Malaysia chủ trì cuộc họp lần thứ 40 của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền
Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 40 từ ngày 11-14/2 tại Langkawi, Malaysia.

Các đại biểu tham dự cuộc họp lần thứ 40 của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) tại Langkawi, Malaysia. (Nguồn: AICHR)
Cuộc họp lần thứ 40 của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) diễn ra từ ngày 11-14/2 do Đại diện Malaysia tại AICHR Edmund Bon Tai Soon chủ trì, với sự tham dự của Đại diện các nước tại AICHR và Timor Leste với tư cách quan sát viên.
Năm 2025, Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đồng thời là Chủ tịch AICHR. Tại phiên họp đầu tiên của AICHR trong năm, ông Edmund Bon Tai Soon đã nhấn mạnh định hướng và trọng tâm của năm Chủ tịch ASEAN 2025 với chủ đề “Bao trùm và bền vững”, đồng thời khẳng định sự cần thiết của một cách tiếp cận do ASEAN dẫn dắt, thuộc sở hữu của ASEAN, mang tính tổng thể nhằm thúc đẩy hòa bình, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
Tại cuộc họp, AICHR đã thảo luận về tiến độ triển khai Kế hoạch công tác 5 năm (FYWP) 2021-2025 và Hoạt động ưu tiên năm 2025, tập trung vào những lĩnh vực như quyền môi trường, kinh doanh và quyền con người, quyền kỹ thuật số, chống mua bán người và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, quyền của người khuyết tật, quyền phát triển, thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền mà các quốc gia thành viên ASEAN là thành viên.
AICHR cũng trao đổi về tuyên bố ASEAN liên quan đến quyền được sống trong một môi trường an toàn, sạch sẽ và bền vững, nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn kiện này theo chỉ đạo của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Tuyên bố chung lần thứ 57 năm 2024. Đồng thời, Malaysia đề xuất một tuyên bố ASEAN mới nhằm thúc đẩy hòa bình, tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững và quyền phát triển, phù hợp với chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2025 mà nước này đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, cuộc họp đã cập nhật tình hình nhân quyền mới nhất tại ASEAN từ các đại diện của AICHR, bao gồm những điều luật, quy định, sáng kiến quốc gia mới tại Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Toàn cảnh cuộc họp. (Nguồn: AICHR)
AICHR đã thông qua Báo cáo nghiên cứu chuyên đề về quyền được hòa bình do Lào chủ trì, nhất trí công bố báo cáo trên trang web AICHR cùng với nhiều báo cáo từ các chương trình khác của Ủy ban. Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho công tác thúc đẩy hòa bình, hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa hòa bình và nhân quyền.
Về vấn đề thể chế, AICHR cũng thảo luận tổng quan hoạt động trong 15 năm qua và các đánh giá nội bộ trước đây của Ủy ban, nhằm xây dựng những khuyến nghị trình lên Hội nghị AMM về các ưu tiên trong 5 năm tới.
Ngoài ra, phiên họp kín giữa các đại diện và đại diện thay thế của AICHR đã thảo luận về nhiều lĩnh vực ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia, bao gồm đề xuất tuyên bố ASEAN về quyền được sống trong môi trường an toàn, sạch sẽ và bền vững.
Đặc biệt, Nhóm công tác về Kế hoạch công tác 5 năm của AICHR (WG-FYWP) cũng đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào ngày 11/2 vừa qua, thống nhất lộ trình sửa đổi cho các cuộc họp của Nhóm và bước đầu xây dựng danh mục hoạt động cho Kế hoạch công tác mới.
Trước cuộc họp lần thứ 40, vào ngày 10/2, AICHR đã tổ chức Hội thảo chuyển giao với chủ đề “Xây dựng tốt hơn, vững mạnh hơn, luôn duy trì sự phù hợp, bao trùm, đổi mới và lấy con người làm trung tâm” nhằm hỗ trợ quá trình chuyển giao giữa các Đại diện AICHR mãn nhiệm (2022-2024) và các Đại diện AICHR mới (2025-2027).