Ma túy 'ẩn mình' trong những gói hàng vô hại
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, khó lường. Các đối tượng thường lợi dụng phương tiện vận chuyển hợp pháp như xe khách, xe ôm công nghệ, dịch vụ giao hàng… để cất giấu ma túy trong các gói hàng có hình thức đơn giản, gửi đi với mức cước thông thường, khiến cả người vận chuyển lẫn lực lượng chức năng rất khó phát hiện, xử lý kịp thời.

Phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự về ma túy do TAND huyện Chi Lăng tổ chức tại Nhà văn hóa xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng
Theo thống kê của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2025 (từ ngày 1/10/2024 đến ngày 31/3/2025), TAND hai cấp đã xét xử 172 vụ với 240 bị cáo liên quan đến tội phạm ma túy, tăng 2,9% số vụ so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng của các vụ án xét xử các đối tượng có hành vi vận chuyển ma túy qua các phương tiện dân sự, với quy mô và mức độ tổ chức ngày càng tinh vi, có xu hướng lan rộng từ thành phố Lạng Sơn đến nhiều huyện như Chi Lăng, Văn Lãng, Cao Lộc...
Đơn cử, tại huyện Chi Lăng, trong vòng chưa đầy một tháng, TAND huyện đã đưa ra xét xử lưu động hai vụ án hình sự liên quan đến tội phạm ma túy có thủ đoạn cất giấu, vận chuyển “chất cấm” hết sức đơn giản, tưởng chừng khó tin.
Cụ thể, ngày 24/3/2025, TAND huyện Chi Lăng tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đối với các bị cáo Lâm Tuấn Vũ (sinh năm 2000), Hoàng Văn Phong (sinh năm 2001) và Lâm Minh Nghĩa (sinh năm 1999), cùng trú tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng. Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận đã mua ma túy tại thành phố Bắc Giang, sau đó giấu trong áo khoác và gửi xe khách về huyện Chi Lăng như một gói hàng thông thường. Tài xế xe khách không hay biết gì về hàng hóa bên trong gói hàng.
Chỉ ba tuần sau, ngày 17/4/2025, TAND huyện tiếp tục xét xử lưu động vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1984, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cùng ba đồng phạm ở huyện Chi Lăng. Qua điều tra và khai nhận tại tòa, Huyền được xác định là đối tượng cầm đầu, đã ngụy trang ma túy trong hộp giấy ăn bọc vào áo chống nắng rồi đóng thùng carton gửi xe khách đi tiêu thụ dễ dàng mà không cần phải đến tận nơi.
Anh Vi Văn Hoàng (sinh năm 1989, trú tại xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng), một tài xế xe khách chia sẻ: Làm nghề lái xe khách tuyến cố định đã nhiều năm, tôi vận chuyển hàng hóa mỗi ngày nên với những gói hàng nhỏ, trông có vẻ đơn giản thì tôi thường chủ quan, không kiểm tra kỹ. Khi bị công an mời lên làm việc với lý do gói hàng tôi trả khách có chứa ma túy, tôi thực sự bất ngờ và hoang mang. Dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng những ngày phối hợp điều tra rất căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, công việc và gia đình tôi.
Không riêng huyện Chi Lăng, theo thống kê chưa đầy đủ từ hoạt động xét xử của TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, trung bình cứ 10 vụ án về ma túy được đưa ra xét xử thì có 3 đến 4 vụ liên quan đến hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thông qua các phương tiện dân sự như xe khách, xe ôm công nghệ, giao hàng nhanh…
Ông Chu Long Kiếm, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh nhận định: Thực tiễn xét xử gần đây cho thấy, các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng phương thức vận chuyển trung gian để đưa ma túy đến tận tay người dùng, dưới vỏ học hàng hóa thông thường, gây khó khăn trong công tác phát hiện. Những người vận chuyển bị liên đới thường không bị xử lý hình sự nếu chứng minh được bản thân không biết, không tham gia vào tội phạm, nhưng việc bị triệu tập hay tạm giữ để điều tra vẫn ảnh hưởng lớn đến uy tín và tâm lý cá nhân. Vì vậy, việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức là rất cần thiết.
Nhằm góp phần phòng ngừa tội phạm ma túy từ sớm, từ xa, TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động gắn với tuyên truyền pháp luật. Từ ngày 1/10/2024 đến ngày 31/3/2025, đã có hơn 30 phiên tòa được tổ chức tại địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, trường học, thu hút trên 3000 lượt người tham dự, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc cảnh giác với các thủ đoạn phạm tội tinh vi.
Từ các vụ án đã được xét xử cho thấy, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi với xu hướng chuyển từ hình thức “vận chuyển kín đáo, thù lao cao” sang “vận chuyển đơn giản, thù lao cơ bản”, gây khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh. Trước thực trạng đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, cơ quan chức năng thì mỗi công dân, đặc biệt là người hành nghề vận tải như lái xe khách, xe ôm công nghệ, giao hàng… cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không nhận vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, không xác minh được người gửi và người nhận; đồng thời chủ động phát hiện, tố giác khi có dấu hiệu nghi vấn. Không tiếp tay cho tội phạm chính là “lá chắn” hữu hiệu để bảo vệ bản thân và góp phần giữ gìn sự bình yên cho cộng đồng trước hiểm họa ma túy đang ngày càng len lỏi vào đời sống xã hội.