Mai Sơn thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo

Với phương châm 'Không để ai bị bỏ lại phía sau', huyện Mai Sơn huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhân dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn chăm sóc cây cà phê.

Nhân dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn chăm sóc cây cà phê.

Từ năm 2022 đến nay, huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị liên kết đào tạo nghề, tổ chức 485 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển giao hướng nghiệp gần 48.000 người, nâng tổng số tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 26%. Toàn huyện, có 16.665 lượt hộ được vay vốn chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ trên 815 tỷ đồng.

Đến nay, 100% số người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu đều được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; 85% số trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 5.000 hộ nghèo của 22 xã, thị trấn được hỗ trợ tiền điện; 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. Năm 2024, huyện đã xóa 274 nhà tạm, với số tiền trên 21 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 9%, giảm 1,7% so với năm 2023.

Đường nội bản Xà Vịt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn được bê tông hóa.

Đường nội bản Xà Vịt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn được bê tông hóa.

Ông Hoàng Hữu Phong, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, cho biết: Là xã vùng III, địa hình đồi núi dốc, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao. Hằng năm, xã đề ra các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Tạo điều kiện các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hiện nay, tổng dư nợ trên 56 tỷ đồng, để đầu phát triển kinh tế. Năm 2024, xã đã xóa được 33 nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 21%, giảm 11% so với năm 2023.

Trước đây, gia đình ông Cầm Văn Chiêu là hộ nghèo của bản Mờn 2, xã Chiềng Lương, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của gia đình, đến nay, đã thoát nghèo. Ông Cầm Văn Chiêu, nói: Năm 2020, gia đình được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn mua 2 con nghé về nuôi nhốt chuồng, đầu tư giống, vật tư phân bón trồng 1 ha mía, 4.000 m² cây cà phê, 200 cây mắc ca. Tích cực lao động, trong 2 năm 2023-2024, thu nhập của gia đình được gần 200 triệu đồng. Gia đình tôi vừa xây được căn nhà cấp 4, có diện tích gần 60 m².

Nhân dân bản Mờn 2, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn phát triển chăn nuôi gia súc.

Nhân dân bản Mờn 2, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn phát triển chăn nuôi gia súc.

Còn tại xã vùng III Nà Ớt, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, đời sống nhân dân nhiều khó khăn. Ông Lò Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, chia sẻ: Trong công tác giảm nghèo, xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nhân dân. Lồng ghép các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hiện nay, tổng dư nợ hơn 42 tỷ đồng; kết nối, tạo việc làm cho lao động. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 54%, đến năm 2023 giảm còn trên 44,27%. Năm 2024, xóa 18 nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 33%.

Thực hiện đồng bộ các chính sách và sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mai Sơn đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/mai-son-thuc-hien-dong-bo-cac-chinh-sach-giam-ngheo-6ZIxmIDHg.html
Zalo