Mang hạnh phúc, ấm no đến với đồng bào Cơ Tu

Trên dải đất biên cương xa xôi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, cán bộ, chiến sĩ BĐBP chính là điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc. Với tấm lòng tận tụy và ý chí kiên cường, các chiến sĩ quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam đã ngày đêm bám bản, bám dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân. Không quản ngại nắng mưa, gian khổ, các anh đã mang tri thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp đến từng nếp nhà, giúp bà con Cơ Tu thay đổi tập quán canh tác, xây dựng mô hình kinh tế mới. Nhờ đó, đã từng bước khơi dậy khát vọng đổi đời cho đồng bào vùng cao, thắp sáng niềm tin vào một tương lai tươi đẹp, no ấm hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry thực hiện khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân”. Ảnh: Minh Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry thực hiện khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân”. Ảnh: Minh Anh

Đồn Biên phòng Ga Ry có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý 27,3km đường biên giới thuộc 2 xã Ga Ri và Ch’ơm, huyện Tây Giang. Địa bàn có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, đây cũng là 2 xã miền núi, biên giới khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam. Thực hiện phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry luôn đồng hành, cùng chia ngọt sẻ bùi, chung vai đấu cật với chính quyền và nhân dân 2 xã biên giới, quyết tâm cùng bà con đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh.

Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry triển khai nhiều chương trình, mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực, giúp nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần như: Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tháng Ba biên giới”, “Mái ấm biên cương”, các mô hình “Trạm xá quân dân y kết hợp”, "Đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, “Thôn không có người vi phạm pháp luật”... Các chương trình, mô hình trên đã mang lại hiệu quả tích cực, có sự lan tỏa lớn, góp một phần không nhỏ cùng với đảng bộ, chính quyền 2 xã nâng cao đời sống của người dân các thôn, bản biên giới.

Còn nhớ cuối năm 2024 vừa qua, do ảnh hưởng của những đợt mưa lớn kéo dài, trên địa bàn 2 xã Ga Ri và Ch’ơm xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại địa bàn khu dân cư. Qua khảo sát, Đồn Biên phòng Ga Ry nhận thấy các điểm sạt lở này nguy cơ cao ảnh hưởng đến ngôi nhà đang ở của vợ chồng ông Pơloong Nhân, trú tại thôn Atu 1, xã Ch’ơm và vợ chồng ông Alăng Nham, trú tại thôn Da Ding, xã Ga Ri. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đơn vị đã huy động 65 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền và các đoàn thể của 2 xã Ga Ri, Ch’ơm tham gia tháo dỡ, di chuyển tài sản và dựng lại nhà tại vị trí mới. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó thể hiện tình đoàn kết quân dân bền chặt, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Ga Ry đã vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh số tiền gần 7 tỷ đồng để xây dựng hơn 50 căn nhà 'Tình nghĩa", "Nghĩa tình Trường Sơn", "Mái ấm biên cương" cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng 4.500 suất quà, nhận đỡ đầu 30 học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, trong đó có 2 là “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ngoài ra, đơn vị đã giới thiệu hơn 100 lượt đảng viên phụ trách hơn 200 hộ gia đình khó khăn; phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân 2 xã Ga Ri, Ch’ơm xây dựng “Tổ tự quản đường biên mốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự” ở 12 thôn...

Những ruộng lúa nước bậc thang ở các thôn quanh vùng đều do cán bộ Biên phòng xuống hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con. Những vùng núi đá, đồi trọc - hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy ngày nào, giờ đã được phủ xanh bằng nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm như cam, bưởi da xanh, sơn tra.... Bản làng bây giờ cũng đã khang trang, gọn gàng, sạch đẹp, các tệ nạn mê tín dị đoan đã giảm hẳn; khi ốm đau, bà con đã không còn nhờ thầy cúng mà đã tự giác đưa người bệnh đến trạm xá quân dân y kết hợp, hay Đồn Biên phòng Ga Ry để khám và điều trị.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry hướng dẫn bà con trồng bưởi da xanh để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Minh Anh

Cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry hướng dẫn bà con trồng bưởi da xanh để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Minh Anh

Ngồi bên bếp lửa, bà Bling Thị Hon, trú tại thôn Da Ding, hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ri vui vẻ cho biết, những năm trước đây, theo tập quán, bà con Cơ Tu thường sinh sống phân tán sâu trong rừng, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, bữa no, bữa đói. Bên cạnh đó, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, cộng với nhận thức của bà con còn hạn chế nên có nhiều hủ tục. Nhờ sự tích cực, kiên trì tuyên truyền, vận động của cán bộ Biên phòng và chính quyền địa phương, những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn đã dần được xóa bỏ. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, với sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, chị em phụ nữ 2 xã Ch’ơm và Ga Ri đã đi đầu trong phát triển kinh tế vườn đồi, trồng các loại cây ăn quả như cam, chanh, sơn tra, mắc ca, cây dược liệu...

Cuộc sống của phụ nữ và đồng bào vùng biên bây giờ khác trước rất nhiều, không còn cảnh thiếu đói vào mùa giáp hạt, có trạm y tế để bà con đến khám bệnh, có trường học khang trang cho con trẻ học chữ. Điều giá trị nhất mà chương trình mang lại là đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chủ động phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Cùng với đó, nhiều chị em phụ nữ đã tích cực vận động người thân trong gia đình mình xóa bỏ nếp sống sinh hoạt lạc hậu, mất vệ sinh và tiếp cận với nếp sống văn minh hơn, sạch sẽ, khoa học hơn. Bây giờ, mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Ga Ry về bản, mọi người chào đón như những người thân trong gia đình.

Có thể nói, mỗi bước chân của các chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Ga Ry trên dải đất biên cương này không chỉ in dấu trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc, mà còn thắp lên niềm hy vọng về một cuộc sống đổi thay nơi vùng cao gian khó. Những việc làm bền bỉ, tận tâm của các anh đang từng ngày góp phần dựng xây một biên giới không chỉ vững về an ninh, mà còn giàu về kinh tế, mạnh về lòng dân - nơi ấm no và hạnh phúc thực sự hiện hữu trong từng mái nhà, từng nụ cười của bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Minh Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mang-hanh-phuc-am-no-den-voi-dong-bao-co-tu-post489362.html
Zalo