Mang yêu thương về xóm trọ nghèo Long Biên sau bão

Buổi sớm cầu Long Biên, Hà Nội, thật thơ mộng khi mặt trời trải dần những tia nắng non trên dòng sông Hồng mới vài ngày trước còn đỏ ngầu nước lũ. Tôi đi xe máy lên cầu để chắc chắn nước đã rút hết khỏi xóm trọ nơi chân cầu, trước khi cùng cả nhóm vào hỗ trợ người dân.

 Cô Ba Bình (Q.Long Biên, Hà Nội) hạnh phúc khi nhận được tình cảm yêu thương cùng những món quà thiết yếu sau thiệt hại do cơn bão số 3

Cô Ba Bình (Q.Long Biên, Hà Nội) hạnh phúc khi nhận được tình cảm yêu thương cùng những món quà thiết yếu sau thiệt hại do cơn bão số 3

Cho đến lúc này, tôi mới để ý giao thông trên cầu Long Biên ngược với chiều xuôi bên trái, khác hẳn thông lệ giao thông ở Việt Nam. Tôi đã ra với xóm trọ từ năm 2019, nhưng đây là lần đầu tiên quan sát xóm từ trên cao: cả khu xác xơ sau đợt chạy lũ vừa rồi. Nhưng sau khi nước rút, cuộc sống của người dân đã trở lại, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Lối vào nhà ông Toản, bà Chỉ (ông bà già mù) vẫn ngập bùn, khiến chiếc xe máy của tôi loạng choạng, suýt ngã mấy lần. Nửa xóm trên do cao ráo nên hầu như không ngập, trong khi nửa xóm dưới nghèo nhất lại bị nhấn chìm trong bùn lũ suốt cả tuần qua.

Xộc vào mũi tôi là mùi chua của gạo bị ngâm nước, mùi nước cống còn đặc quánh quẩn quanh. Dưới thời tiết oi bức, mùi xú uế, ướt ẩm như được thể quyện cả vào nhau. Ông Toản, bà Chỉ mếu máo ngồi trên góc giường mới được nhóm Blue Dragon (một tổ chức phi chính phủ giải cứu trẻ em khỏi các cuộc khủng hoảng bao gồm buôn bán tình dục, lao động cưỡng bức và chế độ nô lệ, sau đó cung cấp nơi trú ẩn, giáo dục và việc làm) giúp dọn rửa tối qua. Bà Chỉ thất thần nhìn đống đồ đạc ngập bùn, phần lớn không còn sử dụng được. Hai chục cân gạo tám được đoàn tặng tháng trước, bị ngập nước đã mốc meo. Quần áo, chăn màn, giường chiếu đều đầy bùn, đồ ăn trữ trong thùng cũng ngập nước phải bỏ đi...

Xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên tiêu điều sau cơn bão số 3

Khi đang hỏi thăm ông bà Chỉ, cô Ba Bình trong xóm đi ngang, nhìn thấy tôi, cô ghé dặn "đừng vào nhà cô kẻo bùn dính chân về ghẻ lở hết"…

Là cô Ba nói vậy, chứ sao tôi đến đây mà không ghé cô. Đường ra nhà cô Ba vẫn nhơm nhớp bùn đất, ngổn ngang đồ đạc trôi ra từ các nhà chưa kịp dọn. Tôi ngẩn ngơ, sững người, tim nhoi nhói vì không nhận ra khu nhà mà hơn 1 tuần trước cơn bão số 3, mình vừa tới.

Những mái tôn xập xệ, xiêu vẹo chực đổ. Dòng nước thải trước nhà cô Ba giờ thành sông. Rác rưởi trôi lềnh bềnh. Lồng ngực tôi thắt lại, như ngạt thở vì mùi mùi hôi thối. Vào nhà cô Ba giờ phải cúi rạp người, bám vào đống đồng nát phế thải cô nhặt về mới có thể lách được vào.

Cô Ba bảo, mẹ con cô phải hì hục dọn bùn suốt cả đêm qua mà chưa được ngủ. Cô Ba ngồi lần giở từng thùng đồ của mẹ, của con mà mắt đỏ hoe… Tất cả đều sũng nước, trộn trong bùn đất.

Căn nhà của ông bà già mù Toản - Chỉ nơi xóm trọ nghèo Long Biên

Tôi kiểm tra, tất cả đồ điện của nhà bà Chỉ và cô Ba đều không còn hoạt động. Tôi tìm mọi cách sấy khô nhưng vô ích, vì chúng ngâm nước quá lâu. Chiếc quạt và đèn sạc đợt rồi chúng tôi tặng bà Chỉ để ngồi bán nước đêm cũng tịt ngóm. Bà Chỉ và cô Ba, cứ ngồi bần thần, ngẩn ngơ tiếc của.

Xóm trọ nhộn nhịp hẳn lên cùng sự xuất hiện của các thành viên Concordia và nhóm Blue Dragon. Chẳng ai bảo ai, mỗi nhóm tự xắn tay vào. Những chàng trai trẻ "Rồng xanh" cùng "các bạn Tây" xăng xái cào bùn ngập kín các nhà. Trong khi đó, nhóm Yêu thương sẻ chia và Concordia thống kê đồ đạc thiết yếu cần hỗ trợ khẩn cấp (lương thực thực phẩm, chăn chiếu, nồi niêu, bát đũa…).

Tôi tranh thủ rủ cô giáo người Úc ra chợ Đồng Xuân mua ít đồ cần thiết, trong khi cô giáo người Việt ở lại lo đồ ăn cho 20 người mới trở lại xóm trọ.

Các thành viên "Yêu thương sẻ chia", Concordia và Blue Dragon tới thăm hỏi từng nhà dân xóm trọ sau những ngày bị lụt

Các thành viên "Yêu thương sẻ chia", Concordia và Blue Dragon tới thăm hỏi từng nhà dân xóm trọ sau những ngày bị lụt

Dường như, trong hoạn nạn là lúc tình người dâng cao. Thế nên, tôi đã gặp những người bán hàng từ tâm. Biết tôi mua hàng thiện nguyện, những người bán gạo, muối, bếp ga, nồi cơm điện, đèn pin… đều chỉ lấy giá gốc, coi như chút thơm thảo gửi người xóm trọ.

Xóm trọ trưa hôm đó có vẻ xôn xao, tíu tít hơn nhiều những ngày trước đó. Chú Học (bị teo chân) ở cạnh nhà cô Ba nhoẻn cười khi không phải gặm bánh mì như bữa sáng. Chú kể, cô Thanh vừa phải cõng chú từ đầu xóm về đây do cái gậy tre của chú đã bị trôi mất.

Tôi rưng rưng với những luồng cảm xúc hỗn độn: vừa xót xa, thương cảm, nhói đau, vừa ấm áp trước những ánh mắt, nụ cười của những người dân xóm trọ Long Biên…

Bà con xóm trọ nghèo dọn dẹp lại nhà cửa, đồ đạc sau bão lụt

Trước khi chia tay chú Học, tôi hứa sẽ trở lại tặng chú Học cái gậy inox 3 chân, như mẹ tôi đang dùng để tập đi trong mấy tháng qua. Và ngay trong tối ngày 15/9, tôi đã trở lại cùng những món quà của bạn bè Amsers (học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam) trao tặng cho các gia đình khó khăn nhất của xóm. Chú Học đã có gậy inox; ông bà mù Toàn - Chỉ đã có chiếu, có màn để ngủ; cô Ba Bình có thêm chiếu, đèn pin; chú Sơn đã có chăn, quạt và đồ ăn… Hiện các hộ trong xóm vẫn còn thiếu nhiều ổ điện, quạt điện, màn đơn, màn đôi 1m8, giát giường, chiếu…

Tối muộn. Rời xóm trọ Long Biên khi thành phố đã lên đèn. Tôi ấm lòng và vui hơn khi nghĩ, đêm nay, các ông bà, cô chú trong xóm trọ nghèo đã có thể ngủ ngon. Và mai, ngày kia, ngày kìa, trong khả năng của chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng tặng dần những đồ thiết yếu để các ông bà, cô chú, người dân xóm trọ dần ổn định cuộc sống.

Và tất nhiên, tôi sẽ không quên mang ít chè xanh, đồ lặt vặt để bà Chỉ có đồ dọn hàng nước bán đêm trước cửa chợ Hôm.

Nhân Hòa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mang-yeu-thuong-ve-xom-tro-ngheo-long-bien-sau-bao-20240916072242114.htm
Zalo