Mái ngói, trình tường một phần hồn của Cao nguyên đá

Từ làng văn hóa dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) chúng tôi tìm đến những địa danh còn giữ được những nếp nhà cổ trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang. Nhưng từ Mèo Vạc tới Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ rất khó để chiêm ngưỡng một xóm người Mông có những ngôi nhà trình tường truyền thống chưa bị lai tạp bởi vật liệu hiện đại.

Từ lâu nay, kiến trúc cổ truyền của người Mông vùng Cao nguyên đá đã trở thành một đặc sản khiến không ít người tìm đến để một lần được thấy tận mắt. Trong khắp hành trình của cung đường Hạnh Phúc, bất kỳ du khách nào cũng đều bị hấp dẫn bởi những bờ rào đá đặc trưng của đồng bào Mông và khi bước qua cánh cổng khám phá kiến trúc bên trong còn khiến những người miền xuôi thêm ngỡ ngàng với nếp nhà trình tường mang đặc trưng của miền núi đá. Từ vật liệu đơn giản là đất đỏ, người Mông đã tạo ra kiến trúc độc đáo vừa thân thiện vừa hài hòa với thiên nhiên. Những bức tường dầy 40 cm được làm hoàn toàn bằng đất tạo cho khung cảnh Cao nguyên đá hoang sơ được tô điểm những nét chấm phá đậm chất riêng. Kiến trúc cổ của người Mông từ lâu được biết đến là mang lại cho chủ nhân sinh sống trong ngôi nhà đó được ấm cúng về mùa Đông, mát về mùa Hè và sự phòng thủ tốt trước những đe dọa từ bên ngoài.

Ông Mua Ván Sấu, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Trái (Đồng Văn) và ngôi nhà trên 60 năm tuổi. Ảnh: Trọng Toan

Ông Mua Ván Sấu, thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Trái (Đồng Văn) và ngôi nhà trên 60 năm tuổi. Ảnh: Trọng Toan

Khắp các xóm nhỏ dưới thung lũng là những bờ rào đá được xếp tỉ mẩn, nổi bật với nếp nhà trình tường và mái ngói âm dương không chỉ tạo ấn tượng cho du khách mà đi vào thơ ca, phim, ảnh. Kiến trúc trình tường là sự thích ứng với điều kiện tự nhiên của người dân tộc Mông. Họ sinh sống ở nơi khan hiếm vật liệu xây dựng và khí hậu giá lạnh kiến trúc từ đất nện của họ cho thấy tính cách kiên cường của dân tộc này.

Hiện nay, để ngắm những ngôi nhà trình tường cổ còn sót lại ở Đồng Văn có thể kể đến các địa danh như: Lũng Táo, Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là… Tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là (Đồng Văn) trò chuyện với ông Mua Ván Sấu trong ngôi nhà được hoàn thiện cách đây 60 năm với kiến trúc dân tộc Mông còn nguyên những giá trị truyền thống. Mái ngói âm dương rêu phủ kết hợp với màu đất nguyên sơ khiến cho bất kỳ ai chiêm ngưỡng cũng thấy được vẻ đẹp thuần nhất còn lưu được.

Ông Sấu cho biết: Ngôi nhà trình tường của ông được làm trong 2 tháng mới hoàn thiện, bí quyết xây dựng của cha ông truyền lại là dùng muối hòa nước để pha với đất trong quá trình nhào nặn, giúp cho những bức tường đất nện kiên cố hơn với thời gian, không bị mối mọt xâm hại. Nhiều nhà nghiên cứu các công trình trình tường của người Mông cho rằng còn nhiều hợp chất được pha trộn với đất mới tạo được sự kết dính và độ bền. Có những ngôi nhà cổ niên đại hơn 100 năm trên địa bàn xã Sủng Là, Lũng Táo vẫn giữ được vẻ kiên cố, 4 bên tường vẫn nguyên vẹn, có lẽ là nhờ những bí quyết chỉ những thợ xây già mới nắm được.

Du khách thích thú khi chụp ảnh với nhà trình tường Homtay tại Cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: PV

Du khách thích thú khi chụp ảnh với nhà trình tường Homtay tại Cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: PV

Cùng sự phát triển chung của các địa phương và sự tiện lợi của vật liệu xây dựng hiện đại, tường gạch, mái pro xi măng xuất hiện nhiều nên tường đất, mái ngói âm dương dần biến mất ở các xóm người Mông trên Cao nguyên đá. Kiến trúc nhà ở người Mông về cơ bản vẫn được giữ nguyên nhưng chất liệu bằng đất nện mang tới vẻ đẹp hài hòa với không gian tổng thể đã không còn. Ngày nay, để tìm một xóm người Mông nguyên bản nhà trình tường, mái ngói âm dương gần như vô vọng. Làng Văn hóa dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc) được xây dựng mô phỏng kiến trúc truyền thống của người Mông nhưng đa phần đều sử dụng vật liệu bằng gạch, bê tông, chỉ số ít ngôi nhà được làm từ đất nện trong các bản làng, những ngôi nhà trình tường mới rất ít nếu còn cũng không dùng ngói âm dương để lợp mà dùng tấm lợp hoặc loại ngói mới của Trung Quốc.

Với tiêu chí hướng tới bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh ta như hiện nay thì các địa phương cần có giải pháp giữ gìn những gì thuộc về văn hóa nguyên bản để phục vụ sự phát triển lâu dài. Nhiều người cho rằng kiến trúc của người Mông tạo không gian bí bách, ẩm thấp và không sạch sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu chí vệ sinh trong xây dựng Nông thôn mới và phát triển văn hóa du lịch địa phương. Nhưng nhìn qua thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) có thể thấy những người Dao ở đây cũng sinh sống trong những ngôi nhà trình tường truyền thống và đang phát huy kiến trúc cổ dân tộc trở thành điểm lưu trú rất thu hút du khách từ khắp nơi đến ở lại và khám phá. Nếu có định hướng rõ ràng và những đề án quy hoạch cụ thể, bám sát vào đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, giữ được những giá trị truyền thống bản địa và biến chúng thành điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch bền vững vùng Cao nguyên đá là cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Trọng Toan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202408/mai-ngoi-trinh-tuong-mot-phan-hon-cua-cao-nguyen-da-0437dfb/
Zalo