Mái ấm cho đồng bào tôi

Cả nước đang bước vào đợt cao điểm '450 ngày đêm' để thực hiện chương trình hết sức nhân văn, có ý nghĩa sâu sắc là chung tay xây dựng 'Mái ấm cho đồng bào tôi'. Theo đó, mục tiêu chậm nhất tới ngày 31/12/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên dải đất Việt thân yêu của chúng ta.

Những năm qua, từ nhiều chương trình, nguồn vốn triển khai thực hiện giúp phần lớn người dân khó khăn về nhà ở có được những ngôi nhà kiên cố. Tuy nhiên, đến nay vẫn có hàng trăm nghìn hộ gia đình đang phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước còn hơn 153 nghìn nhà tạm, dột nát ở các mức độ khác nhau cần được hỗ trợ sửa chữa với nguồn kinh phí rất lớn. Nếu tính phương án hỗ trợ các hộ dân với mức 50 triệu đồng/hộ xây mới, 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, thì cả nước cần hơn 6.500 tỷ đồng.

Nhưng với mức hỗ trợ như trên thì sẽ rất khó xây dựng được nhà kiên cố trong bối cảnh giá cả vật tư, nhân công tăng cao như hiện nay. Đó là chưa kể, mức thu nhập bình quân của các vùng, miền trong cả nước là khác nhau. Vì thế, tổng kinh phí để xây dựng “mái ấm” đúng nghĩa sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thực tế, chương trình này đã được phát động từ tháng 4/2024. Tuy nhiên, việc triển khai phong trào cho thấy cần đổi mới cách làm. Đặc biệt, mục tiêu đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành chương trình đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, vì thời gian không còn nhiều. Do đó, các cấp, ngành và các địa phương cần xác định rõ đây là nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến hết năm 2025. Tuy nhiên, chỉ có quyết tâm chính trị vẫn là chưa đủ, mà chương trình này cần sự đồng lòng, chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Tại lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến năm 2025 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi: "Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít".

Có thể thấy, để thực hiện hiệu quả cao nhất chương trình này cần huy động đa dạng nguồn lực. Ngoài nguồn lực Nhà nước, thì nguồn lực xã hội hóa đóng vai trò rất quan trọng; đồng thời kết hợp nguồn lực từ chính các gia đình thụ hưởng chính sách cũng như sự hỗ trợ, giúp sức từ cộng đồng dân cư, họ hàng... Ngoài ra, sự chia sẻ, hỗ trợ của những "địa phương giàu" dành cho "địa phương nghèo hơn" cũng sẽ tạo thêm nguồn lực để thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cần cách làm linh hoạt, chủ động, sáng tạo của các ngành, địa phương trong việc xây dựng nhà (cả về thiết kế, chi phí xây dựng...) phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc và đúng đối tượng thụ hưởng.

Tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam là truyền thống quý báu, được thể hiện sinh động trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Và với chương trình đầy ý nghĩa nhân văn lần này, chúng ta cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, lan tỏa mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của dân tộc để hoàn thành mục tiêu chương trình, giúp đồng bào trên mọi miền đất nước ai cũng có mái ấm.

THANH NHƯ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/su-kien-binh-luan/202410/mai-am-cho-dong-bao-toi-bf816b7/
Zalo