Ma túy tổng hợp 'tấn công' người trẻ
Để bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của ma túy, khi ngày càng có nhiều loại ma túy tổng hợp mới du nhập vào Việt Nam thì việc nâng cao nhận thức người dân về tác hại và hiểm họa của ma túy cần được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân, gia đình đều có thể bảo vệ con em mình tránh xa hiểm họa củ
Trung bình mỗi năm, tỷ lệ người sử dụng ma túy ở Việt Nam tăng từ 5% đến 7%. Đáng báo động là tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần đã để lại những hậu quả nặng nề cho xã hội. Trước tình trạng số người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng và độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa thì việc “Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” là việc không của riêng ai.
32 tuổi đời, 8 năm chìm đắm trong ma túy và 10 lần cai nghiện không thành công, hơn ai hết, anh Nguyễn Hoàng Điệp, ở huyện Đông Anh, Hà Nội hiểu được cái giá quá đắt và sự nguy hiểm mà ma túy gây ra cho những ai trót lầm lỡ, sa chân vào “cái chết trắng”. Anh Điệp kể, sinh ra trong một gia đình khá giả, học cấp 3 anh bị bạn bè rủ rê và nhanh chóng đi vào con đường sai trái. Anh liên tục trốn học, nói dối bố mẹ để xin tiền tụ tập chơi game, thậm chí có lần anh cùng nhóm bạn tổ chức cướp xe máy nhưng không thành và bị xử án tù treo 3 năm. Cuộc sống lang bạt và rồi anh trở thành con nghiện lúc nào không hay. Thế nhưng, bằng ý chí, quyết tâm của bản thân cùng với sự đồng hành của gia đình và người thân, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Điệp đã đoạn tuyệt với ma túy, xây dựng cho mình một tương lai tươi sáng. Hiện anh là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Thiên Ân Haeun.
Đã có những người cai nghiện thành công như anh Điệp, song tỷ lệ đó còn rất khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 8 năm nay, cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15 tuổi.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) cho biết, trong tổng số 95% người sử dụng ma túy túy tổng hợp thì có tới 70 - 75% người trong độ tuổi 17 - 35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên. Có thể thấy học sinh, sinh viên là những đối tượng trẻ tuổi, dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới nên đã và đang trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.
Đáng báo động là số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (hay còn gọi là ATS) gia tăng nhanh chóng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine chiếm 60 đến 70% trong tổng số người nghiện. Lứa tuổi sử dụng ma túy đá có xu hướng trẻ hóa rất nhanh.
Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học cảnh báo, với những đối tượng sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp gây ra chứng loạn thần, gây ra sự ảo thị, ảo giác, ảo thanh, ảo xúc giác và đẩy người ta rơi vào trạng thái mất hoàn toàn hoặc mất một phần khả năng điều chỉnh hành vi.
Theo ông Hiếu, có một nhận thức rất sai lầm trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, đó là các bạn cho rằng các loại ma túy như Ke, Đá, Kẹo, Cỏ không gây nghiện, thậm chí không phải ma túy nên nhiều ung dung sử dụng. Dẫn đến việc người nghiện không còn khả năng nhận thức bình thường. Trong đó,có những con nghiện thực hiện hành vi tàn độc, giết hại người thân xung quanh mình.
Đối với người nghiện ma túy, việc hỗ trợ cai nghiện là giải pháp cơ bản để họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiếc rằng, các hình thức cai nghiện được áp dụng phổ biến hiện nay đều bộc lộ sự những bất cập. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, mạng lưới 110 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 13 cơ sở cai nghiện ngoài công lập trên phạm vi cả nước đang điều trị cai nghiện cho khoảng 35.000 người. Tuy nhiên, nếu so với công suất của các cơ sở cai nghiện ma túy tính theo quy định của Nghị định 116 thì thực tế các cơ sở hiện có mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Số người cai nghiện tập trung ít hơn nhiều so với số người sống ngoài cộng đồng, nhưng việc cai nghiện tại cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn do người nghiện và gia đình không tự khai báo, không đăng ký, không hợp tác.
Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã tạo điều kiện cho người nghiện ma túy được lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp và cũng huy động tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để tham gia vào quy trình cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện các quy định mới của Luật tại địa phương đang gặp một số những khó khăn vướng mắc.
Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, theo bà Thu, người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo đăng ký cai nghiện ma túy cũng không có khả năng đóng góp chi phí cho cai nghiện ma túy. Việc theo dõi và quản lý tiếp nhận, cảm hóa, giáo dục đối với người nghiện thì gặp khó khăn vì họ thường xuyên không có mặt tại nơi cư trú.
Ngoài ra, phần lớn các cơ sở y tế thuộc ngành y cấp xã, cấp huyện đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhưng không tham gia cung cấp dịch vụ cai nghiện, vì các cơ sở này không được giao chức năng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mới được hình thành theo Nghị định 116 nên chưa được đào tạo, tập huấn chuyên môn về tư vấn cai nghiện ma túy. Trong khi cán bộ phụ trách hoạt động hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản thì hình thức điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã chưa được nhân rộng. Việc thí điểm cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Cedemex bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng khó nhân rộng vì chi phí khá cao…
Để phần nào khắc phục khó khăn này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu thực tế, công tác điều trị, cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy là công việc hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kể cả về y tế, tâm lý xã hội. Trước tình trạng người nghiện ma túy gia tăng, đột tuổi sử dụng ngày càng trẻ hóa thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện và xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện ma túy, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người điều trị dựa vào cộng đồng để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa hiệu quả người nghiện mới. Điều đó đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đoàn thể phải có hành động thiết thực, đặc biệt mọi người cần chung tay giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.
Để bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của ma túy, khi ngày càng có nhiều loại ma túy tổng hợp mới du nhập vào Việt Nam thì việc nâng cao nhận thức người dân về tác hại và hiểm họa của ma túy cần được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân, gia đình đều có thể bảo vệ con em mình tránh xa hiểm họa của ma túy trước khi quá muộn.