Màng bảo quản an toàn cho trái cây

Sản phẩm màng phủ sinh học ăn được giúp trái cây tươi ngon sau 4 - 6 ngày tùy loại, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển đến người tiêu dùng và hướng đến nền nông nghiệp bền vững.

Trái cây được bảo quản bằng màng sinh học tươi ngon hơn so với trái cây đối chứng.

Trái cây được bảo quản bằng màng sinh học tươi ngon hơn so với trái cây đối chứng.

Bảo quản trái cây vỏ cứng

Nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Đắc Bình Minh làm chủ nhiệm cùng cộng sự tại Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) đã thực hiện đề tài “Quy trình công nghệ phun phủ hệ màng bảo quản an toàn cho trái cây sau thu hoạch”.

TS Nguyễn Đắc Bình Minh cho biết, mục tiêu của quy trình là kéo dài thời gian bảo quản và giữ chất lượng cho một số loại quả tươi có vỏ cứng như bơ, xoài, chanh leo bằng việc phun phủ lớp màng bảo quản an toàn sau khi thu hoạch. Công nghệ này không chỉ giúp giữ độ tươi ngon, mà còn giảm tổn thất trong khâu lưu trữ và phân phối.

Quy trình đã được triển khai ở quy mô pilot với công suất 100 kg/giờ, đặt tại Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng. Nhờ thiết kế phù hợp và hiệu quả, quy trình có thể được áp dụng bởi các cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã trong hoạt động bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Quy trình công nghệ bao gồm 7 bước cơ bản. Lựa chọn trái cây tươi đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, loại bỏ các quả bị hỏng, nấm mốc hoặc tổn thương cơ học. Làm sạch sơ bộ bằng nước sạch, sử dụng hệ thống vòi phun có đường kính 8mm với lưu lượng 30 lít/phút.

Sát khuẩn bề mặt quả bằng dung dịch NaClO 0,01% trong 5 phút, nhằm tiêu diệt vi sinh vật gây hư hỏng. Trái cây sau khi làm sạch được làm khô bằng quạt gió áp dân, ở nhiệt độ 35±2°C để chuẩn bị cho bước phun màng.

Phun phủ màng bảo quản: Dung dịch màng bảo quản được bổ sung vào thùng chứa 100 lít và phun lên trái cây qua hệ thống vòi phun. Trái cây di chuyển và lăn tròn nhờ băng tải tự động, giúp màng phủ đều trên bề mặt. Thời gian phun khác nhau tùy loại quả: 1,5 phút cho bơ và xoài, 1 phút cho chanh leo.

Trái cây tiếp tục được sấy ở nhiệt độ 35±2°C bằng hệ thống băng tải qua buồng sấy để ổn định lớp màng phủ, sau đó được đóng vào thùng carton đục lỗ hoặc sọt nhựa thoáng khí. Tùy vào tính chất trái cây (cứng hay mềm), sử dụng thêm giấy gói chuyên dụng, xốp lót, hoặc xốp lưới để giảm ma sát. Sản phẩm được lưu trữ ở nơi cao ráo, thoáng khí, tránh ánh sáng trực tiếp nhằm duy trì chất lượng sau khi xử lý.

Theo nhóm nghiên cứu, việc áp dụng quy trình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và đơn vị thu mua trái cây, mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Giải bài toán trái cây được mùa mất giá

TS Bình Minh cho biết, sản phẩm màng phủ sinh học sử dụng đơn giản dễ ứng dụng sẽ góp phần giải quyết vấn đề trái cây được mùa, mất giá giúp kéo dài thời gian sử dụng. Tại Sơn La, nhóm nghiên cứu đã tập huấn tại thị trấn Nông Trường huyện Mộc Châu để hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm cho các nông hộ đối với một số hoa quả chủ lực (mận, chanh leo, xoài) để kéo dài thời hạn sử dụng trái cây.

Chế phẩm giúp trái cây tươi ngon sau 4 - 6 ngày tùy loại, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển. Sản phẩm màng phủ sinh học ăn được hướng đến nền nông nghiệp bền vững dựa trên yếu tố phát triển các giải pháp xanh trong đó tận dụng nguyên liệu phụ phẩm của lĩnh vực trồng trọt và thủy sản như: Sinh khối cây vối, vỏ tôm.

Theo nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên có nghiên cứu sử dụng chiết thực vật giàu polyphenol từ cây vối kết hợp với chitosan và gum arabic để nâng cao khả năng tạo nên lớp màng phủ bảo quản.

Sản phẩm có chi phí sản xuất thấp, dễ sử dụng và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Giá 1 lít chế phẩm là 60.000 nghìn đồng, phủ màng được 30 - 40kg quả (chanh leo, xoài, táo, bơ). Công nghệ thiết bị sản xuất chế phẩm dễ lắp ráp, cơ giới hóa từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mang-bao-quan-an-toan-cho-trai-cay-post731175.html
Zalo