Mảng sữa dẫn dắt tăng trưởng, Đường Quảng Ngãi (QNS) nắm hơn 8.000 tỷ đồng tiền mặt
Trong khi mảng đường ghi nhận doanh thu giảm 35%, mảng sữa đậu nành tăng trưởng tới 19%, trở thành mảng dẫn dắt kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS) trong quý 1/2025.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2025 với doanh thu thuần đạt 2.269 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về cơ cấu, doanh thu từ mảng đường trong kỳ của công ty đã giảm 35%, còn 734 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu. Trong khi đó, mảng sữa đậu nành ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 19%, đạt 937 tỷ đồng, chiếm hơn 41% tổng doanh thu.
Mảng sữa đậu nành cũng trở thành ngành hàng sinh lời lớn nhất của Đường Quảng Ngãi với mức lợi nhuận gộp đạt hơn 398 tỷ đồng, chiếm 54% lợi nhuận gộp trong kỳ. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp từ mảng đường trong tổng lợi nhuận gộp giảm còn 24%.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Đường Quảng Ngãi trong quý 1/2025 cũng lần lượt tăng thêm 30% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do công ty gia tăng mức hoa hồng và hỗ trợ để thúc đẩy doanh số.
Kết quả, Đường Quảng Ngãi thu về 392 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2024.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng hơn với doanh thu kế hoạch là 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 1.790 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và giảm 25% so với mức cao kỷ lục của năm 2024. Như vậy, sau quý 1/2025, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành gần 23% mục tiêu doanh thu thuần và gần 22% mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Đại diện Đường Quảng Ngãi cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2025 suy giảm trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, làn sóng bảo hộ tại nhiều nước khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tác động phần nào đến hiệu quả kinh doanh của công ty. Đối với mảng đường, giá bán lẫn sức cầu về các sản phẩm đường trong nước đã giảm nhẹ trong kỳ. Các mảng khác như nước khoáng, bánh kẹo, bia, mạch nha có sản lượng tiêu thụ giảm so với cùng kỳ 5 - 18%.
Trong khi đó, việc đẩy mạnh marketing đã giúp sản lượng tiêu thụ mảng sữa tăng thêm 10%. Đồng thời, công ty đã kiểm soát chi phí và tận dụng cơ hội giảm giá một số nguyên vật liệu đầu vào, giúp nâng cao biên lợi nhuận, đại diện Đường Quảng Ngãi chia sẻ.

Mảng sữa đã trở thành mảng đóng góp nhiều nhất vào kết quả kinh doanh của Đường Quảng Ngãi trong quý 1/2025.
Theo báo cáo mới cập nhật từ Chứng khoán Bảo Việt, Đường Quảng Ngãi vẫn đang duy trì vị thế số 1 về thị phần sữa đậu nành có thương hiệu tại Việt Nam, ước tính chiếm 90,6% thị phần trong năm 2024, tăng nhẹ 1% so với năm 2023 mặc dù tiêu thụ trên toàn ngành sữa suy giảm.
Ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi hiện kỳ vọng doanh thu mảng sữa có thể tăng trưởng 5 - 10% trong năm nay. Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm sữa từ hạt, thực hiện các chiến dịch marketing để làm mới các sản phẩm sữa đậu nành thương hiệu Fami - vốn đang có tốc độ phát triển tích cực để tận dụng đà tăng trưởng; cũn như củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành dinh dưỡng thực vật nói chung và ngành hàng sữa đậu nành nói riêng tại Việt Nam.
Vinasoy, công ty con phụ trách mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi, hiện đã xây dựng thành công các nhà máy hiện đại, quy mô lớn ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam với tổng công suất lên đến 390 triệu lít mỗi năm. Theo đó, Vinasoy trở thành nhà sản xuất sữa đậu nành đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam lọt vào Top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới 4 năm liên tiếp (theo số liệu Global Data công bố năm 2023).
Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi cũng sẽ mở rộng mạnh mảng đường và đa dạng hóa danh mục sản phẩm với kế hoạch đầu tư hoảng 4.000 tỷ đồng cho loạt dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bao gồm Dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê từ 18.0000 tấn mía/ngày lên 25.000 tấn mía/ngày; Dự án nâng công suất Nhà máy Điện sinh khối An Khê từ 95 MW lên 135 MW; và Dự án Nhà máy Ethanol An Khê với công suất 200.000 lít/ngày.
Trong đó, các sản phẩm chính của Dự án Nhà máy Ethanol An Khê gồm Ethanol dùng cho nhiên liệu (nhiên liệu sinh học), Alcohol dùng cho thực phẩm (cồn thực phẩm), Cacbon dioxit lỏng (CO2 lỏng), men sấy khô (dùng làm thức ăn chăn nuôi).
Tính đến hết tháng 3, tổng tài sản của Đường Quảng Ngãi tăng thêm 9% lên trên mốc 15.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng là 8.166 tỷ đồng, cao hơn 328 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Hàng tồn kho của công ty cũng tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm, đạt 2.450 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị hàng thành phẩm tăng.