Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ổn định
Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ ở nhiều ngân hàng trong các tuần vừa qua nhưng mức độ tác động khiến lãi suất cho vay tăng theo trong các tháng cuối năm là không lớn.
Lãi tiết kiệm tăng phù hợp thực tiễn cạnh tranh
Từ đầu tháng 7 đến nay, ghi nhận trên thị trường đã có khoảng gần 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Nhóm ngân hàng áp dụng lãi suất huy động cao nhất là nhóm các nhà băng quy mô nhỏ và vừa như: NCB, OceanBank, BVBank, NCB, HDBank, OCB… (lãi suất huy động kỳ dài hạn niêm yết khoảng 6-6,1%/năm). Bên cạnh đó, một số NHTM như: Eximbank, SeABank, VIB, BAOVIET Bank, Saigonbank, VietBank, MB… cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động tiến sát mốc 6% ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng.
Việc hàng loạt NHTM điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong tháng vừa qua đã khiến thị trường dấy lên lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế và đại diện NHTM “làn sóng” tăng lãi suất huy động này sẽ ảnh hưởng không lớn đến mặt bằng lãi suất cho vay.
TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, động thái tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay ở một số ngân hàng phản ánh đúng với bản chất thực tiễn cạnh tranh của thị trường.
Theo đó, sau một thời gian dài hệ thống ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất thấp đã khiến cho sức hấp dẫn của tiền gửi tiết kiệm giảm đi so với các kênh đầu tư khác. Các kênh trái phiếu, chứng chỉ quỹ và một vài phân khúc bất động sản có sự phục hồi sau nửa đầu năm trong chừng mực nào đó đang khiến dòng tiền gửi tiết kiệm chảy sang. Vì thế, để giữ chân khách hàng, đảm bảo duy trì, mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, các nhà băng sẽ phải cân nhắc tăng mức lãi suất huy động ở một số kỳ hạn phù hợp.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất huy động cũng cho thấy nhu cầu vốn để phục vụ các chiến lược kinh doanh và mở rộng tăng trưởng tín dụng các quý cuối năm của hệ thống ngân hàng đang tăng lên. Điều này phản ánh rõ khi hai tháng vừa qua tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng khá mạnh so với thời điểm đầu năm.
TS. Châu Đình Linh cũng nhận định rằng, mặc dù động thái tăng lãi suất diễn ra ở khá nhiều ngân hàng, tuy nhiên biên độ tăng khá mạnh chỉ xảy ra ở một số nhà băng thuộc nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình. Các ngân hàng quy mô lớn cũng có tăng nhưng không đáng kể. Vì vậy, “làn sóng” tăng lãi suất huy động hiện nay có thể tác động tiêu cực khiến lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn tại các ngân hàng quy mô nhỏ tăng lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ chỉ tăng ở các nhà băng có ít lợi thế cạnh tranh về nguồn vốn đầu vào rẻ và hạn chế về mạng lưới, thị phần. Nhóm các ngân hàng quy mô vừa và lớn có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao, có dòng tiền ổn định và huy động đầu vào tốt hơn thì việc tăng nhẹ lãi suất huy động không làm ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay.
Dư địa ổn định lãi suất điều hành vẫn lớn
Theo đại diện Khối Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam, mặc dù nhiều NHTM tăng lãi suất huy động trong tháng vừa qua nhưng mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh Covid-19. Trong đó, lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (ngắn hạn) vẫn thấp hơn mức trần quy định.
Chính vì thế nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25% đến 0,75% tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6% vào cuối năm 2024. Vị đại diện này cho rằng, đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4% - 5% trong năm 2024.
Ở góc độ dự báo, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhiều khả năng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2% - 5,5% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên, các tháng cuối năm cầu tín dụng sẽ tăng mạnh ở các nhóm ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Vì thế lượng tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay ra thị trường sẽ chiếm tỷ trọng cao và mặt bằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng như hiện tại hoặc chỉ nhích nhẹ ở một số NHTM quy mô nhỏ.
Đồng quan điểm, đại diện bộ phận tín dụng doanh nghiệp của một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế các kỳ hạn tiền gửi chủ chốt (6 tháng và 12 tháng) ít được các NHTM điều chỉnh tăng, hoặc có tăng thì biên độ cũng rất nhỏ. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay là không nhiều. Ngoài ra, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng (nhất là cho vay mua nhà) đã được nhiều ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất có thể để cạnh tranh tăng trưởng tín dụng các quý cuối năm. Nếu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay vào các thời nhu cầu vốn của khách hàng quay trở lại sẽ tạo hiệu ứng tâm lý lo ngại, nên các ngân hàng sẽ rất cân nhắc.
Đánh giá về góc độ cân đối giữa chính sách điều hành lãi suất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, TS. Châu Đình Linh cho rằng, hiện nay áp lực tăng lãi suất đến từ yếu tố lạm phát là không cao. Dư địa để NHNN duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành vẫn còn khá rộng mở. Dù vậy, các quý cuối năm nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế sẽ tăng mạnh do các yếu tố mùa vụ, lễ tết và chu kỳ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… Vì vậy, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng cần theo dõi sát sao các dấu hiệu trên thị trường để đánh giá kịp thời và đưa ra những giải pháp phù hợp, cân đối tăng trưởng tín dụng với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.