Mang tinh thần Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng doanh nghiệp và phát triển kinh tế

Trong công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước, những người lính Cụ Hồ năm xưa nay tiếp tục khẳng định bản lĩnh trên mặt trận kinh tế. Trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân, Anh hùng Lao động-doanh nhân Lê Văn Kiểm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam khẳng định: Các doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam tiếp tục mang tinh thần Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, gắn phát triển kinh tế với trách nhiệm xã hội, đền ơn đáp nghĩa và lan tỏa tinh thần nhân ái.

Phóng viên (PV): Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Đại dịch Covid-19, siêu bão Yagi, chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia. Vậy, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã vượt qua những khó khăn này như thế nào, thưa đồng chí?

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Trước thực tế khó khăn và nhiều thách thức do dịch bệnh và thiên tai, biến động của tình hình kinh tế thế giới, với tinh thần năng động, sáng tạo, với bản lĩnh kiên định vững vàng, nhiều doanh nghiệp CCB trong Hiệp hội đã chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, hội viên luôn nêu cao vai trò gương mẫu, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ, các quy định của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất, xây dựng và bảo vệ thương hiệu,chống hàng gian, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng...

 Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm.

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm.

Kết quả cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp do CCB làm chủ vẫn sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển bền vững, khẳng định vị trí trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn hàng nghìn lao động trở lên đã ứng dụng khoa học kỹ thuật-công nghệ hiện đại kết hợp công tác quản lý tiên tiến tạo nên sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và nước ngoài...

Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2018-2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong Hiệp hội ước đạt hơn 1.007.251 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước hơn 41.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 779.693 lao động (trong đó có hơn 316.000 CCB và con em CCB, gia đình chính sách), thu nhập bình quân của người lao động đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Tính riêng năm 2024, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong toàn Hiệp hội ước đạt 201.047 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 10.837 tỷ đồng, tạo việc làm cho 291.827 lao động, với thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các hội, các cụm thi đua được đẩy mạnh.

Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam luôn xem công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Trong những năm qua, Hiệp hội tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, góp phần thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào chung của cả nước và từng địa phương, nhất là Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Trung ương phát động. Năm 2024, Hiệp hội ủng hộ gần 230 tỷ đồng đối với các hoạt động từ thiện. Tổ chức các chương trình về nguồn, tri ân đồng đội, ủng hộ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ..., nhất là cơn bão số 3. Các hội, câu lạc bộ doanh nhân CCB tỉnh/thành phố đã trao 371 nhà tình nghĩa, hơn 50.000 suất quà trị giá gần 25 tỷ đồng tặng các gia đình chính sách và CCB nghèo; đóng góp xây dựng nông thôn mới gần 27 tỷ đồng, ủng hộ phòng, chống bão lũ gần 50 tỷ đồng...

Nhà nội trú Trường THCS và THPT Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang-món quà ý nghĩa được Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam gửi tặng các em học sinh. Ảnh: MINH NHẬT

Nhà nội trú Trường THCS và THPT Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang-món quà ý nghĩa được Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam gửi tặng các em học sinh. Ảnh: MINH NHẬT

PV: Thưa đồng chí, bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân-Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã có tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân CCB nói riêng?

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Đọc bài viết của Tổng Bí thư về kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, doanh nhân CCB chúng tôi rất tự hào khi Tổng Bí thư khẳng định, kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, khu vực này đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm.

Đặc biệt, nhận định của Tổng Bí thư cũng đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước-kinh tế tư nhân sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế của đất nước. Tôi thấy rằng đây là sự quan tâm rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt hơn nữa.

Các doanh nghiệp, doanh nhân CCB chúng tôi xin hứa với Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực sản xuất, kinh doanh, luôn chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài việc phấn đấu phát triển kinh tế để đóng góp xây dựng đất nước thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam đó là giúp đỡ đồng bào, đặc biệt là những CCB, thương binh, các gia đình chính sách, gia đình có công với nước, những người ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... Chúng tôi tin chắc rằng những người doanh nhân, doanh nghiệp CCB sẽ là những người gương mẫu và tiêu biểu trong quá trình xây dựng đất nước cũng như thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa.

PV: Không chỉ kiến tạo giá trị hôm nay, nhiều doanh nhân CCB còn trăn trở về hành trình tiếp nối. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm: Do yếu tố tuổi tác, nhiều doanh nhân là CCB đang từng bước chuyển giao quyền điều hành doanh nghiệp cho thế hệ kế cận-là con cháu, đồng thời cũng xin nghỉ sinh hoạt hội. Do vậy, điều đặt ra là cần tạo điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp của CCB và những doanh nhân là con cháu CCB đang giữ vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp của CCB tiếp tục được cống hiến, xây dựng và phát triển Hiệp hội. Điều này tạo sự tiếp nối, giúp Hiệp hội phát triển ổn định, bền vững. Trước thực tế đó, Hiệp hội đã có nghị quyết cụ thể nhằm phát triển thế hệ lãnh đạo kế thừa, tiếp tục lan tỏa truyền thống tốt đẹp của CCB trên mặt trận kinh tế. Việc đổi tên từ “Hiệp hội Doanh nhân CCB” thành “Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam” cũng là một minh chứng rõ ràng cho định hướng mở rộng, hội nhập và kế thừa, nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của tổ chức.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mang-tinh-than-bo-doi-cu-ho-de-xay-dung-doanh-nghiep-va-phat-trien-kinh-te-825894
Zalo