Mang 'Pizza xứ Huế' ra biển lớn

HNN - Khá 'quen mặt' nhau trong các hoạt động của các CEO khởi nghiệp xứ Huế, lần này tôi và Ngô Đức Vương - Giám đốc Công ty Hue One Food với sản phẩm chủ lực được mệnh danh là 'Pizza xứ Huế' - bánh ép Thuận An, được hàn huyên cạnh ly cà phê ở thành phố Grand Prairie (tiểu bang Texas) với sứ mệnh tiếp tục lan tỏa câu chuyện khởi nghiệp Bánh ép Huế và truyền tải văn hóa Huế đến thị trường Hoa Kỳ.

 Giám đốc Công ty Hue One Food Ngô Đức Vương

Giám đốc Công ty Hue One Food Ngô Đức Vương

Huế là vùng đất nổi tiếng về ẩm thực đường phố với nhiều món bánh ngon nức tiếng gần như không cần kể tên, trong đó có món bánh ép đặc sản của vùng biển Thuận An. Loại bánh này đã được Công ty Hue One Food (311 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa, TP. Huế) nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất phát triển thành loại sản phẩm thương mại có giá trị kinh tế cao, để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Dù mới sang Hoa Kỳ định cư, nhiều thứ còn bỡ ngỡ nhưng Đức Vương đã “bỏ qua” việc nghỉ ngơi, làm quen ban đầu mà lao vào việc tìm nhà kho, nhập nguyên liệu, lựa chọn máy móc sản xuất để xây dựng một nhà máy sản xuất bánh ép Thuận An “tươi” ngay tại Hoa Kỳ.

Anh tâm sự: Bánh ép vốn là món ăn đường phố, được chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ. Với dây chuyền hiện đại và cách chế biến mới công thức bột độc quyền của Hue One Food, chiếc bánh ép bình dân truyền thống ấy được nâng cao giá trị thành mặt hàng đặc sản chất lượng cao, hấp dẫn, tiện lợi có thể phục vụ nhiều đối tượng. Bây giờ sang Mỹ thì còn mang thêm sứ mệnh giới thiệu văn hóa Huế đến với mọi người.

Làm thế nào doanh nghiệp của anh bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ?

Đối với Hue One Food thì việc thực hiện xây dựng câu chuyện của Bánh ép Huế tại Mỹ được coi như kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm. Mục tiêu đặt ra hàng đầu là làm sao có thể cho ra một sản phẩm từ địa phương, mang câu chuyện địa phương đến thị trường rộng lớn là Mỹ, công ty coi đó vừa là thách thức vừa là cơ hội để có thể tạo ra sản phẩm bánh ép ngày càng tốt hơn qua từng giai đoạn phát triển.

Sản phẩm bánh ép Huế phục vụ khách quốc tế

Sản phẩm bánh ép Huế phục vụ khách quốc tế

Anh đã đối mặt với những thách thức nào khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ?

Việc một số thị trường quốc tế nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng có những quy định chặt chẽ về vấn đề nguyên liệu hay thành phần sản phẩm là một trong những khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi. Việc kể câu chuyện của quê hương với bạn bè quốc tế bằng sản phẩm, nguyên liệu quê hương là điều chúng tôi luôn mong muốn. Tuy nhiên, vì quy định ngặt nghèo nên có nhiều nguyên liệu đặc biệt của quê hương chúng tôi không thể giới thiệu rộng rãi. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hiện nay giữa các quốc gia cũng là một khó khăn không hề nhỏ cho công ty.

Những yếu tố địa phương nào của Huế, như: nguyên liệu, văn hóa, trang trí bằng thủ công mỹ nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn tại thị trường Hoa Kỳ?

Câu chuyện Huế, con người Huế, tinh thần Huế là cơ sở cũng như là cách thức để Hue One Food được vận hành. Câu chuyện về “bột lọc Huế”, loại bột đặc biệt mà người Huế từ xưa đã tìm tòi, nghiên cứu trong quá trình sử dụng và bảo quản bột sắn để cho ra các loại món ăn đặc sản là câu chuyện mà Hue One Food muốn mang đến và tạo dấu ấn tại thị trường này. Bột lọc đã nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ người Huế trong giai đoạn khó khăn, từng ngày cho ra những sản phẩm tuyệt vời trong đó có bánh ép của Hue One Food.

Quá trình tìm hiểu và thâm nhập thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp diễn ra như thế nào?

Công ty Hue One Food và cá nhân tôi nhận được sự yêu thương và hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan quản lý và lãnh đạo các ban ngành tại địa phương trong vấn đề tìm hiểu thị trường tại Hoa Kỳ về quy trình, phương án, pháp lý liên quan. Bên cạnh đó còn nhận được sự hỗ trợ của những người đồng hương Huế tại Hoa Kỳ trong việc khảo sát và vận hành tại thị trường Hoa Kỳ đã giúp cho công ty có được nhiều cơ hội và thuận tiện hơn trong việc nghiên cứu thị trường từ lúc công ty được thành lập và phát triển đến nay.

Anh đã áp dụng những chiến lược nào để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế?

Đó là những sản phẩm truyền thống mang tính chất “đổi mới sáng tạo”. Trong năm 2025, chúng tôi sẽ phân phối sản phẩm hiện có để phục vụ người tiêu dùng Việt. Đến năm 2026, chúng tôi sẽ nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới, độc lạ để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng quốc tế.

Anh có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm việc với các đối tác Hoa Kỳ (nhà phân phối, nhà bán lẻ, hoặc nhà cung cấp dịch vụ)?

Tôi đã đến thăm rất nhiều siêu thị Việt Nam, Hoa Kỳ và trao đổi với các nhà phân phối ở đây. Chúng tôi nhận thấy rằng, các đơn vị bán lẻ rất tạo điều kiện cho chúng tôi bước đầu thâm nhập thị trường để chào hàng. Có lẽ sự chân thành ngoài việc win-win đôi bên cùng có lợi đều được các đối tác đánh giá cao.

Những khó khăn về logistics và vận chuyển mà anh gặp phải và muốn cải thiện khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ là gì?

Chi phí vận chuyển cao, biến động giá cước vận chuyển, thủ tục hải quan phức tạp và rủi ro giao chậm trễ hàng hóa là các vấn đề mong muốn được cải thiện khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây cũng sẽ là những trở ngại lớn cho các startup từ Huế chinh phục thị trường nhiều tiềm năng này.

Nếu có thể thay đổi một điều gì đó để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp xuất khẩu, anh mong muốn điều gì?

Mong muốn được sự hỗ trợ sâu hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, tạo điều kiện để những người Việt Nam tại Hoa Kỳ được tiếp cận nhiều hơn các chính sách của chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài để có thể thuận lợi hơn trong việc vận hành và phát triển.

Anh kỳ vọng điều gì ở thị trường Hoa Kỳ trong tương lai cho doanh nghiệp của mình?

Trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi từ khi bắt đầu vào năm 2021, Hue One Food đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm và sản phẩm sẽ chính thức được xuất khẩu sang các nước bằng đường chính ngạch. Giờ đây khi đã có thể tự sản xuất tại Hoa Kỳ thì sự phát triển này ngày càng rõ ràng hơn.

Anh có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Huế đang muốn xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ?

Mang sản vật Cố đô Huế đến Hoa Kỳ vừa là cơ hội vừa là thách thức. Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện giấc mơ Huế tại xứ cờ hoa, cùng nhau khẳng định câu chuyện xứ Huế thông qua chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để có thể thực hiện được giấc mơ này. Chắc chắn rằng câu chuyện tốt sẽ có sản phẩm đủ tốt để chinh phục người tiêu dùng.

Những sai lầm nào trong quá trình xuất khẩu mà anh muốn các doanh nghiệp Huế khác tiếp theo cần tránh?

Không nên chỉ vì một phần lợi ích mà đánh mất đi bản sắc của doanh nghiệp. Không có lối tắt cho việc phát triển sản phẩm lâu dài tại Hoa Kỳ mà mỗi sản phẩm sẽ cần một câu chuyện và phải khẳng định điều đó cho người tiêu dùng thông qua chất lượng sản phẩm.

Theo anh, các doanh nghiệp startup ẩm thực ở Huế có thể tận dụng những lợi thế gì để cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

Huế là Cố đô với bề dày văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, kiến trúc truyền thống nên các startup trong lĩnh vực ẩm thực - nhất là đóng gói, hoàn toàn có thể tạo khác biệt hóa sản phẩm trên thị trường quốc tế. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẵn sàng ủng hộ startup có yếu tố “quê hương”.

Xin cám ơn anh!

Phan Quốc Vinh (Thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/mang-pizza-xu-hue-ra-bien-lon-153379.html
Zalo