Mãi ghi nhớ và biết ơn

Thế hệ hôm nay và mai sau mãi khắc ghi công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình người có công với cách mạng và trân quý giá trị của hòa bình, từ đó ra sức gìn giữ thành quả cách mạng, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

1. Những ngày cuối tháng Bảy, ngôi nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Hiệp, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Mỏ Cày rất nhộn nhịp. Đã thành lệ, gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên xã Mỏ Cày lại tề tựu về nhà mẹ Hiệp để thăm hỏi sức khỏe, thắp nén hương tri ân lên bàn thờ liệt sĩ, phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa và cùng nhau nấu bữa cơm đoàn viên cùng mẹ.

Cán bộ đoàn, Công an xã Mỏ Cày thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hiệp, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Mỏ Cày. Ảnh: TRUNG ÂN

Cán bộ đoàn, Công an xã Mỏ Cày thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hiệp, ở thôn Lương Nông Bắc, xã Mỏ Cày. Ảnh: TRUNG ÂN

Mẹ Hiệp có 6 người con. Trong kháng chiến, chồng và con trai thứ ba của mẹ đã anh dũng hy sinh. Hiện mẹ đang sống cùng gia đình người con trai út. Ở tuổi 95 , trí nhớ không còn minh mẫn như trước, nhưng khi thấy cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên xã Mỏ Cày về thăm, mẹ Hiệp móm mém cười, khóe mắt mẹ rưng rưng. Nắm chặt tay Mẹ Hiệp, Bí thư Đoàn xã Mỏ Cày Đỗ Thị Thu Hằng thủ thỉ, mẹ giữ gìn sức khỏe để chúng con được nấu cho mẹ nhiều bữa cơm đoàn viên như thế này, mẹ nhé!

Chị Hằng chia sẻ, thế hệ trẻ chúng tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, nên luôn trân trọng và biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Quan tâm đến Mẹ VNAH bằng những việc làm giản dị, mộc mạc như tự tay nấu cơm, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa cũng là một cách thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn đối với các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ VNAH, gia đình có công với cách mạng.

Có mặt tại nhà bệnh binh Đinh Văn Thúp (72 tuổi), ở thôn Hà Xuyên, xã Minh Long từ sáng sớm ngày 22/7, gần 20 đoàn viên Chi đoàn Trường Mầm non Ánh Dương vừa tranh thủ dọn dẹp nhà cửa cho vợ chồng ông Thúp, vừa tất bật chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Nhiều bóng điện trong nhà của ông Thúp bị hỏng, các đoàn viên liền đi mua và thay bóng điện mới cho gia đình ông. Để bày tỏ tấm lòng tri ân, Chi đoàn Trường Mầm non Ánh Dương đã khởi xướng hoạt động thăm hỏi, tặng quà và nấu cơm đoàn viên tại nhà các thương binh, bệnh binh trên địa bàn xã Minh Long từ năm 2019.

“Hoạt động chăm lo cho các thương binh, bệnh binh nhận được sự tham gia tích cực của 100% đoàn viên trong chi đoàn. Tuổi trẻ là thế! Chúng tôi chỉ mong có cơ hội được góp một phần nhỏ công sức để đền đáp, tri ân thế hệ cha ông đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc", Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Ánh Dương Nguyễn Thị Mỹ Lệ cho hay.

2. Năm nay là năm thứ thứ 23, người dân phường Cẩm Thành tổ chức lễ cúng liệt sĩ vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) tại Di tích “Địa điểm 68 chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968”, tọa lạc trên địa bàn phường. Là người được cộng đồng dân cư tin tưởng, trao trọng trách đứng ra làm chủ bái tại lễ cúng, thương binh Ngô Văn Thẩm, ở tổ dân phố 20, phường Cẩm Thành bồi hồi bảo, di tích này là nơi quân địch dồn 68 thi hài chiến sĩ cách mạng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rồi tưới xăng đốt, lấp chung một hố. Mấy mươi năm qua, người dân ở địa phương đều tổ chức lễ cúng, giỗ tập thể các liệt sĩ chu đáo, trang trọng như một cách bày tỏ lòng thành kính tri ân.

Cựu chiến binh Trương Quý được Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TRUNG ÂN

Cựu chiến binh Trương Quý được Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TRUNG ÂN

Sinh sống tại phường Vinh Hưng (Nghệ An), suốt 9 năm qua, thương binh Lê Mạnh Hải hằng năm vẫn lặn lội vượt chặng đường hơn 700km từ quê nhà tìm về Điểm cao 1049, ở xã Sa Bình (Quảng Ngãi) để cùng đồng đội dự lễ viếng, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Điểm cao 1049 từng là “bức bình phong” che chắn Tây Nguyên trong thời kỳ chiến tranh. Tại đây, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh vệ quốc, biến mảnh đất này thành biểu tượng của tinh thần quả cảm và lòng yêu nước.

“Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, song tôi vẫn không thể nào quên những năm tháng được sát cánh cùng đồng đội chiến đấu tại Điểm cao 1049. Từ nhiều năm nay, dù cách trở về địa lý, nhưng tôi cùng nhiều anh em nguyên là cán bộ, chiến sĩ thuộc Sư đoàn 320 vẫn cố gắng sắp xếp, tề tựu về đây vào mỗi dịp tháng Bảy để được thắp nén nhang cho những đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này”, ông Hải rưng rưng.

3. Chiến tranh đi qua, nhiều thương binh, bệnh binh trở về cuộc sống đời thường với thân thể không lành lặn. Họ đã sống tiếp cuộc đời cao đẹp, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

Đối với người dân thôn Mai Lãnh Hữu, xã Sơn Mai, ông Đinh Bá (thương binh 3/4) là già làng uy tín, luôn đi đầu trong các phong trào hiến đất mở đường, xây dựng nông thôn mới. Với tâm niệm “việc làng, đất vàng cũng hiến”, những năm qua, ông Bá đã hiến khoảng 5.000m2 đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn. Từ sự đóng góp của ông Bá, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn của địa phương đã được mở rộng, bê tông, thuận lợi cho việc đi lại. Trong đó, nổi bật là tuyến đường dài khoảng 1,5km, nối từ Tỉnh lộ 624 vào khu sản xuất của người dân thôn Mai Lãnh Hữu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển nông, lâm sản.

Tuyến đường do cựu chiến binh Đinh Bá, ở thôn Mai Lãnh Hữu, xã Sơn Mai hiến hơn 4.000m2 đất để mở rộng. Ảnh: Ý THU

Tuyến đường do cựu chiến binh Đinh Bá, ở thôn Mai Lãnh Hữu, xã Sơn Mai hiến hơn 4.000m2 đất để mở rộng. Ảnh: Ý THU

Lặng lẽ thắp nén hương trên từng phần mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã, cựu chiến binh Trương Quý, ở thôn An Sơn, xã Phước Giang mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng giọng trầm buồn. "Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xa xôi, cách trở. Phải tìm bằng được các anh về, để các anh được an nghỉ trên mảnh đất quê hương - đó là mệnh lệnh từ trái tim mà tôi và các đồng đội khắc ghi, kiên trì thực hiện", ông Quý xúc động nói.

Tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia năm 1983, ông Quý phụ trách thông tin tại Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 307 (Quân khu 5). Đến năm 1985, trong lúc đang làm việc thì địch bắn pháo khiến ông và nhiều đồng đội bị thương. Sau chữa trị, ông ở lại chiến trường, đến năm 1987 thì xuất ngũ về quê, tham gia công tác tại địa phương. Hơn 10 năm bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, ông Quý và đồng đội đã quy tập được 9 hài cốt liệt sĩ, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Trong đó, có nhiều hài cốt liệt sĩ, ông cùng đồng đội phải lặn lội khắp các chiến trường xưa, để tìm kiếm, cất bốc, quy tập. Trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chỉ cần có một chút manh mối, ông Quý lại tiếp tục lên đường.

Nhớ lại ngày hài cốt của chồng mình được ông Quý tìm kiếm, đưa về quê an táng, bà Phạm Thị Thiện, ở thôn Kim Thành, xã Phước Giang ( vợ liệt sĩ Võ Quang Văn) kể, chồng tôi nhập ngũ khi con trai vừa tròn 8 tháng tuổi. Hơn 1 năm sau đó, tôi nhận được tin anh hy sinh. Cảnh mẹ góa, con côi, tôi không có điều kiện tìm kiếm hài cốt chồng mình. Năm 2016, anh Quý đã động viên, giúp đỡ gia đình tôi làm thủ tục cất bốc hài cốt của chồng tôi ở nghĩa trang thuộc tỉnh Bình Dương (nay thuộc TP.Hồ Chí Minh) quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Hành Dũng. "Nhờ có anh Quý, sau 38 năm kể từ khi con trai tôi có mặt trên cuộc đời này, cháu mới chính thức được dâng nén hương lên phần mộ của cha mình tại quê nhà", bà Thiện bùi ngùi nói.

Đ.YÊN - TR.ÂN - T.THÀNH

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/mai-ghi-nho-va-biet-on-55006.htm
Zalo