Mánh Đanh khó phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng mấy năm qua được xem là một xu thế hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Với nhiều ưu thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, huyện Mường Ảng định hướng người dân một số khu vực phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Và bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang là một điển hình.
Khai thác thế mạnh lòng hồ
Tết Nguyên đán năm 2021 đánh dấu bước ngoặt quan trọng, đồng thời cũng là niềm vui của nhân dân huyện Mường Ảng nói chung, người dân bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang nói riêng khi dự án hồ Ẳng Cang tiếp tục xây dựng.
Dự án hồ chứa nước Ẳng Cang chậm tiến độ nhiều năm do khó khăn giải phóng mặt bằng; mọi việc khai thông khi 70 hộ dân bàn giao 92ha đất để đơn vị thi công tiếp tục thực hiện dự án. Công trình hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đã mang lại lợi ích thiết thực với người dân. Trên 400ha lúa của người dân được cấp nước chủ động, hơn 10.000 hộ dân được cấp nước sinh hoạt, bảo đảm tưới tiêu trên 1.000ha cà phê. Từ khi đưa vào sử dụng công trình hồ chứa nước Ẳng Cang đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với diện tích trên 30ha mặt nước giúp người dân bản Mánh Đanh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Ông Lù Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết: Ban đầu người dân chưa hiểu được lợi ích của dự án hồ chứa nước Ẳng Cang nên chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, vướng mắc trong tư tưởng người dân được tháo gỡ. Từ khi hoàn thành hồ chứa nước Ẳng Cang, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi rõ rệt. 100% hộ dân trong bản được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng điện lưới; 100% hộ có ti vi, xe máy. Đặc biệt, 100% hộ tái định cư có nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định.
Không chỉ thuận lợi phát triển kinh tế theo mô hình nuôi cá lồng, huyện Mường Ảng xác định Mánh Đanh còn có tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng. Căn cứ cho nhận định này là tiềm năng về diện tích mặt nước rộng, bao quanh là đồi núi hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng kết hợp nhiều nét đẹp, văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người dân nơi đây vẫn được lưu giữ, bảo tồn. Mường Ảng xem đây sẽ là những sản phẩm du lịch thú vị với du khách ưa khám phá, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mường Ảng chia sẻ: Trên cơ sở tiềm năng hiện có, cuối năm 2023, huyện đã phối hợp với Viện Phát triển du lịch châu Á khảo sát thực tế tại Mánh Đanh. Qua khảo sát, Viện Phát triển du lịch châu Á khẳng định bản Mánh Đanh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế, xã hội của huyện Mường Ảng.
Sau khi thống nhất, huyện Mường Ảng đã đề nghị Viện Phát triển du lịch châu Á hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ xây dựng bản văn hóa du lịch Mánh Đanh. Đến nay, đơn vị đã xây dựng phối cảnh và mô phỏng kiến trúc minh họa tổng thể các phân khu phát triển du lịch cộng đồng ở Mánh Đanh.
Cần sự chung tay, thay đổi nhận thức
Dựa trên tiềm năng sẵn có, cơ sở phân tích, đánh giá của các chuyên gia, bản Mánh Đanh có đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, xét ở nhiều khía cạnh, quá trình xây dựng bản văn hóa du lịch Mánh Đanh còn rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí đầu tư.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, hiện nay, bản chưa có dự án đầu tư về du lịch, các nhà đầu tư mới dừng ở nghiên cứu, lập quy hoạch. Các dự án, loại hình dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, mua sắm dịch vụ chưa hình thành; người dân chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn. Thậm chí, hệ thống đường giao thông từ trung tâm huyện vào bản Mánh Đanh chưa được nâng cấp là trở ngại lớn khi xây dựng bản du lịch cộng đồng.
Việc thay đổi tư duy của người dân Mánh Đanh trong việc làm du lịch cũng là rào cản. Bởi người dân vốn chỉ quen phương thức sản xuất truyền thống, thậm chí, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chưa có ý chí phấn đấu, ý thức tự vươn lên. Công tác vệ sinh môi trường một số khu vực trong bản chưa đảm bảo; vẫn còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng bản trở thành bản du lịch cộng đồng...
Tháo gỡ “điểm nghẽn” xây dựng bản du lịch cộng đồng Mánh Đanh, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng, xã Ẳng Cang tiếp tục tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng bản du lịch cộng đồng; huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; vận động nhân dân gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống... Đối với các kỹ năng làm du lịch, như: Giao tiếp, ứng xử, ăn uống, ngủ nghỉ... huyện sẽ tập huấn hoặc đưa người dân đi tham quan, học tập các mô hình đã thành công, đồng thời cử cán bộ có chuyên môn giúp đỡ theo hướng cầm tay chỉ việc.
Có nhiều tiềm năng, lợi thế song để Mánh Đanh trở thành bản du lịch cộng đồng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, huyện đang tập trung hoàn thiện quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ chứa nước Ẳng Cang; hoàn thành đề án xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng Mánh Đanh; phối hợp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã, nhất là tuyến đường từ quốc lộ 279 đi bản Mánh Đanh; tuyến đường từ bản Mánh đi xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ. Đồng thời, huyện kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, du lịch lòng hồ... Qua đó, người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng lòng hồ.