'Make in Vietnam' ngày càng khẳng định thương hiệu

Ngành công nghiệp phần mềm hình thành đã trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, ngành sản xuất phần mềm 'Make in Vietnam' đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng, dần xây dựng được thương hiệu uy tín trong nước và nước ngoài.

Từ sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị số 58- CT/TW, ở nước ta ngày càng có nhiều doanh nghiệp làm ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ "Make in Vietnam" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí "nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam".

Khẳng định tên tuổi và chiếm lĩnh thị trường

Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 58- CT/TW "Về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" có một mục tiêu quan trọng là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế quan trọng, nhất là phát triển công nghiệp phần mềm. Chỉ thị 58-CT/TW trở thành kim chỉ nam đặt nền móng cho ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam phát triển.

Từ sau khi có Chỉ thị số 58-CT/TW, ở nước ta ngày càng có nhiều công ty làm ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ "Make in Vietnam" , trong đó có nhiều công ty hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, từ những bước đi bỡ ngỡ đầu tiên, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã vươn mình như Phù Đổng, đĩnh đạc bước ra thế giới.

Phó Cục trưởng Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Nam Trung cho biết, Việt Nam hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 doanh nghiệp làm phần mềm. Năm 2024, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng (hơn 45,5 tỷ USD).

Hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoạt động ở nước ngoài với ước tính doanh thu khoảng 7,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động ở nước ngoài đã mở rộng thị trường, khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" trên bản đồ thế giới, doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Theo Báo cáo Chỉ số địa điểm dịch vụ toàn cầu (Global Service Location Index) năm 2023 của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về gia công phần mềm. Thành tựu của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã góp phần nâng tầm ngành phần mềm Việt Nam cả về hình ảnh, khả năng và doanh thu. Nhờ liên tục đổi mới, sáng tạo và cam kết đem lại giải pháp hiệu quả, các doanh nghiệp phần mềm Việt đã ghi điểm đầy ấn tượng trên bảng xếp hạng quốc tế.

Trong số những doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, Công ty cổ phần FPT (Tập đoàn FPT) đã khẳng định tên tuổi trong nước và quốc tế, 4 năm liên tiếp kể từ năm 2014, FPT được Hiệp hội quốc tế về Dịch vụ ủy thác chuyên nghiệp (IAOP) bình chọn là một trong 100 nhà cung cấp dịch vụ ủy thác hàng đầu thế giới.

Đến nay, Tập đoàn FPT đã có chi nhánh tại 30 quốc gia. Công ty trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT (FPT Software) là công ty hàng đầu trong lập trình phần mềm, phân phối và bán lẻ thiết bị công nghệ thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin, FPT Software cung cấp sản phẩm cho 700 khách hàng lớn, trong đó có hơn 100 khách hàng là công ty thuộc top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới.

Những tên tuổi khác như Công ty phần mềm KMS Technology, TMA Solution, CMC Corporation, Global Cybersoft, MISA, BAP Software... đều đã khẳng định được vị trí trong thị trường phần mềm Việt Nam và vươn ra thế giới. Sản phẩm của những công ty này khá đa dạng, cung cấp cả giải pháp phần mềm đa nền tảng và linh hoạt, phù hợp với các mô hình kinh doanh khác nhau, thậm chí từ phát triển đến bảo trì, triển khai ERP, QA, chuyển đổi ứng dụng, hệ thống nhúng, điện toán di động và điện toán đám mây...

Thị trường phần mềm Việt Nam những năm gần đây đang phát triển ấn tượng, doanh nghiệp nội địa chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường với các giải pháp quản trị doanh nghiệp nhỏ, các phần mềm ứng dụng đa ngành, phần mềm ứng dụng chuyên ngành, phần mềm ứng dụng cơ bản. Các phần mềm an toàn thông tin, diệt virus, kế toán, trình duyệt của doanh nghiệp nội đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại.

Không như các doanh nghiệp lớn có thể nhận những hợp đồng hàng chục, hàng trăm triệu USD gia công phần mềm cho đối tác toàn cầu, nhiều công ty phần mềm trong nước đã chọn hướng đi phù hợp với quy mô, năng lực của mình, phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước vốn rất rộng mở, đa dạng.

Ông Vũ Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần IGB - một công ty phần mềm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế website cho biết: Thị trường công nghệ thông tin hiện nay đang phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và điện toán đám mây tạo ra nhiều cơ hội và cả thách thức mới. Không chỉ các công ty trong nước mà cả các tập đoàn công nghệ quốc tế cũng cạnh tranh tại Việt Nam với nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau.

Doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi giải pháp công nghệ thông tin hiệu quả mà còn phải tối ưu chi phí, bảo mật cao và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi. Trong bối cảnh ấy, IGB đã chọn cho mình con đường "ngách hẹp": Tập trung vào các ứng dụng phục vụ các lĩnh vực đặc thù như du lịch thông minh, thể thao và cung cấp các giải pháp công nghệ giúp các tỉnh, huyện, thị xã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong quản lý, quảng bá du lịch và thương mại điện tử; Phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến, bảo đảm tính ứng dụng cao và dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Để thương hiệu "Make in Vietnam" phát triển

Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, sau 5 năm chuyển đổi số (2019- 2024), công ty đã tăng trưởng 2,58 lần.

Để có ngày hôm nay, Rạng Đông đã hoàn thiện mô hình sản xuất và kinh doanh số trên nền tảng văn hóa đặc sắc "Rạng Đông Anh hùng có Bác Hồ", xây dựng được tháp phát triển hệ sinh thái sản phẩm/Dịch vụ 4.0, từng bước lộ trình 3 vòng lặp chuyển đổi số: vòng 1 (2020-2021): khởi động và số hóa; vòng 2 (2022-2023): đồng bộ hóa từng phần; vòng 3 (2024-2025): đồng bộ hóa từng phần mở rộng và đồng bộ hóa toàn phần.

Rạng Đông đã quy hoạch các nền tảng công nghệ, bảo đảm khả năng kết nối toàn hệ thống, hình thành mạng lưới công nghệ số thống nhất, thay đổi mô hình tổ chức hoạt động từ cấu trúc phân tầng, chức năng sang mô hình hỗn hợp dạng ma trận dựa trên các đội nhóm công nghệ số sáng tạo và tự chủ. Công ty phối hợp các đối tác công nghệ trong và ngoài nước, từng bước xây dựng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm tối ưu hóa quy trình - công nghệ vận hành, trong đó công nghệ ánh sáng tích hợp với internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo giữ vai trò quan trọng.

Lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đều nhận thức rõ vai trò của đội ngũ nhân lực trong sự phát triển. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định: "FPT luôn đặt con người là trung tâm của mọi hoạt động, chiến lược phát triển của công ty. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư vào con người thông qua những chương trình đào tạo chuyên sâu, chính sách phúc lợi hấp dẫn và tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên".

Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI vừa được tổ chức tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới.

Doanh nghiệp công nghệ số cần nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số; khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao; xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững; phát triển kinh tế số và xã hội số; nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Mặt khác, các ngành chức năng có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần IGB Vũ Xuân Nguyên cho rằng, để giữ khách hàng và phát triển bền vững, doanh nghiệp phần mềm cần thường xuyên đánh giá sản phẩm về chức năng, hiệu suất, bảo mật, độ dễ sử dụng, độ tin cậy, tính linh hoạt...

Mặt khác cần thường xuyên cập nhật và cải tiến công nghệ, ứng dụng các xu hướng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo và thực tế tăng cường; xây dựng mối quan hệ bền chặt với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp địa phương nhằm mở rộng thị trường; tổ chức các khóa đào tạo, cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết, các buổi thực hành và hỗ trợ trực tiếp trong quá trình triển khai cho nhân viên của khách hàng để bảo đảm họ có đủ kỹ năng vận hành và khai thác hiệu quả phần mềm và có chính sách hậu mãi tốt.

Đồng thời, phải tuân thủ các quy định tại Điều 15 Nghị định 71/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin; Khoản 2, Điều 5, Thông tư 13/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và các quy định của pháp luật liên quan; hoàn thành thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước với doanh nghiệp phần mềm.

Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang rộng mở với thị trường vượt 100 triệu dân trong đó tỷ lệ sử dụng internet rất cao; nhu cầu về phần mềm trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện của đất nước ngày càng tăng, góp phần tích cực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 với mục tiêu tổng quát: "Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

NINH CƠ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/make-in-vietnam-ngay-cang-khang-dinh-thuong-hieu-post857881.html
Zalo