Yêu nước bắt đầu từ lòng biết ơn

Quảng Trị là vùng đất chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh - nơi mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ. Tháng Bảy hằng năm ở Quảng Trị không chỉ là dịp để tri ân mà còn là hành trình nối dài ký ức, lòng biết ơn, bổn phận của mỗi người khi được sống trong hòa bình. Đó cũng là trách nhiệm, đạo lý nhân văn với lịch sử để những người nằm xuống không bị lãng quên. Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2025), phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Quảng Trị có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ LÊ THỊ THANH về những hoạt động nghĩa tình, tri ân các anh hùng liệt sĩ trên vùng đất thiêng Quảng Trị.

Thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn - Ảnh: T.H

Thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn - Ảnh: T.H

Mảnh đất sâu nặng nghĩa tình

- Thưa đồng chí! Mỗi dịp tháng Bảy, Quảng Trị lại trở thành nơi triệu con tim cả nước hướng về với những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Với cương vị là người đứng đầu phụ trách công tác người có công. Đồng chí có thể chia sẻ ý nghĩa thiêng liêng của tháng Bảy tri ân trên mảnh đất Quảng Trị?

- Bước ra từ các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, không nơi nào trên đất nước Việt Nam có mật độ nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ nhiều như ở Quảng Trị, trong đó 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 được ví như bàn thờ liệt sĩ của Tổ quốc. Nơi đây, những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng quên mình bước vào cuộc đối đầu lịch sử với kẻ thù tàn bạo để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Họ ra đi giữa mùa xuân của cuộc đời để tên mình khắc vào đá núi, để những cái chết hóa thành bất tử, thành hồn thiêng sông núi.

Ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú đã anh dũng chiến đấu, hy sinh nằm lại trên đất mẹ quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn tâm niệm phải có trách nhiệm hơn nữa để thay mặt cả nước chăm sóc tốt phần mộ các anh hùng liệt sĩ, góp phần làm yên lòng gia đình thân nhân liệt sĩ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Công tác đền ơn đáp nghĩa với ý thức chăm sóc người có công không chỉ là bổn phận, đạo lý, trách nhiệm mà còn là vinh dự của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh. Mỗi ngọn nến được thắp lên, mỗi cành hoa đặt xuống là một lời tri ân, là một lần nhắc nhở về bổn phận của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ khi được sống trong hòa bình.

- Đồng chí có thể chia sẻ thêm về vinh dự được thay mặt cả nước chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ nằm lại trên quê hương Quảng Trị?

- Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 157 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 70.000 liệt sĩ là con em các tỉnh, thành phố trong cả nước đã không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân đang yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ và hàng chục ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy đang nằm lại ở các cánh rừng, bờ sông, ngọn suối... Mỗi hài cốt liệt sĩ được tìm thấy là hành trình đầy nước mắt. Mỗi dòng tên chưa được khắc lên trên bia mộ liệt sĩ là món nợ lịch sử, là ân tình chưa trọn.

Chúng tôi xác định việc tìm kiếm, cất bốc, truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ; giám định ADN và thực chứng để trả lại tên tuổi cho liệt sĩ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, mà là bổn phận

thiêng liêng đối với các anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi thấu hiểu không chỉ chăm sóc giấc ngủ cho liệt sĩ ở các nghĩa trang mà còn gìn giữ ký ức, giáo dục truyền thống cách mạng để sự hy sinh của thế hệ trước không bao giờ bị lãng quên. Ở Quảng Trị, không chỉ có tháng Bảy tri ân, mà 365 ngày trong năm đều là những ngày tri ân.

Ngọn nến tri ân- Ảnh: Lê Tú

Ngọn nến tri ân- Ảnh: Lê Tú

Nối dài lòng biết ơn

- Cùng với các hoạt động tri ân, chăm sóc mộ phần các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trên đất thiêng Quảng Trị, chính sách người có công với cách mạng được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Quảng Trị là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách, người có công với cách mạng khá lớn. Thống kê theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công của tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 227.000 đối tượng, hồ sơ.

Những năm qua, chính sách trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần đối với người có công được ngành chức năng và chính quyền địa phương trong tỉnh thực hiện đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Đến thời điểm tháng 7/2025, tỉnh Quảng Trị có trên 35 ngàn đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi trợ cấp hàng tháng, với tổng số tiền trợ cấp ưu đãi trên 100 tỉ đồng/tháng.

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng.

Biểu tượng cánh chim hòa bình được thắp lên ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 -Ảnh: LÊ TÚ

Biểu tượng cánh chim hòa bình được thắp lên ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 -Ảnh: LÊ TÚ

- Thời gian qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi người dân Quảng Trị. Đề nghị đồng chí cho biết kết quả nổi bật của phong trào này trên địa bàn?

- Cùng với ngân sách nhà nước, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ tôn nghiêm, sạch đẹp, phục vụ chu đáo các đoàn của Trung ương, các tỉnh, thành phố, đồng bào, chiến sĩ, thân nhân gia đình liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc đến viếng, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm của quê hương, đất nước, các phần mộ liệt sĩ đều được khói hương ấm áp.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng với các chương trình nghĩa tình, như: xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng Nhà tình nghĩa; chương trình điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng...

Có thể khẳng định, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp văn hóa đạo lý trong đời sống thường nhật của người dân Quảng Trị.

- Nếu có một lời nhắn gửi từ đất thiêng Quảng Trị nhân tháng Bảy tri ân các anh hùng liệt sĩ, đó là điều gì, thưa đồng chí?

- Cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay được đổi bằng cái giá quá đắt từ máu xương những người con ưu tú của Tổ quốc. Họ đã anh dũng chiến đấu hy sinh và có những người mang thương tật, ký ức đau buồn do chiến tranh để lại đi hết cuộc đời.

Hãy yêu đất nước bắt đầu từ lòng biết ơn những người không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và cống hiến nhiều hơn nữa. Đó là hành trình nối dài lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc nhất để xứng đáng với những người nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị vì sự thống nhất, liền mạch một dải non sông.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Hải (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/yeu-nuoc-bat-dau-tu-long-biet-on-196305.htm
Zalo