Mải đeo đuổi giấc mộng vô địch Đông Nam Á, một lần nữa thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic

Thể thao Việt Nam trắng tay rời Olympic Paris 2024. Tệ hơn, thành tích của nhiều VĐV tại sân chơi thế giới còn kém xa thành tích của chính mình.

 Lực sĩ Trịnh Văn Vinh đổ kềnh trên sàn đấu môn cử tạ. Ảnh: REUTERS

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh đổ kềnh trên sàn đấu môn cử tạ. Ảnh: REUTERS

Khi lực sĩ Trịnh Văn Vinh bước lên sàn cử tạ, nhiều người đặt hy vọng vào một thành tích vớt vát cho đoàn thể thao Việt Nam bởi đấy là một trong những nội dung cuối của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Điều thần kỳ đã không đến khi ở hạng cân 61 kg nam cả ba lần cử giật, Trịnh Văn Vinh đều thất bại và sớm bị loại dù chưa bước sang phần cử đẩy.

Thể thao Việt Nam trắng tay tại Paris

Hình ảnh Trịnh Văn Vinh nằm ngửa trên sàn đấu sau lần cử giật thứ ba bất thành cũng là một trong những hình ảnh cuối của đoàn thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic Paris 2024.

Ít ai tiếc cho Trịnh Văn Vinh dù anh là niềm hy vọng mong manh cuối cùng. Nguyên do nếu những ai theo dõi kỹ sự xuất hiện không lâu của Vinh trên sàn đấu sẽ nhận ra trước khi bước vào thi đấu, Vinh không ít lần bị trọng tài nhắc nhở về các loại băng gối, băng cổ tay lộ ra thương hiệu và bị hiểu nhầm là quảng cáo cho nhãn hàng. Điều này đã được quy định rõ đối với bộ môn, với đoàn thể thao và với VĐV. Chính việc phải liên tục điều chỉnh lại băng gối và băng cổ tay khiến tâm lý của Vinh bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là môn cử tạ luôn cần phải có độ tập trung cao.

Điều được cho là nhỏ nhặt đấy đã nói lên phần nào về sự chuẩn bị của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Nơi mà trong định hướng của những nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam vẫn xem, đó là nơi để học hỏi nhiều hơn là việc đặt trọng điểm ở sân chơi như SEA Games phải săn vàng và săn “núi” tiền thưởng.

Đến với sân chơi thế giới ở Olympic Paris, thể thao Việt Nam hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đoàn thể thao Việt Nam từng tự hào là đông và là số 1 ở sân chơi Đông Nam Á đến với Olympic lần này chỉ có 16 VĐV, trong đó có 14 VĐV vượt qua vòng loại và 2 VĐV được đặc cách ở môn điền kinh và bơi.

Con số đấy quá khiêm tốn so với Thái Lan có 51 VĐV vượt qua vòng loại (gấp 3 Việt Nam). Ngay như Philippines thường không cạnh tranh nổi top 2 Đông Nam Á ở các kỳ SEA Games cũng có đến 22 VĐV và tiếp theo là Malaysia 26 VĐV, Indonesia 29 VĐV.

Và khi số 1 Đông Nam Á thất bại ở biển lớn

Ở khu vực Đông Nam Á, nếu so các kỳ và so thành tích SEA Games thì Việt Nam thường đứng đầu, hoặc cạnh tranh ngôi nhất nhì. Riêng ở Olympic Paris 2024, Việt Nam xếp thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á.

Sự ngược ngạo này không khó để lý giải bởi ngay chính những nhà làm thể thao, những HLV và những nhà gọi là làm chiến lược cho thể thao Việt Nam chỉ chú trọng đến sân chơi rất gần là SEA Games, nơi có 11 quốc gia Đông Nam Á tranh tài. Ngay cả phần thưởng thực tế cho các VĐV đạt thứ hạng ở Việt Nam cũng “tốn kém” rất nhiều vào những bộ huy chương SEA Games hay kinh phí tập huấn đầu tư... cũng rơi vào ao làng này rất nhiều.

 Các VĐV Việt Nam tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Paris.

Các VĐV Việt Nam tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Paris.

Tại Olympic Paris 2024 thử đặt câu hỏi “Đâu là môn trọng điểm mà thể thao Việt Nam đặt ra?”, nhiều người sẽ không có câu trả lời. Cụ thể là cứ thi đấu tốt đạt chuẩn Olympic thì mừng còn không được thì lại quay về kiếm cửa ăn vàng ở SEA Games, nơi dễ có những món tiền thưởng lớn hơn.

24 năm trước, tại Olympic Sydney 2000 trước khi lên đường Taekwondo Việt Nam còn dám hứa hẹn sẽ có huy chương nhưng không biết là màu gì. 24 năm sau, chẳng ai dám hứa hẹn huy chương cho thể thao Việt Nam, mà chỉ có chung một điệp khúc sẽ cố gắng “vượt qua chính mình”.

Nhìn vào bảng xếp hạng huy chương nếu Philippines, Indonesia, Thái Lan còn vinh dự đứng trong bảng xếp hạng và đều có HCV thì số 1 Đông Nam Á - thể thao Việt Nam trắng tay, không có tên trên bảng xếp hạng. Đáng chú ý là Thái Lan ở những Olympic gần đây thường đầu tư trọng điểm vào võ mà cụ thể là Taekwondo - môn thể thao từng là thế mạnh số 1 trong khu vực Đông Nam Á của Việt Nam mà Thái Lan từng có thời gian phải sang giao lưu học hỏi.

Trong khi Thái Lan vượt mặt, lấy Taekwondo làm môn săn vàng Olympic thì tại Việt Nam nội bộ liên đoàn Taekwondo thời gian qua không giấu được những đấu đá thưa kiện tranh ghế với nhau, hỏi làm sao bộ môn từng đoạt HCB Olympic này phát triển tốt.

 Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris, ông Đặng Hà Việt. Ảnh: THU SÂM

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris, ông Đặng Hà Việt. Ảnh: THU SÂM

Sau chiếc HCV Olympic của Hoàng Xuân Vinh, đã hai kỳ Olympic thể thao Việt Nam trắng tay. Xin được hỏi sau cú hích Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam đã làm gì để phát huy thế mạnh ở môn bắn súng?

Đã đến lúc những nhà làm chiến lược của thể thao Việt Nam phải tính toán lại, thay vì cứ “dồn của” vào sân chơi dễ ăn, dễ báo cáo thành tích như SEA Games.

MINH QUANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/mai-deo-duoi-giac-mong-vo-dich-dong-nam-a-mot-lan-nua-the-thao-viet-nam-trang-tay-o-olympic-post804850.html
Zalo