Mang không gian văn hóa, nghệ thuật Tây Nguyên đến Hà Nội
Vở ca kịch 'Khát vọng Dam Săn' và Chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian 'Tiếng gọi Cao nguyên' sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô vào các tối 12 và 13/4/2025. Đây là thông tin vừa được công bố tại họp báo chiều 10/4 tại Hà Nội.

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại họp báo. (Ảnh: PV)
Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và Chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Sông Thương Garden tổ chức.
Phát biểu tại họp báo, ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk là mảnh đất nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi sở hữu nền văn hóa dân gian vô cùng độc đáo với 49 dân tộc anh em cùng chung sống.
Đưa hai chương trình nghệ thuật đậm bản sắc Tây Nguyên đến với Hà Nội là cách để thể hiện không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên ngay tại Thủ đô. Đây cũng chính là tình cảm, tâm huyết của ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung dành cho người dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế.
Trong đó, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Đề án thực hiện với mong muốn xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Ê-đê ở Tây Nguyên.
Tác phẩm góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa người Ê-đê qua âm nhạc và sân khấu hình ảnh, được kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo.

Đại diện Ban tổ chức và ê-kíp thực hiện chia sẻ thông tin về các chương trình. (Ảnh: PV)
Lấy cảm hứng từ “Sử thi Dam Săn”, vở ca kịch quy tụ ê-kíp sản xuất giàu kinh nghiệm, với tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Cường; Biên kịch kiêm Tổng đạo diễn: nghệ sĩ Hồng Hoa; Tổng biên đạo: Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alio…
Với kết cấu gồm 5 chương: Chương 1 – “Dam Săn và H’Nhi”; Chương 2 – “Xử tội Mtao Msei”; Chương 3 – “Buôn sang trông cậy”; Chương 4 – “Nơi miền sáng”; Chương 5 – “Mặt trời lên trên cao nguyên bao la”, tác phẩm đưa người xem trở về với quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, mà nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.
Đặc biệt, trên nền “Sử thi Dam Săn”, nhà biên kịch Hồng Hoa đã viết lên nhiều tình tiết mới như: sự khao khát của Nữ thần Mặt trời mong có Dam Săn, nguy cơ bị hủy diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trời tặng vầng ánh sáng nhiệm mầu cho Dam Săn, để đất trời mãi ngọt lành hoa trái…
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết, phần âm nhạc của vở diễn sẽ sử dụng đậm đặc các chất liệu nhạc cụ Tây Nguyên, đặc biệt là của dân tộc Ê-đê, hòa cùng âm nhạc quốc tế để tạo nên sự cộng hưởng đặc biệt.
Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 13/4, tại Nhà hát Kịch Hà Nội (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Góp phần tái hiện những âm thanh của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên, chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian “Tiếng gọi Cao nguyên” sẽ diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 12/4 tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chương trình mang đến những tiết mục diễn tấu cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, các ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến… Với sự kết hợp độc đáo của các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, cùng phần thể hiện tinh tế và khéo léo của các nghệ sĩ, chương trình góp phần mang đến không gian văn hóa Tây Nguyên, thể hiện sự gắn kết, giao hòa giữa con người, trời đất và thần linh.
Đại diện Ban tổ chức cho biết, sau khi công diễn ở Hà Nội, các chương trình nghệ thuật này sẽ tiếp tục đến với Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong cả nước để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị văn hóa, nghệ thuật Tây Nguyên, góp phần thu hút du khách đến với Đắk Lắk.