M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn trong năm 2025?
Thị trường mua bán & sát nhập (M&A) ngân hàng năm 2025 dự kiến sẽ sôi động hơn sau các thương vụ chuyển nhượng bắt buộc với những ngân hàng yếu kém và động thái đẩy mạnh tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài để bán cổ phần của nhiều ngân hàng.
Chuyện không của riêng ai
Ít ngày trước Tết Ất Tỵ 2025, hai ngân hàng yếu kém là GPBank và DongABank được chuyển giao cho VPBank và HDBank, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thành kế hoạch chuyển giao bốn ngân hàng yếu kém theo đúng kết hoạch. Trước đó, giữa tháng 10-2024, CBBank và OceanBank được chuyển giao bắt buộc về Vietcombank và MB.
![Việc chuyển giao hai ngân hàng yếu kém là GPBank và Dong A Bank không chỉ bảo đảm an toàn hệ thống, mà còn giúp các ngân hàng nhận chuyển giao mở rộng quy mô tài sản, tín dụng. Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_112_51424109/2a641b5a2214cb4a9205.jpg)
Việc chuyển giao hai ngân hàng yếu kém là GPBank và Dong A Bank không chỉ bảo đảm an toàn hệ thống, mà còn giúp các ngân hàng nhận chuyển giao mở rộng quy mô tài sản, tín dụng. Ảnh: TL
Những thương vụ M&A ngân hàng yếu kém, với các ngân hàng nhận chuyển giao, là cơ hội mở rộng quy mô tài sản, tín dụng.
Với MB, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT cho biết, đơn vị này đã cử gần 80 nhân sự dày dặn kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức tốt để bổ sung cho OceanBank (nay là MBV - PV). Ngoài ra, sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự Oceanbank về nghiệp vụ, kỹ năng, đảm bảo thu nhập cho người lao động
Theo ông Thái, việc tiếp nhận OceanBank giúp MB Group phát triển thành tập đoàn tài chính, với hệ sinh thái gồm ba ngân hàng (MB, MBCambodia, OceanBank) và sáu công ty thành viên MBS, MBCapital, MIC, MB Ageas, MBAMC, Mcredit). Đồng thời, mở rộng không gian tăng trưởng cho đơn vị này.
“Hiện hệ sinh thái của MB Group là tập đoàn tài chính có đầy đủ các dịch vụ tài chính, từ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính - ngân hàng,” lãnh đạo MB nhấn mạnh.
So với MB, VPBank có phần khác biệt. Theo đó, thương vụ hợp tác với đối tác ngoại là Ngân hàng SMBC (Nhật Bản) vào cuối năm 2023, không chỉ giúp gia tăng vốn điều lệ, tiết kiệm chi phí vốn, duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức hơn 17% trong bối cảnh chất lượng tài sản ngành ngân hàng suy giảm và nợ xấu gia tăng, mà còn giúp đơn vị này tự tin mở rộng hoạt động ra các dịch vụ tài chính khác, như bảo hiểm, dịch vụ đầu tư chứng khoán, tham cơ cấu ngân hàng yếu kém hơn hai năm sau đó.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank đánh giá, việc tham gia tái cơ cấu không mang tới nhiều lợi ích từ góc độ tài chính, nhưng tạo ra nhiều cơ hội mới, như tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trung bình ngành, mở "room" sở hữu nước ngoài trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.
Với SHB, việc bán cổ phần SHBFinance cho Krungsri của Thái Lan vào tháng 5-2023, được ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch HĐQT đánh giá là “mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng”.
Thực tế cũng cho thấy, sau khi hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHBFinance, SHB đã liên tục tăng cường bộ đệm vốn trong giai đoạn 2023-2024 qua các đợt tăng vốn điều lệ. Đây là một trong những bước đi quan trọng trên lộ trình triển khai Basel III và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Mới đây, vào tháng 11-2024, HĐQT SHB tiếp tục công bố Nghị quyết thông qua việc bán, chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại tại SHBFinance cho Krungsri, thay vì chờ thêm ba năm - theo thỏa thuận đã ký.
Kỳ vọng gì cho năm 2025?
Giai đoạn đầu năm 2025, bên cạnh những thương vụ chuyển giao bắt buộc, thị trường M&A ngân hàng cũng ghi nhận một thương vụ nổi bật, đó là SeABank chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty tài chính bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd. (AEON Financial), một thành viên của Aeon Group (Nhật Bản), với tổng giá trị 4.300 tỉ đồng.
Ngoài SeABank, MSB cũng từng lên kế hoạch bán TNEX Finance, được đổi tên từ FCCOM. Theo đó, có ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm tới công ty tài chính này.
![SeABank mới đây đã được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho Tập đoàn Aeon. Ảnh: vnba.org.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_112_51424109/03d336ed0fa3e6fdbfb2.jpg)
SeABank mới đây đã được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho Tập đoàn Aeon. Ảnh: vnba.org.vn
Theo bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng phân tích dịch vụ tài chính của FiinGroup, thị trường M&A sẽ tiếp tục đón nhận sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tại các công ty tài chính tiêu dùng trong nước, đặc biệt là những công ty thuộc sở hữu của các ngân hàng nội địa có kế hoạch thoái vốn khỏi tài chính tiêu dùng để tập trung vào các dịch vụ cốt lõi. Theo đó, các công ty tài chính cần sự hỗ trợ từ đối tác để mở rộng kinh doanh, tái cấu trúc và thực hiện chuyển đổi số.
Vì vậy, sự hỗ trợ và tư vấn từ đối tác chiến lược được kỳ vọng sẽ giúp các công ty tài chính được mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, chuyển đổi số thành công và tăng hiệu quả hoạt động
Thực tế cũng cho thấy các công ty tài chính độc lập có xu hướng gia tăng trong bối cảnh các ngân hàng dần thoái vốn khỏi các công ty tài chính. Cụ thể, tỷ lệ các công ty tài chính thuộc sở hữu của các ngân hàng đã giảm từ 65,3% xuống còn 59,1% trong giai đoạn 2019 - 2023.
Với bản thân các ngân hàng, các thương vụ M&A được mong đợi nhất trên thị trường năm 2025 là thương vụ bán cổ phần trị giá hàng tỉ đô la Mỹ của Vietcombank, BIDV và Techcombank.
Cụ thể, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của BIDV và Vietcombank đã đề ra kế hoạch này, nhưng sau đó phải hoãn lại vì tình hình thị trường chưa phù hợp. Hai ngân hàng dự kiến sẽ dời kế hoạch phát hành cổ phiếu sang năm 2025, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS).
Với Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với các nhà tư vấn quốc tế và kỳ vọng hoàn tất thương vụ này trong nửa đầu năm 2025.
Với Techcombank, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc cũng tiết lộ thông tin “cân nhắc bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp trong tương lai gần”. Kể từ khi HSBC thoái vốn vào năm 2017, Techcombank đã trải qua hơn 7 năm mà không có thêm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới.
Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 22,5%, Tecombank cần một số cổ đông nước ngoài hiện hữu bán ra, trước khi có thể chào bán thêm cổ phần, nhằm tuân thủ giới hạn trần sở hữu nước ngoài là 30%.
Ngoài các ngân hàng trên, một số ngân hàng từng có cổ đông chiến lược nước ngoài, như: Sacombank, ACB, VIB, Eximbank cũng đang nỗ lực tìm kiếm đối tác mới. Trong đó, Sacombank dự kiến bán 32,5% cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.
Theo các chuyên gia, động lực tìm kiếm đối tác chiến lược trong năm 2025 sẽ tới từ áp lực tăng vốn điều lệ, bởi các ngân hàng phải liên tục đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng với nguyên tắc, tín dụng tăng trưởng ở mức một con số, vốn điều lệ cũng phải tăng ít nhất theo tỷ lệ tương ứng.
Bà Trần Kiều Oanh dự báo, năm 2025 là giai đoạn ngành ngân hàng sẽ bước vào cuộc cạnh tranh trong việc tăng vốn nhằm cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và đáp ứng nhu cầu tài trợ cho tăng trưởng tín dụng. Điều này này không chỉ giúp ngân hàng đảm bảo khả năng hoạt động bền vững, mà còn tạo nền tảng mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực chiến lược.
Thực tế, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng từ mức 1,49% năm 2021 lên 4,55% vào quí 3-2024, trong khi tỷ lệ tín dụng có vấn đề (bao gồm nợ tái cơ cấu) lên đến gần 7%. Điều đáng lo ngại là mặc dù nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm xuống mức 83,1% vào quí 3-2024, thấp hơn nhiều mức 143% của năm 2021.