Mắc cúm như Từ Hy Viên khi du lịch Nhật Bản, phải làm sao?

Nhật Bản cung cấp 2 công cụ tư vấn y tế nhằm đảm bảo an toàn cho khách quốc tế khi đi du lịch tại quốc gia này sau vụ việc diễn viên Từ Hy Viên qua đời.

 Từ Hy Viên tham dự sự kiện giới thiệu bộ phim Guisi của đạo diễn Đài Loan Chao-Pin Su tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 59 ngày 24/5/2006. Ảnh: Eric Gaillard/Reuters.

Từ Hy Viên tham dự sự kiện giới thiệu bộ phim Guisi của đạo diễn Đài Loan Chao-Pin Su tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 59 ngày 24/5/2006. Ảnh: Eric Gaillard/Reuters.

Thông tin Từ Hy Viên qua đời vì bệnh cúm mùa và viêm phổi khi đi du lịch Nhật Bản đang gây rúng động showbiz Hoa ngữ. Theo ET Today, "Đại S" cùng gia đình tới Nhật Bản du lịch hôm 29/1 (mùng 1 Tết). Khuya 1/2 (mùng 4 Tết), cô rơi vào tình trạng nguy kịch và tiếp tục được đưa đi cấp cứu. Đến 7h ngày 2/2, nữ diễn viên qua đời trong vòng tay của người thân.

Sự việc Từ Hy Viên qua đời ngay trong chuyến du lịch đầu năm tại Nhật Bản càng làm dấy lên lo ngại về vấn đề y tế khi đi du lịch nước ngoài.

Ngày 4/2, tờ Liberty Times của Đài Loan (Trung Quốc) dẫn nguồn từ Vlog của một YouTuber người Đài Loan tên Alan, người đã sống ở Nhật Bản trong thời gian dài, về cách bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch Nhật Bản.

Theo Alan, môi trường y tế ở Nhật Bản và các nước rất khác nhau. Chi phí điều trị tại Nhật cho khách du lịch nước ngoài thường sẽ cao hơn. Ngay cả đối với cảm lạnh thông thường, chi phí có thể cao hơn nhiều so với dự kiến. Vì vậy, Alan khuyến cáo du khách ngoài việc mua bảo hiểm du lịch cũng nên tải trước các ứng dụng về dịch vụ y tế trực tuyến để phòng trường hợp khẩn cấp.

 Người đi bộ đi qua tòa nhà Bộ Tài chính ở Tokyo ngày 13/3/2009. Ảnh: Toru Hanai/Reuters.

Người đi bộ đi qua tòa nhà Bộ Tài chính ở Tokyo ngày 13/3/2009. Ảnh: Toru Hanai/Reuters.

Trong đó, ứng dụng "Safety tips APP" là ứng dụng chính thức của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) mà du khách nên tải. Ứng dụng này được thiết kế nhằm cung cấp thông tin về vấn đề hướng dẫn an toàn và phòng ngừa thảm họa theo thời gian thực cho khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.

Ứng dụng cung cấp các thông tin về bệnh viện, phòng khám gần nhất nơi lưu trú, cho phép du khách nhanh chóng tìm thấy nơi an toàn hoặc nguồn lực y tế. Không chỉ y tế, Safety tips APP còn cập nhật, thông báo các trường hợp khẩn cấp như động đất, bão, sóng thần để người dùng nắm được tình hình thiên tai tại địa phương.

Ngoài ra, ứng dụng "OH Dr. Online Medical Service" cũng là nền tảng y tế từ xa được thiết kế dành riêng cho người nước ngoài. Du khách có thể tiến hành điều trị y tế trực tuyến với bác sĩ thông qua điện thoại di động và giao tiếp bằng Trung, giúp giảm đáng kể những rắc rối do rào cản ngôn ngữ gây ra.

Nếu cần thiết, bác sĩ có thể trực tiếp kê đơn thuốc và giao thuốc đến tận nơi cho du khách, thậm chí còn hỗ trợ sắp xếp các cơ sở y tế gần đó để đảm bảo du khách có thể nhanh chóng nhận được phương pháp điều trị phù hợp.

 Nhật Bản có chi phí điều trị y tế cao đối với cả những bệnh phổ biến, thông thường. Ảnh: Issei Kato/Reuters.

Nhật Bản có chi phí điều trị y tế cao đối với cả những bệnh phổ biến, thông thường. Ảnh: Issei Kato/Reuters.

Bên cạnh đó, JNTO cũng có một trang web hướng dẫn y tế đa ngôn ngữ gồm tiếng Trung, Anh, Nhật, Hàn. Du khách có thể sử dụng trang web để tìm kiếm các cơ sở y tế, hướng dẫn y tế và hướng dẫn du lịch nước ngoài.

Lưu ý, du khách mắc bệnh khi đang đi du lịch tại Nhật Bản nên cầm theo bảo hiểm, điện thoại liên lạc khẩn cấp cùng các giấy tờ tùy thân khác để đảm bảo có thể nhận được hỗ trợ y tế cần thiết.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mac-cum-nhu-tu-hy-vien-khi-du-lich-nhat-ban-phai-lam-sao-post1529257.html
Zalo