Mang hạnh phúc đến người lao động
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, 9 cặp đôi là công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã có một lễ cưới tập thể ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Đây là mô hình giàu tính nhân văn do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp các đơn vị tổ chức.
Những cặp đôi tham gia đám cưới đã đăng ký kết hôn lâu năm nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, không thể tổ chức đám cưới trọn vẹn cho riêng mình.
Những câu chuyện xúc động
Trong 9 cặp đôi tham gia Lễ Cưới tập thể, câu chuyện của chị Bùi Thị Kiều Giang và anh Hồ Văn Đệ, công nhân Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (huyện Trảng Bom), để lại nhiều cảm xúc với những người chứng kiến và theo dõi đám cưới. Chị Giang mồ côi cha mẹ từ lúc 2 tuổi, lớn lên trong vòng tay của bà ngoại già yếu. Chồng chị Giang cũng không may mắn hơn, anh mồ côi cha từ lúc mới sinh, còn mẹ thì mất cách đây 4 năm. Hai vợ chồng lấy nhau 10 năm nhưng chỉ đăng ký kết hôn chứ chưa có điều kiện tổ chức đám cưới.
Những năm qua, dù phải ở trong phòng trọ chật hẹp để mưu sinh nhưng chính tình yêu đã giúp họ vượt qua nhiều thử thách để nuôi 2 con nhỏ và xây dựng, vun đắp cho tổ ấm của mình. Chị Giang xúc động chia sẻ: “Đời con gái, ai mà không ao ước được khoác lên mình chiếc áo cô dâu một lần, nhưng với hoàn cảnh của chúng tôi, điều đó tưởng chừng như chỉ là giấc mơ. Tôi biết ơn vì tổ chức Công đoàn đã cho gia đình tôi một kỷ niệm đẹp về đám cưới trong mơ. Đây là sự động viên tinh thần to lớn để vợ chồng tôi thêm vững tin trên con đường phía trước”.
Tại Lễ Cưới tập thể, 9 cặp đôi được Liên Lao động tỉnh lo toàn bộ chi phí lễ cưới, tổ chức lễ rước dâu và dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên. Ngoài ra, các đơn vị tài trợ tặng nhẫn cưới, áo dài hỗ trợ các cặp đôi. Đặc biệt, các cặp đôi vinh dự được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh gửi lời chúc phúc và tặng quà trị giá 5 triệu đồng/cặp đôi.
Chị Trần Thị Thanh Thảo và chồng Khúc Chí Nhiên (quê An Giang, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cũng không giấu được niềm vui, hạnh phúc trong Lễ Cưới tập thể. Chị Thảo cho biết, 2 vợ chồng đều là công nhân nghèo, yêu nhau đã lâu nhưng không thể tổ chức đám cưới vì nhiều lý do. Ước mơ bước vào lễ đường của chị đã thành hiện thực với sự kết nối, hỗ trợ của các cấp Công đoàn. Chị Thảo mong rằng sẽ có nhiều gia đình công nhân được tổ chức đám cưới trong thời gian tới để có được niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Từ quê lên tham dự lễ cưới của con, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, mẹ của chị Trần Thị Thanh Thảo, rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến con gái được tổ chức đám cưới ý nghĩa, đầy cảm xúc. Bà Hạnh chia sẻ: “Biết các con lấy nhau, muốn tổ chức đám cưới nhưng gia đình ở quê nghèo, không đủ chi phí để tổ chức cho con. Khi tham dự lễ cưới tập thể, chứng kiến niềm vui của con, tôi rất hạnh phúc. Mong rằng chặng đường tới, các con luôn yêu thương nhau và vun đắp cho tương lai”.
Thực hiện giấc mơ của nhiều công nhân
Những cặp đôi công nhân tham gia Lễ Cưới tập thể đều có điểm chung đó là niềm khao khát được mặc váy cưới, được bước lên lễ đường trong sự chứng kiến và chúc phúc của người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Nhưng vì cơm áo gạo tiền, vì cuộc sống mưu sinh, họ đành gác lại ước mơ dang dở đó. Chính vòng tay Công đoàn đã giúp họ thực hiện giấc mơ về một đám cưới đong đầy cảm xúc.
Chị Thị Thi (quê tỉnh Kiên Giang) cho biết, chị rất lo lắng khi tham dự Lễ Cưới tập thể nhưng khi đứng trên sân khấu cùng các cặp đôi chung hoàn cảnh, chị thấy tự tin hơn. Với chị, đây sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động luôn được chú trọng. Trong đó, lễ cưới tập thể lần đầu được tổ chức tại Đồng Nai nhằm hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn bước vào cuộc sống hôn nhân trong điều kiện thuận lợi nhất. Chương trình không chỉ là cầu nối hạnh phúc cho những đoàn viên mà còn là động lực để họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Bà Ý nhấn mạnh: “Đối với công nhân khó khăn, ai cũng mong muốn có lễ cưới trọn vẹn và ước mong có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng có điều kiện để tổ chức một đám cưới đủ đầy, đặc biệt là đối với những anh chị em công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà. Hiểu được hoàn cảnh của công nhân, tổ chức Công đoàn đổi mới hoạt động, thực hiện ước mơ của công nhân về một đám cưới ý nghĩa, đong đầy yêu thương”.
Theo bà Ý, Lễ Cưới tập thể thể hiện rõ nhất về mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc và sự quan tâm của các tổ chức chính trị, xã hội dành cho đoàn viên, người lao động. Năm 2025, tổ chức Công đoàn sẽ lan tỏa chương trình ý nghĩa này nhằm tạo thành hoạt động thường niên, một nét đẹp văn hóa của đoàn viên, người lao động tỉnh nhà.