Mận Sơn La mất mùa nhưng nông dân, HTX phấn khởi vì…được giá

Tại Sơn La, mùa mận năm nay khiến nông dân và các HTX buồn vui lẫn lộn khi sản lượng giảm sút đáng kể do thời tiết khắc nghiệt, nhưng giá bán lại tăng cao so với năm trước. Mặc dù thất thu về số lượng, nhưng niềm vui được giá đã phần nào bù đắp thiệt hại, đồng thời tạo động lực để cải thiện kỹ thuật canh tác, hướng tới những vụ mùa bội thu trong tương lai.

Nếu như năm ngoái, đường vào xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng – thủ phủ mận hậu của huyện Yên Châu sẽ bắt gặp nhiều xe tải, xe container lạnh xếp hàng dài đỗ chờ mua mận hậu thì năm nay do mất mùa nên số lượng xe giảm hẳn.

Sản lượng giảm 60%

HTX nông sản bản địa Noọng Piêu (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La luôn nổi bật bởi sự đầu tư bài bản, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng mận tại địa phương và đã có thành công nhất định, tạo nên thương hiệu “mận RUBY”, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trao đổi với VnBusiness, chị Lê Thị Thảo – Giám đốc HTX Noọng Piêu cho biết, mất mùa mận năm nay là do thời tiết không thuận lợi. Mùa đông vừa qua kéo dài và khắc nghiệt hơn bình thường, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ra hoa và đậu quả của cây. Ngoài ra, các đợt mưa lớn kéo dài, thậm chí mưa đá vào thời điểm mận đang ra quả non cũng gây rụng quả hàng loạt, làm giảm sản lượng mận thu hoạch.

Sản lượng mận năm nay ước chỉ đạt 60% so với năm ngoái, tuy nhiên, giá bán cao phần nào khiến người dân bớt lo lắng.

Sản lượng mận năm nay ước chỉ đạt 60% so với năm ngoái, tuy nhiên, giá bán cao phần nào khiến người dân bớt lo lắng.

“HTX canh tác hơn 50ha mận và liên kết sản xuất 150ha, trong đó có 30,5ha được cấp mã vùng trồng. Năm nay mất mùa nên ước chỉ thu được gần 5 tấn, giảm 60% sản lượng so với năm ngoái”, chị Thảo buồn bã kể.

Theo chia sẻ của chị Thảo, mùa mận bắt đầu từ cuối tháng 12 âm lịch (mận sớm) cho đến hết tháng 7 dương lịch (mận chính vụ), diện tích canh tác được quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất để tạo ra các sản phẩm khác nhau, như: Vùng mận VIP (cho ra quả có size 10-12 quả/kg và 18-20 quả/kg có giá bán cao gấp 6-8 lần loại thông thường); vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn nhằm đáp ứng những yêu cầu khác nhau của thị trường.

Đầu tháng 6, cũng có thể coi là cuối vụ, vì năm nay mất mùa nên sau khi thu hoạch, các thành viên HTX tiến hành cắt tỉa cành, giảm số lượng lá để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học; sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục để bón cho mận hậu; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.

Không chỉ riêng HTX Noọng Piêu, anh Giàng A Tấu – hộ liên kết HTX tâm sự, gia đình tôi có trồng 100 cây mận trên diện tích khoảng 3.000m2. Thu nhập của cả nhà chủ yếu trông chờ vào vụ mận, bao nhiêu công sức chăm bón đến nay gần như mất trắng. Sản lượng thu hoạch mận tính đến thời điểm hiện tại chỉ đủ bán cho các đầu mối nhưng vẫn chưa thấy có lãi.

Mặc dù sản lượng giảm, nhưng giá mận lại tăng cao đáng kể. Năm nay, giá mận bán tại vườn dao động từ 22.000 đến 60.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tăng một phần là do cung không đủ cầu, khi mận Sơn La luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và hương vị.

Các thương lái từ khắp nơi đổ về Sơn La để mua mận, đẩy giá lên cao hơn. Ngoài ra, việc xuất khẩu mận sang các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Lào cũng góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm này.

Chị Nguyễn Thị Lan, một nông dân trồng mận tại Mộc Châu, chia sẻ: "Năm nay mận mất mùa, vườn nhà tôi chỉ thu hoạch được khoảng 200kg, trong khi năm ngoái là gần 500kg. Tuy nhiên, giá mận năm nay lại cao gấp 3 lần so với năm ngoái, nên gia đình cũng bớt lo lắng về thu nhập."

Anh Lê Đình Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản Sơn La, cho biết: "HTX cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, giá mận cao giúp HTX có thể hỗ trợ nông dân tốt hơn, đảm bảo đời sống cho họ. Chúng tôi cũng đang tìm cách cải thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận để giảm thiểu rủi ro trong các mùa vụ tới”.

Linh hoạt phương thức tiêu thụ

Để giảm thiểu rủi ro do thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, các nông dân và HTX tại Sơn La cần tích cực tìm kiếm các giải pháp cải thiện kỹ thuật canh tác. Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, như hệ thống tưới tiêu tự động, kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản và các biện pháp bảo vệ thực vật tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mận.

Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật canh tác tiên tiến, quản lý dịch bệnh và chăm sóc cây mận, nâng cao kiến thức cho nông dân, HTX sẽ giúp họ áp dụng các phương pháp canh tác hiệu quả hơn, đối phó với “mẹ” thiên nhiên.

Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất, nên khuyến khích nông dân, HTX đa dạng hóa cây trồng, xen canh các loại cây khác nhau giúp cân đối thu nhập và giảm bớt thiệt hại khi một loại cây gặp vấn đề về sản lượng.

Ngoài ra, việc mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, cũng là một trong những hướng đi cần được chú trọng, không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm mà còn giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường trong nước, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.

Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, siêu thị và chuỗi cửa hàng để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Các hợp đồng tiêu thụ dài hạn sẽ giúp giảm bớt áp lực bán hàng cho nông dân trong những mùa vụ khó khăn.

Nông dân, HTX Sơn La cần tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương, chú trọng vào chất lượng và hương vị đặc trưng, tạo niềm tin về sản phẩm cho người tiêu dùng và có thể đẩy giá bán sản phẩm lên cao hơn.

“Mặc dù năm nay mận Sơn La mất mùa, nhưng việc giá bán tăng cao đã giúp người nông dân và các HTX bớt đi phần nào gánh nặng. Đây cũng là cơ hội để họ nhìn nhận lại và cải thiện phương thức canh tác, từ đó tạo ra những vụ mùa bội thu hơn trong tương lai. Điều quan trọng là sự đồng lòng và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nông dân, HTX và chính quyền địa phương, để vượt qua khó khăn và xây dựng một nền nông nghiệp bền vững”, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh thông tin.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/man-son-la-mat-mua-nhung-nong-dan-htx-phan-khoi-vi-duoc-gia-1100226.html
Zalo