Mai Ly giễu nhại chế tài, Chu Thanh Huyền cảnh cáo 'sân si' - pháp luật đang bị 'bỡn cợt'?
Vừa bị xử phạt và buộc nộp lại 14,8 tỷ đồng, Nguyễn Hoàng Mai Ly lên mạng cười cợt như thể 20 tỷ hàng lậu chỉ là đạo cụ cho màn kịch truyền thông.
Bán hàng chục tỷ hàng lậu vẫn cười cợt dư luận, vái lạy máy quay để tăng độ ‘hot’
Sau khi Báo Công Thương phản ánh chuyện Nguyễn Hoàng Mai Ly, còn gọi là Mailystyle bị phạt vì nhập lậu mỹ phẩm thực phẩm trị giá 34,9 tỷ đồng, bị buộc nộp lại gần 14,87 tỷ và phạt hơn 100 triệu đồng rồi tiếp tục quảng cáo "kiểu Kera" như chưa hề có chuyện gì, thông tin này được lan tỏa trên mạng xã hội. Dư luận có nhiều ý kiến phê phán, bất bình.
Thế nhưng thay vì tiếp thu nghiêm túc, sửa sai thì “người nổi tiếng” trên đã đáp trả bằng một bình luận với thái độ không thể có một chút nào có mảy may tôn trọng dư luận:
”Mỗi năm lôi lên một lần cho em nhớ nhé. Cảm ơn quý anh chị.”
Câu nói nhẹ bẫng ấy không đến từ một nghệ sĩ đùa giỡn trên sân khấu. Nó đến từ một cá nhân vừa bị xử phạt hành chính, vừa bị buộc tiêu hủy 126.166 sản phẩm vi phạm trị giá hơn 20 tỷ đồng, vừa phải nộp lại khoản thu lợi bất chính lên đến 14,8 tỷ đồng.
Lý do: Kinh doanh mỹ phẩm và thực phẩm không nguồn gốc, không hóa đơn, không đăng ký, không niêm yết giá.
Cái “không” duy nhất Mai Ly không có, là sự hối lỗi.
Ngay sau quyết định xử phạt, tài khoản “Mai Ly Official” vẫn xuất hiện đều đặn trên TikTok. Vẫn livestream, vẫn bày mâm lễ, cúi lạy máy quay. Không phải để sám hối, mà để “giữ độ hot”. Trong phần bình luận, cô đáp lại công chúng bằng những câu như: “Cho hot lại chị ạ”, “Chưa biết thuế má như nào em ạ”, hay “Bị kiểm tra rồi mới biết đi nộp”.
Thay vì im lặng, cô lên tiếng. Thay vì cúi đầu, cô thả tim. Thay vì chấp nhận lỗi sai, cô biến hình phạt hành chính thành chất liệu câu view, dựng lại hình ảnh “gái xinh lỡ dại”, “người kinh doanh non trẻ chưa rành luật”.
Đây không còn là một vụ vi phạm hành chính đơn thuần. Đây là một kịch bản phản chế tài bằng truyền thông cá nhân.

Vừa bị xử phạt và buộc nộp lại 14,8 tỷ đồng, Nguyễn Hoàng Mai Ly lên mạng cười cợt như thể 20 tỷ hàng lậu chỉ là đạo cụ cho màn kịch truyền thông.
Vì sao Mai Ly dám làm vậy? Vì cô biết mình không bị khởi tố. Dù hồ sơ cho thấy hàng hóa không nguồn gốc, tổng trị giá hàng vi phạm vượt 20 tỷ đồng, số tiền thu lợi bất chính gần 14,8 tỷ đồng, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông sau khi họp bàn với các cơ quan chức năng, đánh giá kỹ lưỡng, đã ra quyết định không khởi tố hình sự.
Cô biết rõ điều đó. Và cô đang tận dụng điều đó để “tái sinh hình ảnh” như chưa từng có sai phạm.
Luật pháp không sai. Các quyết định xử phạt đều đủ căn cứ, đúng thẩm quyền. Nhưng chế tài sẽ trở nên vô nghĩa nếu người vi phạm có thể quay lại mạng xã hội, giễu nhại quyết định xử phạt hành chính, thậm chí công khai biến sai phạm thành công cụ giữ tương tác, như thể 14,8 tỷ đồng thu lợi bất chính và hơn 20 tỷ đồng tiền hàng hóa bị thu giữ, chỉ là phí truyền thông cho một chiến dịch viral trá hình.
Đáng lo hơn, là phản ứng của công chúng. Nhiều người vẫn bênh vực. Nhiều người vẫn khen xinh, giỏi, “ngưỡng mộ chị”. Họ đang bị cuốn theo một hình mẫu nguy hiểm: Người sai nhưng đủ đẹp để được tha thứ, đủ nổi để được lãng quên, và đủ khéo để biến vi phạm thành thương hiệu cá nhân.
Đừng nói đây chỉ là mạng xã hội. Vì chính từ đó, hàng ngàn đơn hàng được giao. Chính từ đó, hàng giả, hàng lậu, hàng không kiểm soát tuồn về tay người tiêu dùng. Và cũng từ đó, một kiểu “miễn trách nhiệm đạo lý” đang được hợp thức hóa bằng câu view, bằng lượt thích, bằng những bình luận ve vuốt.
Vết xấu live stream chưa xóa, vẫn lớn tiếng cảnh cáo “sân si”
Trước đó, đã có những cá nhân từng bước lên đỉnh cao tương tác nhờ mạng xã hội, rồi rơi xuống vực xoáy pháp lý vì vượt quá giới hạn. Hằng Du Mục từng livestream bán hàng nghìn đơn mỹ phẩm mỗi tối, đã chính thức bị khởi tố. Quang Linh Vlogs, một hiện tượng mạng từng được yêu mến, cũng vướng vào lao lý cùng Hằng Du Mục.
Và gần đây nhất là Chu Thanh Huyền, người nổi tiếng với phát ngôn vỗ ngực tự xưng mình là “rồng”, là “hổ”, cũng đang đối diện với một cuộc xác minh từ lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội, do bị người tiêu dùng tố cáo bán sản phẩm là mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ tem nhãn, không xuất hóa đơn khi được yêu cầu.
Giữa tháng 3 năm nay, cô bị tố đem con trai ra quảng cáo bất chấp cho một sản phẩm sữa không phù hợp với lứa tuổi của bé. Các chuyên gia khẳng định Chu Thanh Huyền quảng cáo sữa cho trẻ 8 tháng tuổi là vi phạm nghị định 100 của Chính phủ (cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi). Các bác sĩ khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng trước những quảng cáo liên quan tới thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm dành cho trẻ em. Việc sử dụng theo đúng lứa tuổi là rất quan trọng.
Vậy mà sau đó Chu Thanh Huyền cũng lên mạng với thái độ không chút nhận thức ra các sai sót, vi phạm của mình, chỉ xin lỗi qua loa và nói rằng đó là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.Chu Thanh Huyền vẫn livestream giới thiệu sản phẩm và bán hàng như bình thường. Bà xã Quang Hải khẳng định cô đóng thuế đầy đủ nên không có gì phải sợ. "Là công dân Việt Nam, tôi luôn thượng tôn pháp luật. Tôi bán hàng đóng thuế đầy đủ, không có gì phải sợ. Còn lại, ai nói gì tôi không quan tâm. Ai sai sẽ có pháp luật xử lý", Chu Thanh Huyền nói.
Chu Thanh Huyền khẳng định: "Tôi chỉ tập trung vào công việc bán hàng, mang lại sản phẩm chất lượng cho khách hàng và không quan tâm tới những vấn đề ngoài luồng".Chu Thanh Huyền nói mình “bán hàng đóng thuế đầy đủ, tự tin một câu, để cho mà biết". Huyền còn cảnh cáo những người cô cho là vào livestream của mình để "sân si", "chầu trực".
Pháp luật có bị bỡn cợt?
Những vụ việc này không còn là chuyện riêng của một cá nhân, mà là lời cảnh báo nghiêm khắc cho cả một thế hệ “người ảnh hưởng” đang kinh doanh như thể luật pháp chỉ là lựa chọn tham khảo. Và nếu pháp luật tiếp tục thiếu cơ chế giám sát hậu xử phạt, thiếu những ngưỡng trừng phạt đủ mạnh để ngăn chặn tái phạm, thì mạng xã hội sẽ còn chứng kiến thêm nhiều “Mai Ly khác”, cười nói giữa các quyết định xử phạt, tung tăng bước qua ranh giới giữa sai phạm và nổi tiếng.
Bài học lớn nhất không nằm ở con số 14,8 tỷ đồng thu lợi bất chính, hơn 20 tỷ đồng tiền hàng hóa bị thu giữ và quyết định xử phạt chỉ hơn 113 triệu đồng. Mà nằm ở chỗ: Pháp luật bị đùa cợt mà không ai phản ứng kịp.
Chúng ta cần nhiều hơn một quyết định xử phạt. Chúng ta cần những nền tảng như TikTok, Shopee, Facebook có trách nhiệm chặn tài khoản vi phạm. Cần cơ chế giám sát hậu xử phạt. Cần quy định cấm quảng bá thương mại đối với các đối tượng đang trong thời hạn bị xử lý. Và cần báo chí, người tiêu dùng, cơ quan quản lý cùng lên tiếng, không để những trò giễu nhại chế tài trở thành bình thường hóa vi phạm.
Riêng vụ việc liên quan tới Nguyễn Hoàng Mai Ly, chúng ta cũng cần rà soát, xem xét lại quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời cần xác minh, điều tra, làm rõ tất cả các mắt xích trong đường dây và truy tận cùng, xử lý nghiêm vi phạm để làm gương.
Bởi nếu hôm nay, một người bị truy thu 14,8 tỷ đồng thu lợi bất chính và 20 tỷ đồng hàng hóa vi phạm, vẫn có thể ngồi nhà livestream, thả tim và nói “cho hot lại”, thì ngày mai, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi hàng ngàn người khác nghĩ rằng: Bán hàng chục tỷ đồng hàng lậu cũng chỉ…. phạt hành chính là cùng!?
Nguyễn Hoàng Mai Ly bị xử phạt hơn 113 triệu đồng, buộc nộp lại 14,8 tỷ đồng thu lợi bất chính từ việc kinh doanh hàng lậu, không rõ nguồn gốc qua Shopee và TikTok. Cô không đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá, không thông báo website, bị tịch thu 126.166 sản phẩm vi phạm trị giá hơn 20 tỷ đồng.