Mạch nguồn văn hóa tại phố biển Sầm Sơn

Là vùng đất hội tụ biển cả, núi, sông và những giá trị văn hóa đặc sắc, TP Sầm Sơn không chỉ nổi tiếng với du lịch biển mà còn được biết đến với hệ thống lễ hội phong phú, đa dạng được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước, là dịp để cộng đồng cùng hội tụ mong cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước năm 2025.

Lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước năm 2025.

Những sắc màu văn hóa

Diễn ra vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm, lễ hội cỗ xôi cầu phúc làng Lương Trung (phường Bắc Sơn) là nghi lễ gắn với tướng quân Quang Tụy - người lập làng và giữ yên vùng cửa biển Bắc Sơn. Trong không gian trầm mặc của đình làng, từng hồi trống hội vang lên như nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, đánh thức những giá trị văn hóa sâu thẳm trong mỗi người dân nơi đây. Với sắc màu tâm linh và lòng biết ơn tiền nhân, lễ hội được tổ chức trang nghiêm với các mâm cỗ xôi được người dân tự tay chuẩn bị dâng lên trời đất và tổ tiên. Lễ hội không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn là dịp để Nhân dân đoàn kết, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với hơn 700 năm lịch sử, lễ hội Trần Triều Lục vị Tướng công (xã Đại Hùng) được tổ chức tại Khu di tích quốc gia bia chùa Kênh vào ngày 9, 10/2 âm lịch hàng năm. Đây là dịp tưởng nhớ các tướng lĩnh họ Lê - những người có công đánh giặc Nguyên - Mông ở thời Trần. Các nghi lễ rước kiệu, tế lễ được thực hiện trang trọng, cùng các trò chơi dân gian truyền thống đã tạo nên bầu không khí linh thiêng, sinh động.

Nếu các lễ hội trên tri ân các bậc tướng lĩnh, thì đền Kỳ Phúc, phường Quảng Cư lại là nơi tôn vinh các vị nữ thần, đặc biệt là Bà Triều - người dạy nghề dệt xăm súc và che chở ngư dân. Diễn ra ngày 10/2 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến dâng hương, cầu may mắn. Du khách Nguyễn Thùy Trang đến từ TP Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi dự lễ hội truyền thống ở Sầm Sơn, cảm giác rất đặc biệt, vừa linh thiêng, vừa ấm áp và đầy ý nghĩa”.

Được biết, đền Kỳ Phúc được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ năm 1999, không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là điểm nhấn của du lịch văn hóa vùng biển Sầm Sơn.

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội

Có thể nói, một trong những nét đặc sắc làm nên sức sống bền bỉ của các lễ hội truyền thống ở TP Sầm Sơn chính là sự giao thoa giữa yếu tố tâm linh và văn hóa dân gian. Các nghi thức tế lễ được tổ chức trang nghiêm, bài bản, tuân thủ nghi lễ cổ truyền, thể hiện lòng tôn kính sâu sắc với các bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, phần hội mang đậm sắc màu dân gian, vui tươi, gần gũi với các trò chơi truyền thống như kéo co, đi cà kheo, hát chầu văn, múa lân - sư - rồng... tạo nên bầu không khí lễ hội sôi động, cuốn hút cả cộng đồng tham gia. Đây cũng là dịp để người dân địa phương và du khách giao lưu, kết nối, trải nghiệm đời sống văn hóa bản địa. Mỗi lễ hội như một bảo tàng sống, nơi lưu giữ những phong tục, tập quán lâu đời được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Theo thống kê, hiện TP Sầm Sơn có trên 30 lễ hội truyền thống lớn nhỏ được tổ chức thường niên, tập trung vào dịp đầu xuân như: lễ hội đền Cá Lập (phường Quảng Tiến); lễ hội cầu ngư - bơi chải (phường Quảng Châu); lễ hội đền Đề Lĩnh (phường Trung Sơn); lễ hội bánh chưng - bánh giầy; lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước... Mỗi lễ hội đều mang đặc trưng tín ngưỡng, tâm linh riêng biệt, phản ánh đời sống văn hóa phong phú và truyền thống tôn kính tổ tiên của người dân vùng biển.

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức lễ hội, TP Sầm Sơn còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tư liệu, phục dựng nghi lễ cổ, mở các lớp truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Các trường học tại địa phương cũng đưa nội dung tìm hiểu lễ hội vào hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn Bùi Quốc Đạt chia sẻ: “Các lễ hội truyền thống ở Sầm Sơn không chỉ mang giá trị tín ngưỡng mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển. Điểm nổi bật của các lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa nghi lễ cổ truyền với đời sống sinh hoạt cộng đồng, tạo nên không gian văn hóa vừa linh thiêng, vừa gần gũi”.

Cũng theo ông Đạt, việc bảo tồn lễ hội không chỉ giữ lại hình thức, mà quan trọng hơn là gìn giữ được hồn cốt, bản sắc và truyền thống trong từng nghi lễ, lời văn, điệu nhạc, trang phục... Thành phố đã và sẽ tiếp tục khuyến khích cộng đồng cùng tham gia vào quá trình phục dựng, truyền dạy các yếu tố văn hóa phi vật thể trong lễ hội. Việc bảo tồn phải đi đôi với phát huy và phát huy phải có chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, có bản sắc riêng của Sầm Sơn. Đó cũng chính là cách để lễ hội không bị “bảo tàng hóa”, mà thực sự sống trong đời sống người dân hôm nay.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mach-nguon-van-hoa-tai-pho-bien-sam-son-36775.htm
Zalo