Mặt bằng 'cản' tiến độ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Dù đã có chủ trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhưng đến nay các nhà thầu tại hai dự án cao tốc trọng điểm tại tỉnh Lạng Sơn vẫn phải thi công cầm chừng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB).

Nhà thầu thiệt hại do không có mặt bằng thi công

Nằm trên địa bàn xã Hùng Việt (Tràng Định, Lạng Sơn), công trường thi công gói thầu EC01 phân đoạn Km27+500 đến Km38 thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh thời gian qua gần như im ắng.

Công trường thi công thuộc gói thầu EC02 dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Công trường thi công thuộc gói thầu EC02 dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo đại diện nhà thầu, không chỉ do điều kiện thời tiết, lý do chính khiến dự án bị đình trệ còn đến từ GPMB khiến hàng chục đầu máy, trang thiết bị hiện đang trong tình trạng “án binh bất động”.

Theo kế hoạch, toàn bộ phân đoạn 10,5 km này sẽ được bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 10. Thế nhưng hiện tại mặt bằng bàn giao mới chỉ 1,2 km. Nhà thầu cũng mới chỉ thi công được... 600 m do thiếu mặt bằng.

Trên tinh thần bàn giao đất đến đâu sẽ thi công tới đó, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn sàng 80 đầu máy, thiết bị và 200 nhân công. Nhưng tại hiện trường, chỉ có khoảng 10 đầu máy và 25 nhân lực đang làm việc. Khối lượng công việc ít khiến ngày công của các công nhân chỉ kéo dài 4-5 tiếng.

Đoạn đường dài khoảng 10,5 km này nhiều tháng qua chỉ được thi công cầm chừng do chưa có mặt bằng

Đoạn đường dài khoảng 10,5 km này nhiều tháng qua chỉ được thi công cầm chừng do chưa có mặt bằng

Tình trạng thi công kiểu "xôi đỗ", “xen kẹt” khiến nhà thầu là đơn vị trực tiếp chịu thiệt hại ngay lập tức. Ước tính một tháng nhà thầu sẽ “gánh lỗ” khoảng 1 tỷ đồng chi phí khấu hao nhân lực và máy móc. Riêng tiền lương chi cho nhân công đã mất khoảng 400 triệu đồng.

“Anh em làm việc xa nhà. Chúng tôi vẫn phải trả lương đều đặn để giữ chân họ”, nhà thầu cho biết. “Chỉ cần có mặt bằng, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ”.

Nhiều đầu máy, thiết bị trong tình cảnh “đắp chiếu” do đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng.

Nhiều đầu máy, thiết bị trong tình cảnh “đắp chiếu” do đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng.

Theo báo cáo của đại diện doanh nghiệp dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, tiến độ bàn giao mặt bằng tại tỉnh Lạng Sơn ước đạt 16,168/51,8 km (31,2 %). UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã phân bổ chi tiêu đất giao thông cho hai huyện Văn Lãng và Tràng Định theo quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 25/04/2024. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu 161,2ha chỉ tiêu đất giao thông.

Nguyên nhân gây chậm GPMB là do khâu phê duyệt tiểu dự án GPMB chưa được các cơ quan chức năng đẩy nhanh.

Trong trường hợp dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dù đã được phê duyệt, nhưng vẫn phải đợi các cơ quan chức năng xem xét và phê duyệt tiểu dự án GPMB với các trình tự thủ tục tương đương dự án lớn. Do đó gây nên tình trạng ùn ứ, khiến các nhà đầu tư mất khoảng 6 tháng trời chỉ thực hiện được công tác kiểm đếm, đo đạc trong thời gian chờ đợi phê duyệt.

Khu vực từng là đất trống trong hồ sơ quy hoạch được người dân tranh thủ trồng lúa trong vài tháng qua.

Khu vực từng là đất trống trong hồ sơ quy hoạch được người dân tranh thủ trồng lúa trong vài tháng qua.

Điểm đặc biệt của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đó là dựa vào Nghị quyết số 106/2023/QH15, trong đó Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương.

Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng chậm GPMB là do khâu bồi thường, chi trả tiền cho người dân chưa được đẩy nhanh.

Dù đã có chủ trương từ Quốc hội và Chính phủ, nhưng thủ tục chuyển tiền từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng phải tới cuối tháng 7 mới hoàn tất. Nhà thầu và nhà đầu tư phải tự ứng trước gần 50 tỷ trên toàn tuyến để người dân bàn giao mặt bằng, có công địa thi công.

Mấy tháng qua, gia đình bà Năm trong tình trạng “nhấp nhổm” đợi tiền đền bù và kế hoạch tái định cư.

Mấy tháng qua, gia đình bà Năm trong tình trạng “nhấp nhổm” đợi tiền đền bù và kế hoạch tái định cư.

Doanh nghiệp dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung 161,2 ha chỉ tiêu đất giao thông cho tỉnh Lạng Sơn (trong đó 120ha điều chuyển từ tỉnh Cao Bằng, 41,2ha điều chuyển từ các tỉnh khác).

Đồng thời, chính quyền tỉnh Lạng Sơn xác lập kế hoạch chi tiết bàn giao mặt bằng địa phận tỉnh Lạng Sơn cho nhà thầu tổ chức triển khai thi công.

Giải khúc mắc mặt bằng để đẩy tiến độ

Ở các công trình trọng điểm này, mốc hoàn thành toàn tuyến đã “chốt” nên chậm bàn giao mặt bằng ngày nào thì nhà thầu phải bù tiến độ, rút ngắn thời gian thi công ngày đó, điều này cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với nhà thầu và ảnh hưởng chất lượng công trình.

Đơn vị thi công trồng cột nâng dây điện để máy móc vào được công trình.

Đơn vị thi công trồng cột nâng dây điện để máy móc vào được công trình.

Các địa phương thường GPMB tổng thể mà chưa có sự ưu tiên đối với một số vị trí chiến lược thi công như hầm, trụ… của công trình. Do đó, thực tế đã xảy ra tình trạng bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu không triển khai thi công được vì còn “xôi đỗ”.

Đơn cử như với dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, nhiều vị trí tiếp cận thi công bị vướng mồ mả, đất canh tác và các công trình kỹ thuật chưa di chuyển.

Nằm trong vùng canh tác hồng Vành khuyên – sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của huyện Văn Lãng, gói thầu EC04 phân đoạn Tân Thanh – Cốc Nam được quy hoạch xây cầu vượt.

Đại diện doanh nghiệp dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho biết, nhiều hộ dân muốn đền bù theo giá của đất trồng cây lâu năm, trong khi trên sổ sách đây là đất rừng sản xuất, vốn chênh lệch gấp nhiều lần.

Công trường thi công thuộc gói thầu EC02 dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Công trường thi công thuộc gói thầu EC02 dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Còn tại Km28+500 thuộc gói thầu EC02, dù phân đoạn này thuộc tuyến chính nối trục bắc nam của dự án, nhà thầu hiện đang phải thi công trong tình trạng hệ thống công trình hạ tầng vẫn chưa được di dời.

Mặt khác, việc thiếu thông tin về kế hoạch triển khai dự án tái định cư cũng khiến một số hộ dân trong diện giải tỏa băn khoăn, dẫn đến chưa chịu di dời và bàn giao mặt bằng.

Hiến toàn bộ đất đai cho dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, bà Kiềng Thị Năm (thôn Yên Sơn, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc) cho biết gia đình mình vẫn đang đợi nhận tiền đền bù và chờ được thông báo kế hoạch tái định cư từ phía chính quyền xã. “Nhà tôi còn có bàn thờ ông bà tổ tiên, không thể trong chốc lát chuyển đi nơi khác”, bà Năm bộc bạch. “Sang nơi ở mới, không biết có đất mà trồng ngô ăn nữa không”.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, địa phương đã bàn giao được theo chiều dài 12,68/59,87 km, tuy nhiên mặt bằng còn tình trạng xen kẹp với mặt bằng đã chi trả từ năm 2018. Diện tích bàn giao được 81,94/557,82ha (tương đương 19,33%). Mặt bằng có thể tiếp cận thi công được trong phạm vi bàn giao 70,03/557,82 ha.

Việc được bàn giao mặt bằng đúng theo kế hoạch tại gói thầu EC03 giúp tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sớm thành hình.

Việc được bàn giao mặt bằng đúng theo kế hoạch tại gói thầu EC03 giúp tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sớm thành hình.

Trả lời kiến nghị từ doanh nghiệp dự án, chính quyền huyện Văn Lãng cam kết trong quý 4 năm nay sẽ bàn giao cơ bản mặt bằng để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bên cạnh những phân đoạn mặt bằng “xôi đỗ”, vẫn có những điểm sáng trên công trường thi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Tại Km41+00 thuộc gói thầu EC03 trên địa bàn xã Bắc Thủy huyện Chi Lăng, công trình khởi công vào cuối tháng 3 này đang là mũi thi công nhộn nhịp nhất trên toàn tuyến.

Việc được bàn giao mặt bằng đúng theo kế hoạch tại gói thầu EC03 giúp tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sớm thành hình.

“Sau khi hoàn thiện công tác chi trả, dự kiến tới ngày 30/9 chúng tôi sẽ được bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp để đẩy nhanh thi công”, phía doanh nghiệp dự án cho biết.

Dự án cao tốc Đồng Đăng -Trà Lĩnh có 3 tiểu dự án GPMB gồm: tiểu dự án giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Cao Bằng qua huyện Quảng Hòa và huyện Thạch An có chiều dài 41,55 km; tiểu dự án GPMB huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn có chiều dài 25 km; tiểu dự án GPMB huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn có chiều dài hơn 26 km.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mat-bang-can-tien-do-cao-toc-dong-dang-tra-linh-post1123058.vov
Zalo