Malaysia: Cách thức ưu tiên an ninh hàng hải

Cách tiếp cận của Malaysia đối với an ninh hàng hải được quy định trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020, trong đó nêu rõ vai trò của Malaysia là cầu nối giữa khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong bối cảnh an ninh hàng hải ở khu vực có nhiều bất ổn, Malaysia đang nỗ lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh cho các tuyến đường thủy và đường không, cũng như những lợi ích liên quan đến dầu khí, thủy sản.

4 ưu tiên

Thứ nhất, trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, Malaysia ưu tiên sử dụng các công cụ pháp lý, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) - công ước mà Malaysia phê chuẩn tham gia từ năm 1996. Điều này được thể hiện rõ nét khi ngày 12/12/2019, Malaysia đã nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS). Đây là đệ trình thứ hai của Malaysia.

Trước đó, Malaysia và Việt Nam đã nộp một đệ trình chung ở khu vực phía Nam của Biển Đông vào năm 2009. Ngoài ra, Malaysia cũng ưu tiên sử dụng công cụ pháp lý thông qua Tòa án Công lý Quốc tế trong tranh chấp đảo Ligitan và Sipadan với Indonesia và tranh chấp đảo Pedra Branca với Singapore.

Tàu khoan West Capella vận hành bởi Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas.

Tàu khoan West Capella vận hành bởi Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas.

Thứ hai, ưu tiên giải quyết các xung đột, tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao mang tính xây dựng. Ưu tiên này được thể hiện qua việc Malaysia nỗ lực thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như phản đối các hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên vùng biển Malaysia thông qua các kênh ngoại giao.

Thứ ba, Malaysia nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước như Mỹ, Australia, thậm chí là Trung Quốc thông qua việc mua sắm khí tài và hợp tác với lực lượng hải quân các nước. Ưu tiên này là cần thiết để Malaysia có thể nâng cao năng lực phòng thủ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ tư, Malaysia thúc đẩy hợp tác liên ngành giữa các cơ quan thực thi hàng hải, đặc biệt là Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA), Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và Bộ Tư lệnh an ninh Đông Sabah (ESSCOM). Các cơ quan này không chỉ chịu trách nhiệm tuần tra tại các vùng biên để xử lý, ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia như khủng bố, bắt cóc, di cư bất hợp pháp mà còn ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền và an ninh quốc gia.

Tập trung giải quyết tranh chấp

Thứ nhất, Malaysia ưu tiên tập trung giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia ASEAN như tranh chấp biển Sulawesi với Indonesia, yêu sách của Philippines đối với bang Sabah (hiện do Malaysia quản lý). Ngoài ra, Malaysia cũng có nhiều lo ngại liên quan đến các hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc. Một trong những sự kiện nổi bật là việc các tàu của Trung Quốc trong năm 2020 đã quấy nhiễu tàu khoan West Capella - tàu do Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia Petronas vận hành.

Tình hình đã trở nên căng thẳng khi Malaysia đã phải điều tàu tới để đảm bảo an ninh và lực lượng hải quân Mỹ, Australia cũng đã có sự hiện diện tại các khu vực lân cận. Năm 2021, Chính phủ Malaysia cũng phản đối việc tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia. Đến năm 2022, 16 máy bay quân sự của Trung Quốc lại xâm nhập không phận Malaysia, khiến lực lượng không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) phải tuyên bố đây là hành động đe dọa đến chủ quyền quốc gia. Ngoài ra, việc lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên đưa tàu tới khu vực bãi cạn Luconia đã đe dọa đến tình hình an ninh ở mỏ thăm dò khí đốt Kasawari của Malaysia và các hoạt động khai thác dầu khí của Công ty Petronas.

Thứ hai, Malaysia ưu tiên giải quyết các thách thức hàng hải phi truyền thống, trong đó chỉ riêng hoạt động đánh bắt cá trái phép ước tính đã gây thiệt hại cho Malaysia từ 650 triệu - 1,3 tỷ USD/năm. Trong khi đó, các hoạt động như khủng bố, bắt cóc đòi tiền chuộc và di cư bất hợp pháp ở Đông Malaysia cũng gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh hàng hải của Malaysia.

Quản trị hàng hải

Thế mạnh của Malaysia hiện nay là việc kết hợp công cụ pháp lý và quan hệ đối tác quốc phòng trong việc giải quyết các thách thức hàng hải.

Thứ nhất, về công cụ pháp lý, Malaysia áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp hàng hải, đặc biệt là tận dụng UNCLOS để bảo vệ yêu sách chủ quyền trên Biển Đông - khu vực có giá trị lớn về dầu khí, thủy sản và các cảng biển đối với Malaysia. Điều này có thể thấy được qua cách tiếp cận của Malaysia trong vụ việc tranh chấp đảo Ligitan và Sipadan với Indonesia và tranh chấp đảo Pedra Branca với Singapore, cũng như việc nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa.

Thứ hai, Malaysia nỗ lực củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với Mỹ, Australia và đa phương như Thỏa thuận tuần tra eo biển Malacca với Indonesia, Singapore và Thái Lan; Thỏa thuận hợp tác 3 bên với Indonesia và Philippines nhằm giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó, Malaysia cũng tích cực tham gia quan hệ đối tác đa phương của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADNM) và ADNM+. Ngoài ra, Malaysia cũng tham gia Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA - gồm Malaysia, Singapore, Anh, Australia và New Zealand).

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/malaysia-cach-thuc-uu-tien-an-ninh-hang-hai-i718775/
Zalo