: Đức Thanh)

Nhiều cửa hàng mặt phố tại Hà Nội treo biển cho thuê cả tháng mà chưa tìm được khách (Ảnh: Đức Thanh)

Những đường phố đìu hiu dịp cận Tết

Không còn những hình ảnh trang trí sặc sỡ đón chào Tết Nguyên đán, nhiều hàng quán tại các khu phố “vàng” đang rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”. Tại mặt phố Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), không khó để bắt gặp những căn nhà treo biển cho thuê cửa hàng.

Tương tự, những con phố nổi tiếng tại quận Hai Bà Trưng như phố Huế, Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều hộ kinh doanh trả lại mặt bằng. Tại phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình), tình hình cũng không khá hơn, khi nhiều căn nhà lặng lẽ đóng cửa cuốn và dán giấy tìm khách thuê.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, chị Tuyết Lan, một người dân sinh sống tại phố Bạch Mai cho biết, nhiều căn nhà mặt đường đang có giá thuê giảm. Hồi đầu năm 2024, mặt bằng có diện tích 20 m2 ghi nhận mức giá thuê khoảng 16 triệu đồng/tháng, nhưng nay, sau khoảng thời gian dài không tìm được khách, chủ nhà đã hạ giá xuống còn 12 triệu đồng/tháng.

Đa phần nhà phố tại khu vực trung tâm không có chỗ đỗ xe, mặt tiền và diện tích tương đối hẹp. Những hạn chế trên sẽ làm giảm trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Một số chủ nhà vẫn giữ nguyên giá thuê, nên người thuê vì kinh doanh khó khăn nên phải chuyển tới nơi khác để tiết kiệm chi phí. Trên mặt phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), một cửa hàng giày dép đóng cửa vì không thể tiếp tục trả tiền thuê khoảng 10 triệu đồng/tháng cho phần mặt bằng rộng chưa tới 20 m2.

“Thông thường, hợp đồng có điều khoản tăng/giảm giá thuê quanh mức 10% mỗi năm. Chủ nhà đã không tăng giá suốt 2 năm qua, song do người thuê không cầm cự được vì chi phí mặt bằng đã chiếm quá nửa doanh thu”, người dân tại khu phố chia sẻ.

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, một số cửa hàng nhỏ cũng đang thay đổi chiến lược kinh doanh của mình. Chị Ngọc Yến, nhân viên văn phòng cho biết, bản thân đã góp vốn cùng bạn bè để mở cửa hàng quần áo trong một con ngõ tại phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân).

“Do nhà nằm trong ngõ nên giá thuê khá rẻ, chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng. Khoản tiết kiệm được từ tiền thuê mặt bằng sẽ được chúng tôi dùng để chạy quảng cáo và thuê KOL đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội”, chị Yến cho hay.

“Khẩu vị” chọn mặt bằng của doanh nghiệp

Ông Lê Anh Thái, Phó giám đốc Công ty Ngọc Nguyên Land, một đơn vị chuyên cho thuê mặt bằng kinh doanh tại Hà Nội cho biết, những khu vực từng nổi tiếng một thời như phố Huế, Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn (quận Đống Đa), đang dần suy giảm cả về sức hút lẫn giá thuê.

“Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc những tuyến phố này gặp hạn chế khi dừng - đỗ xe ô tô, vỉa hè nhỏ, thường xuyên xảy ra tắc đường, từ đó gây khó khăn cho việc mua sắm tại cửa hàng. Bên cạnh đó, dù giá trị thương mại giảm, nhưng giá trị mặt bằng tại đây lại ở mức cao khi so sánh với những tuyến phố lân cận, có hạ tầng và mức độ nhận diện tốt hơn”, ông Lê Anh Thái chia sẻ lý do nhiều đơn vị kinh doanh “tháo chạy” khỏi các tuyến phố lớn.

Bên cạnh đó, sau Covid-19, “sức khỏe” tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Để tiết kiệm chi phí, không ít đơn vị tìm tới các mặt bằng trong ngõ hoặc chuyển sang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Khi ổn định lại tình hình, các doanh nghiệp có thể tiếp tục tìm kiếm mặt bằng đẹp để nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu.

“Dù vậy, những tuyến phố như Xã Đàn, Thái Hà (quận Đống Đa), Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm)... vẫn được nhiều thương hiệu lớn đặt thuê và quan tâm. Ngoài ra, những khu phố gần hồ Gươm như phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung và khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm) cũng được nhiều doanh nghiệp lớn ‘săn’ mặt bằng”, ông Thái thông tin.

Cũng theo ông Thái, mặt bằng nằm tại vị trí đẹp không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh tốt, mà còn thể hiện sức ảnh hưởng và giá trị của thương hiệu. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng F&B (thực phẩm và dịch vụ ăn uống), thời trang, vàng bạc đá quý, thiết bị công nghệ… không ngại chi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho những mặt bằng kinh doanh đắc địa bậc nhất Hà Nội, bất chấp giá thuê tại đây không ngừng tăng lên.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, phân khúc nhà phố cho thuê đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn với các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử.

Đáng chú ý, một số nhãn hàng thời trang, phụ kiện không còn mặn mà với việc thuê mặt bằng nhà phố. Thay vào đó, họ chuyển sang thuê nhà trong ngõ để mở rộng kho hàng và tập trung làm marketing trên các kênh online.

Vị chuyên gia của VARS cũng chỉ ra nhược điểm của đa phần nhà phố tại khu vực trung tâm như không có chỗ đỗ xe, mặt tiền và diện tích tương đối hẹp. Những hạn chế trên sẽ làm giảm trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội, thay vì mặc định tìm đến vị trí trung tâm, các doanh nghiệp đang phải tính toán thêm nhiều yếu tố hơn trước khi xuống tiền thuê mặt bằng. Theo đó, các yếu tố như có khu vực đỗ xe dành cho shipper và khách hàng, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, tình trạng giao thông giờ cao điểm… được ưu tiên lựa chọn.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/mat-bang-nha-pho-ha-noi-e-khach-thue-d241419.html
Zalo