Mạnh tay với khai thác khoáng sản trái phép
Dù ngành chức năng của Đồng Nai quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép nhưng vì lợi nhuận nên thời gian qua, các đối tượng vẫn tìm mọi cách hoạt động.

Khu vực mỏ khai thác khoáng sản trái phép tại phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa). Ảnh: C.T.V
Trước tình hình đó, lực lượng công an các đơn vị, địa phương tiếp tục vào cuộc đấu tranh, xử lý “mạnh tay”, thậm chí còn khởi tố hình sự đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Đề nghị xử lý hình sự
Điển hình là vào tháng 1-2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khởi tố vụ án hình sự về các hành vi vi phạm quy định về tội trốn thuế và vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại tại Công ty CP vận tải Hòa Thịnh Phát, mỏ đá Tân Cang 7 (thuộc phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa).
Theo điều tra của cơ quan công an, ngày 8-1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện và bắt quả tang 4 công ty (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch) đang nhập số lượng lớn đất sét gạch về tập kết tại địa điểm sản xuất, kinh doanh. Qua xác minh, lực lượng công an xác định, số đất sét dùng để sản xuất gạch tại các đơn vị này được mua từ Công ty CP vận tải Hòa Thịnh Phát khai thác tại mỏ đá Tân Cang 7.
Lực lượng công an xác định, việc mua bán đất, xuất hóa đơn bán hàng của Công ty CP vận tải Hòa Thịnh Phát tại khu vực mỏ đá Tân Cang 7 có dấu hiệu của hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và trốn thuế.
Việc cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự nói trên đã kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm tại Công ty CP vận tải Hòa Thịnh Phát. Đây cũng là bài học nhằm cảnh tỉnh đối với các đối tượng, đơn vị đã và đang có những hoạt động sai phạm tại các địa phương.
Không chỉ có vụ việc trên, thời gian qua, tại một số địa bàn, đặc biệt là những địa phương có sông Đồng Nai chảy qua, lực lượng công an đã chủ động tuần tra, kiểm tra, phát hiện bắt xử lý nhiều vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Gần nhất vào tối 22-1, Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy (Công an huyện Nhơn Trạch) bắt quả tang nhóm đối tượng sử dụng 1 ghe gỗ không số hiệu có gắn thiết bị bơm hút cát đang khai thác cát trái phép từ lòng sông Đồng Nai (đoạn qua xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) lên 1 ghe tải không số hiệu do Đ.M.T. (42 tuổi, ngụ tỉnh Long An) điều khiển.
Khi phát hiện lực lượng công an, các đối tượng trên ghe đã rút lù nhấn chìm ghe và nhảy xuống sông trốn thoát. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ 1 ghe tải, trên ghe chứa khoảng 5m3 cát và 1 ghe bơm hút. Đội Cảnh sát đường thủy đã lập hồ sơ, bàn giao toàn bộ vụ việc, tang vật (ghe gỗ) cho Công an huyện Nhơn Trạch để điều tra, xử lý theo quy định.
Hay như vào giữa tháng 2-2025, lực lượng Công an huyện Nhơn Trạch phối hợp với Công an xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) tổ chức tuần tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến sông Đồng Nai, khi đến ấp Bình Phú, xã Long Tân phát hiện 1 ghe gỗ do ông Bùi Văn Cảnh (36 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp) điều khiển đang chở theo khoảng 5m3 cát.
Làm việc với cơ quan công an, ông Cảnh không xuất trình được hóa đơn nguồn gốc xuất xứ của số cát trên và khai nhận mua của các đối tượng bơm hút cát trái phép đoạn địa phận huyện Long Thành. Khi ông Cảnh đang vận chuyển cát trên đường đi tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Trong năm 2024, lực lượng công an Đồng Nai đã phát hiện, xử lý 318 vụ, 346 cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường; qua xác minh, điều tra, đã khởi tố 9 vụ, bắt xử lý 10 bị can.
Tăng cường đấu tranh, phòng ngừa
Theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, trong năm 2025, lực lượng Công an tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Bộ Công an, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa đối với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đối với các vi phạm pháp luật trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, vi phạm về môi trường, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quyết tâm của lực lượng công an là không để hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản ngang nhiên tồn tại, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường sống của người dân.

Lực lượng cảnh sát làm việc với những người liên quan tại mỏ đá Tân Cang 7, phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa).
Theo quy định của pháp luật, tội khai thác khoáng sản trái phép được quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào vi phạm quy định về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: thu lợi bất chính từ 100-500 triệu đồng; khoáng sản trị giá từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Hành vi này cũng có thể bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt từ 2-7 năm.
Đối với pháp nhân thương mại, phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 227, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt từ 1,5-3 tỷ đồng. Nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 227 thì bị phạt tiền từ 3-7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.