Ma túy và những hệ lụy (bài 1)
Những năm qua, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh, phòng chống có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.
Ma túy là hiểm họa của con người, làm kiệt quệ về kinh tế, hủy hoại sức khỏe người nghiện, suy kiệt giống nòi, để lại theo nhiều hệ lụy dai dẳng mãi về sau. Nguy hiểm hơn, ma túy được xác định là nguồn phát sinh các loại tội phạm, trộm cắp, cướp giật tài sản, thậm chí giết người… Những năm qua, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều kế hoạch, giải pháp đấu tranh, phòng chống có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.
![Học viên tại các cơ sở cai nghiện sau cắt cơn được bố trí học nghề thủ công.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51435737/15e361ac5ae2b3bceaf3.jpg)
Học viên tại các cơ sở cai nghiện sau cắt cơn được bố trí học nghề thủ công.
Đại tá Dương Văn Tiến - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa từng nói rằng, gia đình nào có người nghiện ma túy là bất hạnh, khu phố nào có người nghiện là bất an, dòng họ nào có người nghiện là bất ổn…
Tan cửa, nát nhà vì ma túy
Ma túy đến với người nghiện bằng nhiều con đường, phương thức, cách tiếp cận khác nhau nhưng có điểm chung là hủy hoại sức khỏe, làm suy kiệt tiềm lực kinh tế người nghiện, tan vỡ hạnh phúc gia đình và hàng loạt hệ lụy khác.
Đã từng có một gia đình êm ấm với hai đứa con xinh xắn nhưng vợ chồng anh Cao Thanh H (SN 1986), quê ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa phải chia rẽ đường ai nấy đi, vì anh H nghiện ma túy không dứt ra được. Gặp chúng tôi trong khuôn viên Cơ sở cai nghiện số 2 (thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa), H kể, ở vùng miền núi xa xôi nghèo nàn nhưng H cố gắng học tập rồi thì đỗ vào một trường Cao đẳng nghề điện ở Thái Nguyên. Xa quê hương đi học H không làm chủ được tuổi trẻ, thường xuyên giao du với đám bạn bè xấu nên đã dính đến ma túy lúc nào không hay. Trở về quê cưới vợ, sinh con, mỗi ngày đi làm thuê được 300.000 đến 400.000 đồng H đều dùng mua ma túy để sử dụng, không lo được kinh tế cho gia đình.
Cũng từ đó gia đình lục đục, tình cảm vợ chồng bất hòa, người thân xa lánh. Năm 2015, H đi cai nghiện nhưng khi về nhà vợ chồng tiếp tục mâu thuẫn, xích mích, H tiếp tục tìm đến ma túy không dứt ra được, khiến người vợ dứt áo ra đi. “Sau 6 năm dính ma túy em đã mất hết tất cả, tiền của không có, sức khỏe suy kiệt, hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái, vợ chồng ly tán, em hối hận lắm…”, H ngậm ngùi.
Anh Hà Văn Th (SN 1996), quê ở xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước là học viên thuộc diện cai nghiện bắt buộc 24 tháng tại Cơ sở cai nghiện số 2 (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) nói rằng, anh ta biết đến ma túy từ ngày còn đi làm công nhân một khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh cách đây hơn 4 năm. Trước khi đi cai nghiện tập trung, mỗi ngày Th phải “đốt” từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng mua heroin để sử dụng. Không có ma túy toàn thân Th như cái xác không hồn, buồn rầu, ủ rũ, không muốn đi đâu, không muốn làm gì, chỉ nghĩ đến ma túy, khi lên cơn thì vật vã trong đau đớn. Cũng vì ma túy mà vợ chồng Th bất hòa, lục đục, nhiều lần người vợ đã đệ đơn ra tòa đòi ly hôn… “Lần này em về quyết tâm cai nghiện cho bằng được, nếu không vợ sẽ bỏ…”, Th tỏ thái độ đầy quyết tâm.
Là em út trong gia đình có bốn anh chị em, được nuông chiều từ nhỏ, Nguyễn Văn T (SN 1993), quê Hậu Lộc, Thanh Hóa chỉ học hết lớp 7 rồi theo bạn bè xấu chơi bời và dính đến ma túy. Không có việc làm ổn định, không có tiền mua ma túy, có lần T đã lấy trộm một chiếc ti vi và bị Công an bắt, sau đó bị kết án 6 tháng tù giam. T nói rằng: “Sau đợt cai này, em dự định đi một nơi xa để làm ăn, tránh gặp lại những người bạn cũ…”.
Ông Trương Hải Dương - Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 2, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trung tâm hiện có khoảng 200 học viên đang cai nghiện tại đây. Quy trình cai nghiện sẽ được thực hiện theo các bước từ cắt cơn, phục hồi sức khỏe, chăm sóc y tế và sau đó đưa xuống phòng tập trung để học viên lao động, học nghề (may, xây dựng, cơ khí, điện dân dụng…). Các học viên sau khi cai nghiện đều trở lại bình thường, tuy nhiên nhiều người đã tái nghiện, trở lại cơ sở ngay sau khi trở về địa phương không lâu, có người đã cai nghiện 6 lần nhưng vẫn không bỏ được.
Theo ông Dương, để người nghiện cai nghiện thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, sự quyết tâm, nghị lực của chính bản thân người nghiện ma túy đóng vai trò tiên quyết, nhưng sự chung tay, giúp đỡ của gia đình, cộng đồng là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công. Người sau cai nghiện luôn cần cộng đồng, xã hội tạo điều kiện để được sửa chữa lỗi lầm, làm người có ích... Sự chia sẻ này cũng sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Rũ bỏ “cái chết trắng”
Được sự giúp đỡ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa và Cơ sở cai nghiện số 1, tỉnh Thanh Hóa chúng tôi có dịp gặp gỡ vợ chồng anh Nguyễn Thái Trung (SN 1979), ở huyện Quảng Xương vào một ngày cuối năm 2024. Nhìn cơ ngơi khang trang có giá trị hàng chục tỷ đồng giữa vùng quê yên bình, ít ai biết anh Trung từng là người nghiện ma túy nặng lâu năm.
![Để người nghiện cai thành công là điều không hề dễ dàng, nhất là người nghiện lâu năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51435737/c153411d7a53930dca42.jpg)
Để người nghiện cai thành công là điều không hề dễ dàng, nhất là người nghiện lâu năm.
Anh Trung sinh ra ở TP Thanh Hóa, nhà có 3 anh em, bố mẹ làm nghề kinh doanh buôn bán mỹ phẩm nên điều kiện kinh tế khá giả. Đang học dở lớp 10 thì anh Trung bỏ bê theo đám bạn xấu chơi bời, tuổi 17 đã dính đến ma túy. Mỗi lần cần ma túy phải ra Hà Nội mua về sử dụng và cả bán lại kiếm lời, chính vì anh Trung dính án 30 tháng tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy.
“Thời điểm năm 1996 - 1997, khi đó ma túy đang còn mới, chúng tôi chưa biết nhiều tác hại của ma túy, ban đầu thì hít, khi đô cao hơn thì chích, cứ nghĩ khi nào phải nằm bàn đèn thì mới gọi nghiện...”, anh Trung cho hay. Dù đã đi cai nghiện tự nguyện nhiều lần cả cưỡng chế, bắt buộc nhưng ra trại không bao lâu anh Trung tiếp tục tái nghiện, chỉ đến khi được vợ thức tỉnh bằng quan hệ cha con, tình ruột thịt, anh Trung mới tỉnh ngộ, rủ bỏ, đoạn tuyệt với ma túy.
Chị Chu Thị Tâm (SN 1977), vợ anh Trung nói, “trước anh còn sử dụng lén lút nhưng khi có vợ anh sử dụng ngang nhiên, công khai hơn…”. Khi con đầu được khoảng 2 tháng tuổi, những cơn vật vã thiếu thuốc của anh Trung vẫn diễn ra triền miên. Khuyên can không được, chị Tâm quyết định, “nếu mà anh không bỏ được ma túy thì em sẽ xin phép bố mẹ, xin phép anh cho em về bên nhà ngoại chứ em không thể để con em lớn lên suốt ngày thấy cảnh bố như thế này nữa…!”.
Lúc đó anh Trung cầu xin vợ cho thêm một cơ hội, sẽ vì con để quyết tâm cai nghiện, đó là khoảng vào tháng 9/2006. “Sau khi ở trung tâm về, thời gian đầu tôi gửi con bên ngoại, kèm cặp chồng không rời nửa bước, đi đâu cùng đi, làm gì cùng làm không rời anh… Có nhiều bạn bè lúc ấy cũng kích động nhưng tôi động viên nhiều, nếu anh theo bạn thì bao nhiêu công sức hai vợ chồng cố gắng sẽ đổ sông, đổ biển hết, gia đình cũng tan nát. Anh Trung dần tỉnh ngộ, bạn bè xấu biết quyết tâm của anh nên họ dần rời xa, không còn níu kéo anh nữa. Không những bản thân rủ bỏ được “cái chết trắng” mà anh Trung sau đó còn giúp đỡ được 2 người bạn cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời”, chị Tâm cho hay.
Tiếp xúc ma túy từ khi 18 tuổi (năm 1997), đến 2001 cưới vợ vẫn nghiện ma túy nặng, phải đến 2006 anh Nguyễn Văn Tâm ở phường Rừng Thông, TP Thanh Hóa mới cai nghiện thành công. “Để đoạn tuyệt được ma túy là cả một hành trình dài nhưng không có sự quan tâm, tình yêu thương của vợ thì chắc tôi không làm được”, anh Tâm chia sẻ. Nhớ lại quãng thời gian “chung lưng đấu cật” với chồng đoạn tuyệt với ma túy, chị Doãn Thị Lan (SN 1981), vợ anh Tâm vẫn không khỏi bùi ngùi, biết bao lần anh đi cai nghiện xong, về nhà một thời gian tái nghiện, chị Tâm không dám sinh thêm con.
“Mỗi khi lên cơn nghiện, anh ấy đòi tiền không cho là anh lăn lóc vật vã, gây đủ chuyện, đánh vợ, đuổi con… Có hôm tôi và bà bác đang làm hàng để bán, ông ấy cầm dao vào chặt đôi cái ti vi, tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Những lúc như vậy, người anh ấy không còn một lý trí nào hết, khi đó chỉ đòi tiền để đi mua thuốc mà thôi… Có đợt, hai vợ chồng cãi nhau to, tôi xác định bỏ nhau, tôi về ngoại được mấy hôm thì anh cầu xin tôi quay lại nuôi con. Bỏ thì thương, vương thì tội, những lúc anh vật vã mấy ai biết, thấy cảnh đó thương lắm, mình không cứu giúp thì không ai cứu anh cả, tôi đành tạo điều kiện cho anh cai 6 tháng nữa. Điều đặc biệt là đi cai được 3 tháng anh gọi điện xin về, dù anh em họ hàng không cho, tôi giấu đi làm giấy tờ bảo lãnh, kể từ đó anh đoạn tuyệt hẳn ma túy…” chị Lan chia sẻ.
Từ câu chuyện “rủ bỏ” ma túy của anh Trung và anh Tâm cho thấy, để người nghiện cai thành công là điều không hề dễ dàng, nhất là người nghiện lâu năm. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là người nghiện sau cai trở về địa phương, cộng đồng mang tâm lý tự ti, không có công ăn việc làm, thiếu người động viên giám sát lại được bạn bè rủ rê, lôi kéo dễ tái nghiện.