Mâm cúng ông Công ông Táo cần chuẩn bị những gì?

Theo phong tục, ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình sẽ làm mâm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời. Vậy mâm cỗ cúng sắp thế nào cho chuẩn?

Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời không cần cầu kỳ nhưng phải trang trọng, chu đáo.

Tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình cũng như phong tục, tập quán mỗi vùng miền mà mâm cúng khác nhau. Và tất nhiên "mâm cao cỗ đầy không bằng thành kính chân tâm", do đó điều quan trọng nhất là sự tâm thành và tôn kính của con cháu đối với chư vị thần linh và gia tiên tiền tổ.

Tham khảo mâm cúng dưới đây và có sự chuẩn bị tốt nhất có thể vào ngày cúng ông Công ông Táo:

Chuẩn bị bộ ông Công ông Táo và cá chép

Lễ vật cúng ông Táo truyền thống gồm có:

- 1 bộ ông Công ông Táo: 3 chiếc mũ, 3 đôi giày, 3 bộ áo, 3 con cá chép giấy. Mũ ông Công có 3 chiếc: 2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho Táo ông thường có 2 cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn.

Những chiếc mũ này được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và dây kim tuyến và màu sắc theo ngũ hành năm.

- Tiền vàng (tùy tâm).

- Cá chép sống.

- Mâm cỗ mặn: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt lợn luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng, 1 bát canh mọc hoặc canh măng, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc...

Mâm lễ cúng Phật

Lễ vật cúng Phật thường là đồ chay như: Hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào… và có thể thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc viên mãn.

Mâm cỗ chay cần có đủ 5 màu tượng trưng cho Ngũ Hành.

Mâm cúng gia tiên

Cúng gia tiên thường là cỗ mặn gồm 10 món: 4 bát, 6 đĩa. Trong đó 4 bát là bát canh ninh măng, bát canh măng, bát canh miến và bát canh mọc. 6 đĩa gồm thịt gà hoặc thịt lợn luộc, giò hoặc chả, nem thính hoặc đĩa giò xào, dưa muối, xôi hoặc bánh chưng và nước chấm.

Bên cạnh đó, mâm cơm cúng gia tiên cần có đầy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt có vậy mới tạo nên một mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm, an lành và xua đi những đen đủi.

Mâm cúng ông Táo, ông Công đặt ở đâu?

Ngày lễ ông Công ông Táo năm nay rơi vào thứ Sáu ngày 2/2/2024 (tức 23 tháng Chạp). Tuy nhiên, nhiều gia đình đã bắt đầu thực hiện nghi lễ này từ 17 tháng Chạp.

Trong văn hóa của người Việt, ông Công là thần thổ công cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà. Ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, vì vậy lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.

Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu bởi còn khá nhiều quan niệm khác nhau xoay quanh vấn đề này.

Tuy nhiên, theo quan niệm của người Việt Nam, cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng.

Và thường thì các gia đình Việt Nam sẽ có bàn thờ ông Táo riêng, điều này sẽ giúp lễ cúng thêm trang nghiêm hơn.

Theo chuyên gia phong thủy Phùng Phương: "Việc thờ cúng luôn cần tiến hành ở nơi trang trọng, tôn nghiêm. Trong khi đó, bếp dù được vệ sinh sạch sẽ cũng khó đảm bảo được sự linh thiêng mạnh mẽ nhất, cũng không thể hiện rõ được lòng thành của gia chủ đối với chư vị thần linh. Vì vậy, không cúng ông Công ông Táo tại bếp".

Mặc dù còn khá nhiều quan niệm khác nhau xung quanh việc cúng ông Công ông Táo ở đâu thế nhưng dù thực hiện lễ cúng này ở trong bếp hay ở bàn thờ riêng, hay bàn thờ Thần Linh thì gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.

* Thông tin mang tính tham khảo.

Yến Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mam-cung-ong-cong-ong-tao-can-chuan-bi-nhung-gi-post669743.html
Zalo