Mang đến mái ấm an toàn, thắp sáng hy vọng cho hàng ngàn gia đình khó khăn

Hòa Bình quyết tâm xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, mang đến những mái ấm an toàn, kiên cố, thắp sáng hy vọng cho hàng ngàn gia đình khó khăn.

LỜI TÒA SOẠN

Ngày 13/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Thời gian thực hiện phong trào từ tháng 4/2024 đến năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trong cả nước.

Theo báo cáo cập nhật của Bộ LĐ-TBXH, đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ; cả nước còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.

Với quyết tâm thực hiện thông điệp của Thủ tướng về "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", vào dịp Tết sắp đến Xuân cận kề, hàng chục nghìn hộ nghèo trên cả nước đã được sum vầy trong những ngôi nhà mới…

Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có địa hình đa dạng với nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 3.194 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo sống trong nhà tạm, nhà dột nát.

Hòa Bình hiện có 3.194 hộ sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: XĐ

Hòa Bình hiện có 3.194 hộ sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: XĐ

Ở tuổi 81, bà Đinh Thị Mận (trú xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc) cùng con trai sống trong căn nhà sàn gỗ đã cũ có tuổi đời gần 50 năm.

Qua thời gian dài sử dụng, căn nhà của bà Mận bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, mối mọt, dột nát. Mỗi khi tới mùa mưa bão, bà cùng con trai đành sang nhà hàng xóm tránh trú bão.

Hiện tại, bà Mận tuổi đã cao lại không có khả năng đi lại do trước đây đã từng hai lần bị ngã vỡ xương chậu, con trai của bà là anh Đinh Công Siển cũng bị bệnh không còn khả năng lao động, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Ước muốn của bà Mận là có một căn nhà nhỏ để trú mưa nắng, thế nhưng cuộc sống khó khăn nên cũng đành “lực bất tòng tâm”.

“Nhà xây lâu quá rồi, giờ xuống cấp nên mỗi lần có bão là cùng nhau qua hàng xóm xin trú tạm. Nhưng giờ không biết làm cách nào cả”, bà Mận tâm sự.

Chung hoàn cảnh là chị Bùi Thị Mậu (xóm Sát, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn) - một trong những hộ được hỗ trợ tiền để xóa nhà tạm.

Khởi công công trình xây dựng nhà "đại đoàn kết" cho gia đình chị Bùi Thị Mậu do Sở KH&ĐT kết nối các nguồn lực xã hội hóa tài trợ. Ảnh: Anh Tâm

Khởi công công trình xây dựng nhà "đại đoàn kết" cho gia đình chị Bùi Thị Mậu do Sở KH&ĐT kết nối các nguồn lực xã hội hóa tài trợ. Ảnh: Anh Tâm

"Vào mùa mưa bão thì sợ đổ, mùa đông nhà không đủ chắn gió còn mùa hè lại không tránh được cái nắng gay gắt, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn", chị Mậu chia sẻ.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn mà còn khiến người dân khó tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Tỉnh Hòa Bình chung tay xóa nhà tạm

Là nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào "xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tỉnh Hòa Bình đã phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày đêm hoàn thành “xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo.

Thời gian qua, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời, được tỉnh Hòa Bình quan tâm thực hiện thông qua hình thức đa dạng.

Đại diện cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện Lạc Sơn trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình bà Bùi Thị Mai (xóm Re, xã Ân Nghĩa). Ảnh: Báo Hòa Bình

Đại diện cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện Lạc Sơn trao kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình bà Bùi Thị Mai (xóm Re, xã Ân Nghĩa). Ảnh: Báo Hòa Bình

Đi đầu trong phong trào xóa nhà tạm là MTTQ các cấp, sau đó là lực lượng Quân đội, Công an, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... Quá trình triển khai thực hiện đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo đem lại hiệu quả, thiết thực.

Ngoài ra, còn có sức trẻ, sự nhiệt huyết của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hòa Bình đã chỉ đạo thành lập 151 "Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát” tại các xã, phường, thị trấn và phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho tổ chức Đoàn các huyện, thành phố thông qua chỉ tiêu công trình thanh niên các cấp hàng năm.

Tính từ khi phát động phong trào đến 12/2024, toàn tỉnh đã xây mới được 1.066 ngôi nhà.

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình phấn đấu hoàn thành thêm trên 1.000 nhà trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tỉnh cũng thống nhất mức hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng là 30 triệu đồng/nhà đối với sửa chữa và 60 triệu đồng/nhà đối với xây mới.

Ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế

Những ngôi nhà mới kiên cố không chỉ mang lại sự an toàn mà còn giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.

Nhiều gia đình chia sẻ rằng, nhờ có mái ấm ổn định, họ đã vượt qua được nỗi lo sợ mỗi mùa mưa bão, trẻ em có điều kiện học tập tốt hơn, và cả gia đình có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.

Bà Bùi Thị Mai, xóm Re, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn cho biết: "Trước đây, nhà dột nát, mỗi lần mưa là nước tràn vào nhà. Giờ đây, nhờ chính sách hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, gia đình tôi đã có một mái nhà vững chãi. Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc.”

Trao đổi với VietNamNet, bà Bùi Thị Vân, Chủ tịch UBMTTQVN huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) xóa nhà tạm nhà dột nát huyện Lạc Sơn cho biết, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà ở, mà còn mang tầm nhìn dài hạn, hướng tới một xã hội phát triển bền vững.

Từ nguồn vận động nhà hảo tâm và quỹ "Vì người nghèo” cấp xã đã hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo xóm Vó Dò, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Ảnh: Báo Hòa Bình

Từ nguồn vận động nhà hảo tâm và quỹ "Vì người nghèo” cấp xã đã hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo xóm Vó Dò, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Ảnh: Báo Hòa Bình

Hưởng hứng chương trình, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Sơn đã ban hành Chỉ thị về lãnh đạo cuộc vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Lạc Sơn trong 2 năm 2024 - 2025.

Thành lập BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ra Lời kêu gọi vận động ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay đã hỗ trợ hơn 500 ngôi nhà trên tổng số 620 hộ có nhu cầu cấp bách. Trong đó, số nhà đã hoàn thành và bàn giao là 132 nhà, số nhà đang xây dựng là 368 nhà.

Trong thời gian tới, huyện Lạc Sơn sẽ nỗ lực, quyết liệt hơn nữa, chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo những hộ gia đình đã được hỗ trợ năm 2024 có nhà ở trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Bên cạnh đó, toàn huyện hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025.

* Bài tiếp theo: Mệnh lệnh cao điểm xóa hơn 300.000 nhà tạm, nhà dột nát

Anh Tâm

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mang-den-mai-am-an-toan-thap-sang-hy-vong-cho-hang-ngan-gia-dinh-kho-khan-2360028.html
Zalo