Mạch nguồn truyền thống quê hương Tứ Tổng
Tiết trời đông lạnh giá, chúng tôi cùng ông Nguyễn Thế Nghiệp, nguyên Trưởng phòng Tin tổng hợp, Ban biên tập Tin thế giới, Thông tấn xã Việt Nam đến thăm ông Hoàng Đức Sinh để tìm hiểu về truyền thống cách mạng quê hương.
Cả hai ông đều sinh ra trên mảnh đất Tứ Tổng (nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Ông Hoàng Đức Sinh là con trai của đồng chí Hoàng Văn Nhân, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thợ xẻ ở Tứ Tổng, sớm được cán bộ giác ngộ cách mạng, trở thành bí thư đầu tiên của tổ chức đảng ở vùng Tứ Tổng, Quảng An, Nhật Tân, Võng Thị trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hai bậc cao niên dẫn chúng tôi đi trên đường Âu Cơ được nâng cấp rộng rãi. Trong niềm vui xốn xang về sự đổi thay, hai ông nhắc đến những sự kiện lịch sử của quê hương. Đó là ngày 25-1-1947, Đội tự vệ Tứ Tổng dưới sự chỉ huy của ông Phan Hữu Mậu, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu A phục kích hai bên đê, đánh trả quyết liệt trận càn của quân Pháp.
Trên phố Tứ Liên có bia di tích ghi nhớ sự kiện Trung đoàn Thủ Đô lui quân sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường. Là cán bộ nghiên cứu lịch sử Thủ đô, ông Hoàng Đức Sinh nắm rõ các sự kiện trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đã chia sẻ với chúng tôi: “Khi nhận được nhiệm vụ từ Bộ chỉ huy mặt trận, đơn vị tự vệ và nhân dân Tứ Tổng đã huy động thuyền tới bến đò này. Người dân khu B sinh sống ở bãi giữa thạo luồng lạch, có thuyền nên hằng ngày chèo đò qua lại khu A. Đêm 17-2-1947, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đến địa điểm tại khu A cách nơi đóng quân của thực dân Pháp tại đình Nội Châu chừng 500m. Mọi người ẩn mình trong nương dâu, bãi ngô. Tối 18-2, nhân dân Tứ Tổng chèo đò đưa 1.200 cán bộ, chiến sĩ qua sông an toàn”.
Đến thăm đình Tứ Liên có tấm bia ghi công các liệt sĩ. Xem tới hàng tên du kích hy sinh khi chở đò đưa Trung đoàn Thủ Đô qua sông, ông Sinh thông tin thêm: “Đêm đó, tiểu đội nghi binh của Trung đoàn đến muộn. Đợi lâu thì lỡ thời cơ nên ông Gia Thìn-phụ trách du kích làng Ngọc Xuyên hô hào người chèo đò đưa bộ đội qua sông. Khi ấy, hai anh Nguyễn Văn Giai và Trần Văn Hán chạy nhanh xuống thuyền. Anh Nguyễn Văn Diệu, người chèo đò bến Đạc Ba xin tham gia với lý do thạo luồng lạch nhất. Hoàn thành nhiệm vụ, đò quay về bến thì máy bay Pháp phát hiện, bắn vãi đạn. Thuyền trúng đạn, thủng nhiều lỗ to. Anh Nguyễn Văn Giai và anh Nguyễn Văn Diệu hy sinh”.
Nhớ về lịch sử, những người con của mảnh đất Tứ Tổng thêm tự hào về truyền thống quê hương cách mạng. Nơi đây còn có bia lưu niệm khắc sâu lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm địa danh lịch sử ngày 6-1-1992: “Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô và riêng bản thân tôi không bao giờ quên công lao đồng bào các xã Tứ Liên, Ngọc Thụy đã dùng thuyền đưa các chiến sĩ quyết tử Hà Nội an toàn vượt khỏi vòng vây của quân Pháp trong những ngày kháng chiến toàn quốc (tháng 2-1947) và sau đó đã anh dũng chống lại cuộc càn quét khốc liệt của giặc. Đồng bào và chiến sĩ Tứ Tổng hãy phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, dũng cảm và thông minh sáng tạo xây dựng quê hương giàu đẹp theo con đường Bác Hồ đã chọn”.