Mãi mãi là niềm tự hào

Cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông khởi xướng đã đi vào lịch sử. Tinh thần bất khuất và sự hy sinh oanh liệt của ông trở thành biểu tượng sáng ngời cho ngọn cờ đoàn kết, yêu nước của người dân Nam bộ.

QUY TỤ TOÀN DÂN ĐỒNG TÂM

Công lao, tầm vóc của AHDT Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông khởi xướng đã được nhiều thế hệ kính trọng và suy tôn. Tại Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Trương Định và việc phục dựng, nâng cấp các quần thể di tích” được tổ chức gần đây, nguyên Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, năm 1844, dưới thời Vua Thiệu Trị, cha ông là Trương Cầm, được vua phong làm Lãnh binh tỉnh Gia Định - chức là Thủy Vệ Úy.

Trương Định theo cha vào Nam. Tại đây, ông lấy vợ là bà Lê Thị Thưởng, con gái một nhà giàu có ở Tân Hòa, bấy giờ thuộc tỉnh Định Tường. Sau khi cha mất, ông ở luôn quê vợ. Từ năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thi hành ở vùng đất phương Nam. Trương Định xuất tiền bạc của nhà vợ, đứng ra chiêu tập dân nghèo lập đồn điền khai hoang ở Gia Thuận và ông được phong chức Quản cơ ở đồn điền này.

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: T.L

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: T.L

Dân trong đồn điền Trương Định cũng giống như các đồn điền khác là những người nghèo và những người lưu vong không có tên trong sổ đinh (sổ bộ của nhà vua). Họ sống từng gia đình và suốt đời làm tá điền, không bao giờ có ruộng đất. Khi có chiến tranh, dân đồn điền cũng tham gia chiến đấu với đội quân chính quy.

Họ hầu hết được trang bị bằng giáo mác và theo quy định thì mỗi cơ có 500 lính đồn điền. Nhưng đồn điền của Trương Định được ông đối xử tử tế, được phân phối đất canh tác, được chu cấp đủ ăn, đủ mặc và luyện tập kỹ về kỹ năng quân sự, phòng khi hữu sự phải chiến đấu bảo vệ đất nước. Cho nên Trương Định rất có uy tín đối với mọi người trong đồn điền và cả khắp chung quanh.

Vì vậy, mà cơ đồn điền của ông đông đến hàng ngàn và ngày càng có nhiều người quy tụ. Tên tuổi của ông Trương Định đến tai triều đình Huế, Vua Tự Đức bèn bổ chức “Quản cơ” cho Trương Định hòng lấy lòng ông, mong biến ông thành bầy tôi trung thành.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, để trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tổ chức lễ hội của các huyện phía Đông thì việc trùng tu, tôn tạo và tổ chức lễ hội các di tích liên quan đến khởi nghĩa Trương Định như: Mở rộng khu Đền thờ Trương Định; phục dựng Đám lá tối trời, các hạng mục xung quanh Ao Dinh… tạo thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch là rất cần thiết.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, vì có công mộ dân khai hoang lập ấp, Trương Định được bổ chức Quản cơ rồi trở thành Phó Lãnh binh (năm 1861), Lãnh binh (năm 1862). Do có uy tín và địa vị xã hội nên khi vừa dựng cờ khởi nghĩa, Trương Định đã quy tụ được nhiều nghĩa quân và chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa Trương Định đã lan rộng hầu khắp 3 tỉnh miền Đông, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ.

Mặc dù triều đình phong làm Lãnh binh tỉnh An Giang và buộc Trương Định phải giải tán nghĩa quân, chấm dứt cuộc kháng chiến, nhưng ông đã vì nước, vì dân, không tuân theo lệnh bãi binh của triều đình và thuận lòng nhận chức Bình Tây Đại Nguyên soái của nhân dân tôn phong. Với phương thức chiến đấu là lập căn cứ ở những nơi hiểm trở, đắp nhiều thành lũy, pháo đài tạo thành thế liên hoàn, lấy yếu đánh mạnh, lấy tinh thần dân tộc làm sức mạnh để tấn công địch như các cuộc tập kích đồn Rạch Tra (Tây Ninh), Long Thành (Biên Hòa), tấn công 2 chiếc Lorcha tại Bến Lức, pháo thuyền Alarne và trận địa pháo rạch Gò Công, đốt chiếc Lorcha số 10 hay tập kích đồn Thuộc Nhiêu, đồn Rạch Kiến nhưng nổi bật là trận tấn công Chợ Lớn - trung tâm kiểm soát của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Những cuộc chiến đấu này đã làm cho giặc Pháp tiêu hao về sinh lực, hoang mang về tinh thần.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đều nhìn nhận, khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tuy cuộc khởi nghĩa tồn tại trong thời gian ngắn nhưng nó để lại nhiều ý nghĩa trên các mặt về sự quy tụ toàn dân đồng tâm, hiệp lực cứu nước, về tính độc lập tự chủ của người lãnh đạo trong việc đề ra đường lối kháng chiến và cả sự phản kháng ly khai với triều đình yếu kém… Dựa trên những tiền đề trong khởi nghĩa Trương Định, các cuộc khởi nghĩa về sau đã kế thừa và nâng lên ở mức cao.

QUYẾT TÂM GÌN GIỮ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

Uy danh của ông và cuộc khởi nghĩa Trương Định ảnh hưởng rất lớn ở toàn Nam kỳ và lan rộng khắp cả nước, xứng đáng là ngọn cờ đầu các phong trào khởi nghĩa ở Nam bộ giữa sau thế kỷ XIX. Các di tích ghi dấu công lao của AHDT Trương Định ở vùng đất Gò Công, Tiền Giang qua hơn một thế kỷ, tên tuổi và nghĩa binh của ông mãi mãi là niềm tự hào trong mỗi chúng ta, góp vào những trang sử oai hùng của dân tộc.

Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo được nhân dân Tiền Giang phát huy trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trong bảo vệ xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là quân - dân Tiền Giang lập nên Chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng, Chiến thắng Ba Rài vang dội, Vành đai diệt Mỹ ở xã Bình Đức huyền thoại… Trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về mọi mặt, đã và đang xây dựng quê hương giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và văn minh.

Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, với lòng tôn kính vị AHDT Trương Định, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang đã có nhiều cố gắng trùng tu, tôn tạo các di tích gắn liền với cuộc đời và hoạt động của ông, như: Lũy Pháo Đài; Nhà truyền thống TP. Gò Công - nơi Trương Định và các tướng lĩnh hội họp; Đền thờ và lăng mộ Trương Định - nơi giữ hài cốt và thờ phụng; Đền thờ Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông… Tượng đài Trương Định được lập nên giữa trung tâm TP. Gò Công trở thành biểu tượng hào hoa, khí phách quật khởi của nhân dân Gò Công, uy nghiêm, hùng dũng mà gần gũi, thân thương. Ngoài ra, còn rất nhiều miếu do nhân dân lập ra khắp vùng Gò Công để tri ân, thờ phụng các tướng lĩnh và nghĩa quân.

năm 2016, Lễ hội Trương Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Gò Công Đông mở rộng khu vực Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận, với hơn 1 ha để xây dựng công viên, phục vụ cho nhân dân ở khu vực này đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, không những ở TP. Gò Công, huyện Gò Công Đông mà ở thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Mỹ Tho và nhiều thành phố, thị xã khác trong cả nước đều có đường phố mang tên Trương Định và những trường học cũng mang tên ông.

Theo Thạc sĩ Lê Ái Siêm, những điều mà Trương Định làm được trong sự nghiệp cứu nước của ông là rất lớn, vì thế những di tích gắn liền với cuộc kháng chiến do ông lãnh đạo là rất quan trọng, đáng để cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam kỳ, trong đó nhân dân Gò Công - quê hương thứ hai của ông, nơi ông dấy binh khởi nghĩa, nơi ông tuyển dụng lính đồn điền để trở thành một đội quân thay cho quân triều đình đánh giặc, cứu lấy quê hương, đất nước đang bị giặc phương Tây xâm lược - trân trọng gìn giữ và tôn tạo những di tích để lưu giữ những giá trị đặc biệt cho muôn đời con cháu mai sau.

ANH PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202408/huong-den-ky-niem-160-nam-ngay-ahdt-truong-dinh-tuan-tiet-20-8-1864-20-8-2024-va-don-nhan-bang-cong-nhan-di-tich-quoc-gia-dac-biet-cac-dia-diem-khoi-nghia-truong-dinh-mai-mai-la-niem-tu-hao-1018597/
Zalo