Mắc bệnh hiểm nghèo, mong lên thẳng tuyến trên

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Một trong nhiều nội dung sửa đổi, đó là quy định bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh phải sử dụng kỹ thuật cao (sau đây gọi chung là bệnh hiểm nghèo) được lên thẳng cấp chuyên môn cao mà không cần theo trình tự khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế như hiện hành.

Tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định danh mục các bệnh hiểm nghèo có nhiều loại, như: Ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, teo cơ tiến triển, hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết, bỏng nặng, liệt hai chi, mù hai mắt, đột quỵ, chấn thương sọ não nặng, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, ghép cơ quan (ghép tim, gan, thận), Alzheimer, suy gan, suy thận... Về cơ bản, đó là những bệnh mà tuyến dưới, tuyến cơ sở khó hoặc không có khả năng điều trị.

 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Intenet

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh: Intenet

Việc quy định sửa đổi như dự thảo luật được đánh giá có nhiều ưu điểm. Cùng với các quy định khác, dễ nhận thấy đó là tinh thần cải cách hành chính đã được đưa vào dự thảo luật khá tích cực. Trên thực tế, dù đã có nhiều cải cách hành chính nhưng thủ tục khám, chữa bệnh, thủ tục chuyển tuyến vẫn là vấn đề gây rất nhiều mệt mỏi cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Nhiều trường hợp vì ngại làm thủ tục theo quy trình để được chuyển tuyến, hưởng bảo hiểm y tế, người bệnh đã chấp nhận tự chịu chi phí chữa bệnh ở tuyến trên.

Mặt khác, quy định mới nếu được thông qua, không chỉ giảm công sức, chi phí, thuận tiện cho người bệnh mà còn giảm chi phí cho chính Quỹ Bảo hiểm y tế đang phải chi trả bởi đã bớt được khâu trung gian. Theo quy định hiện hành, người mắc bệnh hiểm nghèo khi muốn chuyển lên tuyến trên điều trị các bệnh này vẫn phải thực hiện theo trình tự là khám bệnh, lấy giấy chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến này có giá trị trong một năm. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân phải điều trị bệnh hiểm nghèo trong nhiều năm, thậm chí cả đời. Bởi thế, khi đã được xác định mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi lần nhập viện, việc bệnh nhân cứ phải qua tuyến cơ sở giới thiệu lên là không cần thiết, rất phiền hà.

Dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định của dự thảo luật là tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, giảm chi phí chi trả nhưng phải xây dựng được căn cứ xác định chặt chẽ bằng các nguyên tắc, tiêu chí để xác định rõ những bệnh chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được. Điều này là nhằm tránh quá tải cho tuyến trên, tuyến cuối, đồng thời cũng nâng cao trình độ chuyên môn cho tuyến cơ sở. Đồng thời, tránh tình trạng quy định ban hành nhưng lại tạo lỗ hổng để người bệnh dồn lên tuyến trên, hay lợi dụng quy định để trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là lợi dụng quy định để tạo ''cơ chế" xin-cho.

Phải đến các cơ sở y tế điều trị là bất đắc dĩ với người bệnh, bởi thế, việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm công sức, chi phí, giảm sự phiền hà cho người bệnh cần phải trở thành quyết tâm cao của ngành y tế nói riêng, toàn xã hội nói chung.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mac-benh-hiem-ngheo-mong-len-thang-tuyen-tren-796901
Zalo