Mãi không quên 'cái thuở ban đầu lưu luyến ấy'…
Năm học 1963 - 1964 tôi là học sinh lớp 8C, Trường phổ thông cấp III Hoàng Văn Thụ. Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ gây nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để rồi tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cho mở thêm Trường phổ thông cấp III Cù Chính Lan, đặt ở xã Thanh Nông, huyện Lương Sơn (nay là huyện Lạc Thủy). Từ năm học 1964 - 1965, tôi chia tay các bạn học sinh Hoàng Văn Thụ về học trường mới Cù Chính Lan.
Năm học 1963 - 1964 tôi là học sinh lớp 8C, Trường phổ thông cấp III Hoàng Văn Thụ. Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ gây nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để rồi tiến hành đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cho mở thêm Trường phổ thông cấp III Cù Chính Lan, đặt ở xã Thanh Nông, huyện Lương Sơn (nay là huyện Lạc Thủy). Từ năm học 1964 - 1965, tôi chia tay các bạn học sinh Hoàng Văn Thụ về học trường mới Cù Chính Lan.
Tôi học lớp 9 (nay là lớp 11) năm học 1964 -1965 và lớp 10 năm học 1965 - 1966. Học sinh đến từ các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, có thêm các bạn từ Ninh Bình, Hà Đông, Hà Nội... theo gia đình đi sơ tán. Lớp học tranh tre nép vào vách núi, núp dưới rừng bương.
UBND tỉnh bổ nhiệm và điều động thầy Bùi Tiến Lãng làm hiệu trưởng; thầy Trương Như Hải làm phó hiệu trưởng. Giáo viên có các thầy: Tạ Ánh, Hồ Xuân Khai, Phạm Phú, thầy Uyển, thầy Khương, thầy Bách, thầy Kén, thầy Hạm, thầy Nam, cô Lý, cô Thu...
Tuy lớp học đơn sơ song việc dạy và học vẫn nghiêm túc, chu đáo. Các thầy, cô giáo nhiệt huyết, yêu nghề, học sinh chăm chỉ, say sưa. Thầy và trò đều quyết tâm dạy và học với tinh thần đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Các hoạt động ngoại khóa vẫn được tổ chức bài bản, chất lượng. Mỗi tháng được nghe thời sự về tin thắng trận ở miền Nam do cán bộ của trung đoàn thông tin đóng ở Đồi Sim về nói chuyện. Chúng tôi vẫn cắm trại ngày 26/3; vẫn tham quan chùa Hương và bình thơ Nguyễn Bính; vẫn tưng bừng náo nhiệt những đêm văn nghệ chào mừng ngày 20/11. Lớp tôi có anh Đinh Công Nhiên hát hay, có chất giọng như ca sĩ Quốc Hương. Trường tôi còn tham gia tìm bắt phi công Mỹ cùng với quân và dân địa phương (do máy bay AD6 của Mỹ bị bắn hạ, 2 phi công nhảy dù xuống vùng núi gần đó…).
Khóa học đầu tiên của trường (chỉ có 2 năm) 1964 - 1966 kết thúc bằng kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Chúng tôi tốt nghiệp và tỏa đi khắp nơi. Tôi vào Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, các bạn khác người vào ĐH Sư phạm Thái Nguyên, người vào Y khoa Hà Nội, người vào ĐH Bách khoa, người vào ĐH Nông nghiệp... Có người đi bộ đội, có người tốt nghiệp ĐH xong là vào bộ đội, rồi có cả người đi mãi không về. Đến nay đã 58 năm xa nhau mà chúng tôi vẫn chưa một lần gặp nhau đầy đủ. Anh Nguyễn Quý Mùi đi bộ đội bị thương, xuất ngũ về công tác tại khoa Sử, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; anh Vũ Đình Thục sang Trung Quốc học bác sỹ đông y về công tác tại Bệnh viện 108, phấn đấu và trở thành Thầy thuốc Ưu tú, Đại tá, Chủ nhiệm khoa Đông y. Hai anh ấy chia sẻ với tôi về mong muốn được một ngày họp lớp...
Năm nay, kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Cù Chính Lan, các bạn tôi hẹn sẽ về. Tôi háo hức mong ngày gặp lại các thầy giáo cũ, bạn cũ mà tôi hằng mong nhớ và tôi được gặp những học sinh thân yêu mà tôi đã dạy ở trường năm học 1969 - 1970.
Nguyễn Văn Ngự
(Học sinh khóa 1, Trường cấp III Cù Chính Lan)