Mạng lưới tàu điện ngầm và xe điện mặt đất tỷ đô của Đà Nẵng sẽ được bố trí như thế nào?
Trên cơ sở nghiên cứu, phía doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất Đà Nẵng nên xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị gồm 2 tuyến tàu điện ngầm (metro) và 8 tuyến xe điện mặt đất (tramway) bao phủ khu vực trung tâm thành phố, kết nối bãi biển, sân bay, các trục đường chính.
Thông tin từ VP UBND TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng vừa có buổi làm việc với Công ty Seoul Metro (Hàn Quốc) liên quan đến kết quả nghiên cứu, rà soát quy hoạch giao thông vận tải công cộng và đề xuất mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị cho thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, tháng 1/2018, Công ty Seoul Metro đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở GTVT Đà Nẵng trong việc nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị cho Đà Nẵng thông qua 5 nội dung chính gồm: Nghiên cứu quy hoạch Kinh tế Xã hội (điều chỉnh) TP Đà Nẵng; Nghiên cứu quy hoạch chung (điều chỉnh TP; Nghiên cứu quy hoạch Giao thông; Phát triển mạng lưới đường sắt đô thị dựa trên kết quả phân tích; Xây dựng kế hoạch cùng xúc tiến dự án đường sắt đô thị.
Sau khi tiến hành nghiên cứu, Công ty Seoul Metro đề xuất xây dựng mạng lưới các tuyến đường sắt đô thị TP Đà Nẵng gồm 2 tuyến tàu điện ngầm (metro) và 8 tuyến xe điện mặt đất (tramway) bao phủ khu vực trung tâm thành phố, kết nối bãi biển, sân bay, các trục đường chính, đáp ứng nhu cầu đi lại theo cả hai hướng bắc-nam và đông-tây.
Tuyến tramway Th1 trục đông tây sẽ kết nối biển Mỹ Khê với Sân bay quốc tế; tiếp cận đường Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân, có chiều dài 8,24km, chi phí đầu tư dự kiến 209 triệu USD; Tuyến tramway Tv1 trục nam bắc dọc biển Mỹ Khê, kết nối khu resort phía đông nam thành phố, chiều dài 13,4km, chi phí đầu tư dự kiến 245 triệu USD; tuyến tramway nam bắc trục 2 kết nối phía đông sông Hàn với khu vực Ngũ Hành Sơn, dài 8,38km, chi phí đầu tư dự kiến 173 triệu USD; tuyến tramway nam bắc trục 3 kết nối nút giao AH17-Nguyễn Hữu Thọ phía nam sân bay và ven biển phía bắc, đi ven phía tây sông Hàn, chiều dài 8,82km, chi phí đầu tư dự kiến 173 triệu USD; tuyến metro trục đông tây đi qua khu vực Thanh Khê, Hải Châu hay phát sinh nhu cầu đi lại với khu công nghiệp phía Đông Bắc thành phố, đến biển tại Công viên Biển Đông, chiều dài 17,2km, chi phí đầu tư dự kiến 2,364 tỷ USD.
Trên cơ sở nghiên cứu, phía doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị Đà Nẵng nên ưu tiên đầu tư 2 tuyến ở giai đoạn đầu tiên là tramway Th1 trục đông tây kết nối biển Mỹ Khê với Sân bay quốc tế và tramway Tv1 trục nam bắc dọc biển Mỹ Khê, kết nối khu resort phía đông nam thành phố.
Đà Nẵng sẽ có tuyến xe điện mặt đất trục nam bắc dọc biển Mỹ Khê, kết nối khu resort phía đông nam thành phố?
Trong thời gian tiếp theo, phía công ty Seoul Metro sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu giao thông Đà Nẵng và báo cáo các phương án mô phỏng. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất xúc tiến tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với tuyến đường sắt đô thị.
Đánh giá cao sự hợp tác của công ty Seoul Metro, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng ghi nhận sự hợp tác hỗ trợ của doanh nghiệp trong các hoạt động hỗ trợ Đà Nẵng trong thời gian qua. Đồng thời thống nhất với nội dung báo cáo và kế hoạch thực hiện do công ty Seoul Metro đề xuất.
Ông Dũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải cùng các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ, cung cấp thông tin để công ty Seoul Metro tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo trên cơ sở bám sát quy hoạch dự kiến thành phố sẽ triển khai từ nay đến năm 2045./.