Mạng xã hội có thể gây trầm cảm ở người trẻ?
Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố trên JAMA Network Open khẳng định việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm trong tương lai.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF) thực hiện, sử dụng dữ liệu từ một chương trình nghiên cứu liên bang theo dõi dài hạn hơn 11.800 trẻ vị thành niên trong vòng ba năm.
Kết quả cho thấy những người trẻ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn so với mức trung bình có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng trầm cảm trong những năm sau đó.
Ngược lại, việc đã có dấu hiệu trầm cảm từ trước không làm gia tăng đáng kể thời gian sử dụng mạng xã hội trong tương lai. Điều này cho thấy chiều hướng tác động chủ yếu là từ mạng xã hội tới sức khỏe tâm thần, chứ không phải ngược lại.

Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể gây trầm cảm ở giới trẻ. Ảnh: Pexels
Đây được xem là một trong những nghiên cứu hiếm hoi sử dụng phương pháp theo chiều dọc (longitudinal), giúp theo dõi biến động hành vi và sức khỏe tâm thần theo thời gian của từng cá nhân, điều mà các nghiên cứu cắt ngang trước đây không thể thực hiện.
Chia sẻ với Mashable, tiến sĩ Jason Nagata, bác sĩ nhi khoa và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc sử dụng mạng xã hội nhiều hơn có thể dẫn đến trầm cảm sau này.”
Trước đó, cuộc tranh luận về mối liên hệ giữa mạng xã hội và sức khỏe tâm thần đã kéo dài nhiều năm, với hai luồng quan điểm trái ngược. Tuy nhiên, nghiên cứu lần này được đánh giá cao nhờ quy mô mẫu lớn và thiết kế khoa học chặt chẽ. Nó đồng thời củng cố các phát hiện trước đây về tác động của việc sử dụng mạng xã hội lên giấc ngủ, khả năng tập trung và cảm xúc tiêu cực ở thanh thiếu niên.

Tiến sĩ Nagata khuyến nghị các gia đình nên khuyến khích thói quen sử dụng thiết bị một cách có chủ đích và lành mạnh. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng đã ban hành hướng dẫn xây dựng “kế hoạch truyền thông gia đình”, giúp phụ huynh và trẻ em cùng thảo luận và thống nhất nguyên tắc sử dụng thiết bị phù hợp với nếp sinh hoạt của mỗi gia đình.
“Chúng tôi nhận thấy rằng những quy tắc đơn giản như không dùng màn hình trước giờ ngủ hoặc trong bữa ăn có thể giúp giảm thời gian sử dụng tổng thể và hạn chế những hệ lụy tiêu cực”, tiến sĩ Nagata cho biết.
Ông cũng lưu ý rằng cách mạng xã hội được sử dụng quan trọng không kém thời lượng sử dụng. Mạng xã hội có thể giúp xây dựng kết nối, giao tiếp hoặc tiếp cận thông tin hữu ích nếu được dùng đúng cách. Ngược lại, việc tiếp xúc với nội dung độc hại, so sánh bản thân với người khác hoặc dùng mạng chỉ để giết thời gian có thể góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng tâm lý.
Theo khảo sát mới nhất từ Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 20% thanh thiếu niên tại Mỹ cho biết mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ, trong khi phần lớn cho biết họ trực tuyến gần như liên tục. Những số liệu này cho thấy mạng xã hội đang là một phần không thể thiếu trong đời sống của giới trẻ, nhưng đi kèm theo đó là những thách thức mới về mặt tâm lý và hành vi.
Nghiên cứu của UCSF không chỉ là lời cảnh báo khoa học mà còn là nền tảng để các bậc phụ huynh, nhà giáo dục và nhà hoạch định chính sách cân nhắc lại cách tiếp cận với công nghệ trong đời sống hàng ngày của thế hệ trẻ.