Màn 'hỏi xoáy' bất ngờ của học sinh BRIS với giám đốc Cerberus Esports
Ngoài thể hiện sự tự tin và khả năng trình bày lưu loát bằng tiếng Anh, học sinh tiểu học tại BRIS còn khiến giám đốc Cerberus Esports bất ngờ trước loạt câu hỏi đầy tính phản biện và những ý tưởng kinh doanh cực kỳ sáng tạo.
Những “CEO nhí” lớp 4 và buổi đối thoại không thể quên
Tháng 4/2025 tại BRIS Bình Thạnh, học sinh tiểu học tại BRIS đã chào đón vị khách đặc biệt: ông Michael Minsoo Chung, Giám đốc điều hành (COO) của Cerberus Esports - một trong những đội thể thao điện tử hàng đầu Việt Nam.

COO Michael Minsoo Chung chia sẻ về hành trình sự nghiệp của mình với học sinh BRIS. Ảnh: BIRIS
Trước các học sinh tiểu học BRIS, ông Michael chia sẻ về những cột mốc trong sự nghiệp của mình.
Ông từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông tại các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, niềm đam mê với thể thao điện tử đã đưa ông đến với Cerberus, nơi ông đảm nhiệm vai trò quản lý các đội tuyển, đồng thời góp phần xây dựng một hệ sinh thái đào tạo bài bản cho các game thủ trẻ tại Việt Nam.
Cerberus Esports đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, trong đó có chức vô địch PUBG Global Series 3 năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam lên ngôi tại một giải đấu quốc tế trong bộ môn này.
Không khí buổi giao lưu trở nên “nóng” hơn khi các “CEO nhí” của BRIS tự tin đặt câu hỏi cho vị khách mời bằng tiếng Anh. Nhiều câu hỏi tưởng chừng ngây ngô lại khiến ông Michael phải bật cười, rồi suy ngẫm vì sự thú vị và tính thực tiễn.
Có em hỏi: “Chú ơi, tuyển thủ Esports có phải tập thể dục không ạ? Con thấy ai cũng ngồi chơi máy tính à?”. Một bạn khác lại thắc mắc: “Nếu cả team đang cãi nhau vì thua trận, chú làm gì để mọi người bình tĩnh lại?”.
Có em mạnh dạn hỏi: “Làm sao để tụi con vừa chơi game giỏi mà không bị ba mẹ mắng?” hay “Có cách nào nổi tiếng như các tuyển thủ không, nhưng… không cần livestream không ạ?”.

COO Michael Minsoo Chung cùng các học sinh tiểu học tại BRIS giao lưu sau chương trình. Ảnh: BRIS
Bên cạnh những câu hỏi dễ thương ấy, không ít học sinh khiến cả lớp và diễn giả phải ngỡ ngàng trước chiều sâu trong cách đặt vấn đề.
Một bạn hỏi: “Làm sao để mình biết điều gì là đam mê thật sự, còn điều gì chỉ là sở thích nhất thời?”, hay “Nếu một tuyển thủ giỏi nhưng tính cách không hợp với team, thì chú sẽ giữ lại hay thay người?”.
Có em hỏi về sự phát triển bền vững của nghề game thủ: “Tụi con nghe nói tuyển thủ sẽ hết thời rất sớm, vậy sau khi giải nghệ thì họ sẽ làm gì tiếp theo?”.
Sau màn đối thoại là phần trình bày các sản phẩm dự án môn Business (Kinh doanh) mà học sinh lớp 4 đang thực hiện. Những ý tưởng được các học sinh tiểu học trình bày một cách mạch lạc, đầy hứng khởi và cực kỳ dễ thương, từ bộ sưu tập nón độc đáo đến mô hình các sản phẩm theo phong cách “túi mù” đang rất thịnh hành.
Ông Michael không giấu được sự cảm phục. Ông chia sẻ rằng mình hoàn toàn không nghĩ sẽ chứng kiến một lớp 4 mà học sinh có thể vừa đặt câu hỏi phản biện sâu sắc, vừa trình bày ý tưởng như một nhà sáng lập startup thực thụ. “Thực sự tôi rất ấn tượng với kỹ năng tiếng Anh của các em, còn tốt hơn cả tôi khi tôi học lớp 4 ở Mỹ”, ông nói.
Ông cho biết thêm: “Mặc dù các em còn nhỏ, nhưng tôi thấy được khả năng tư duy sáng tạo mà các em thể hiện qua các ý tưởng. Các em đã thử sức với các sản phẩm dễ thương của mình như dự án bán túi mù, dù, nón”.
Đặc biệt, vị COO này rất ấn tượng với tinh thần ham học hỏi và sự tự tin của mỗi học sinh cũng như khả năng kết nối thực tiễn vào dự án của học sinh. Ông nhận định nếu được giáo dục trong môi trường tốt như BRIS, các em sẽ có được nhiều thành công đáng kể trong tương lai. “Các em đã làm tôi nhớ lại lý do vì sao mình yêu công việc đào tạo và truyền cảm hứng”, ông nói.

COO Michael Minsoo Chung cùng nhóm học sinh. Ảnh: BRIS
Project-Based Learning - Từ lớp học nhỏ tới những giấc mơ lớn
Hệ thống Trường Quốc tế BRIS cung cấp chương trình học thuật và chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế. Mong muốn của trường là trẻ em Việt Nam được tiếp xúc với tinh hoa giáo dục quốc tế để phát triển, đóng góp cho đất nước và thế giới.
Đại diện nhà trường chia sẻ, BRIS tạo ra môi trường học tập đề cao trải nghiệm thực tiễn, phát triển kỹ năng và nuôi dưỡng tư duy phản biện ngay từ bậc tiểu học. Trường đặc biệt chú trọng các phương pháp dạy học hiện đại, trong đó nổi bật là Project-Based Learning (PBL) - học qua dự án.
Tại BRIS, cách học qua dự án không hẳn là một hoạt động phụ trợ, mà là phương pháp cốt lõi được áp dụng xuyên suốt trong nhiều môn học. Chẳng hạn với các tiết học Business (Kinh doanh) cho học sinh tiểu học, PBL trở thành chiếc cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa tư duy và hành động. Ngoài kiến thức, học sinh còn được giao nhiệm vụ tạo ra sản phẩm thật, triển khai ý tưởng thật và phản biện như một người khởi nghiệp thực sự.
Không dừng lại trong lớp học, BRIS còn thường xuyên mời các doanh nhân, nhà sáng lập và chuyên gia đến trò chuyện, truyền cảm hứng cho học sinh. Trường từng chào đón các khách mời như Nathan Gehlert - Phó giáo sư tâm lý học Đại học Fulbright Việt Nam, CEO Nhật Tân - nhà sáng lập Seesaw Việt Nam từng gọi vốn thành công tại Shark Tank hay nhà đầu tư Erik Jonsson - gương mặt quen thuộc trong cộng đồng start-up.
Thông qua những hoạt động học thật, làm thật như vậy, học sinh BRIS không chỉ học để biết mà còn học để làm, học để kết nối và học để lớn lên. Các bạn biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, biết lắng nghe phản hồi để điều chỉnh sản phẩm, biết làm việc nhóm hiệu quả và hiểu rằng mỗi sản phẩm đều mang theo trách nhiệm và sự sáng tạo của người thực hiện.