Lý Tử Thất không phải là 'bình hoa'

'Đỉnh lưu' trở lại, vượt lên danh xưng hotgirl mạng, Lý Tử Thất được giới chuyên môn công nhận thái độ chuyên nghiệp và sự tận tâm với công việc bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa phi vật thể Trung Quốc.

Sau 3 năm tạm ngừng hoạt động, blogger nổi tiếng Lý Tử Thất đã chính thức trở lại và gây chú ý lớn khi đăng tải một video dài 14 phút. Video lấy đề tài về sơn mài, ghi lại toàn bộ quá trình mất nửa năm để cô tạo ra một cánh cửa sơn mài cho bà của mình.

Sau đó 1 ngày, Xưởng Sơn mài Thành Đô đã đăng bài viết ghi lại quá trình Lý Tử Thất học nghệ thuật sơn mài và tiết lộ rằng cô đã từng bị dị ứng nặng khi học nghề. Người thầy dạy sơn mài cho cô đã không tiếc lời khen ngợi Lý Tử Thất chịu khó và không phải là người chỉ làm việc qua loa.

Sự trở lại của Lý Tử Thất với video sơn mài đã gây ấn tượng mạnh.

Sự trở lại của Lý Tử Thất với video sơn mài đã gây ấn tượng mạnh.

Trong bài viết gốc, xưởng sơn mài chia sẻ rằng nhiều năm trước, họ đã có một cơ duyên đặc biệt với Lý Tử Thất. Cô đã đến xưởng để gặp gỡ nghệ nhân cấp quốc gia - cô Duẫn Lợi Bình và học hỏi kỹ thuật sơn mài chính thống, bao gồm các kỹ thuật khó như đúc khuôn, chạm khắc và trang trí.

Sơn mài Trung Quốc có bề dày 8000 năm, còn sơn mài Thành Đô đã có lịch sử 3500 năm. Xưởng sơn mài Thành Đô được thành lập từ năm 1954 và có hơn 70 năm lịch sử. Trong đó, kỹ thuật "điêu khắc ẩn hoa" được coi là khó nhất. Lý Tử Thất đã chọn học chính kỹ thuật này.

Nghệ nhân Duẫn Lợi Bình từng nói rằng: "Nghề sơn mài rất vất vả, không phải ai cũng có thể chịu đựng được. Lúc đầu gặp Lý Tử Thất, tôi nghĩ cô ấy sẽ bỏ cuộc, nhưng không ngờ cô ấy lại thể hiện một ý chí kiên cường đáng kinh ngạc. Tinh thần chịu khó, tận tâm của cô ấy thực sự đã khiến tôi không khỏi xúc động”.

Lý Tử Thất thực sự tâm huyết với nghệ thuật truyền thống.

Lý Tử Thất thực sự tâm huyết với nghệ thuật truyền thống.

Với thái độ nghiêm túc và kiên định lựa chọn nghệ thuật truyền thống sơn mài, Lý Tử Thất đã chứng minh cho mọi người thấy bản thân không phải là một “bình hoa” nổi tiếng trên mạng.

Duẫn Lợi Bình cũng chia sẻ: “Việc chọn học kỹ thuật "điêu khắc ẩn hoa" cho thấy người học có một tình yêu sâu sắc với văn hóa truyền thống Trung Quốc, một nền văn hóa hàm súc và sâu lắng. Thông thường, phải mất ba năm để làm quen với nghề sơn mài, và thậm chí có người đã dành hàng chục năm mà vẫn chưa thể nắm vững hết tinh hoa của nó.

Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người như Lý Tử Thất yêu thích và tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này, giúp cho nghệ thuật sơn mài của nước nhà luôn được kế nhiệm và phát huy trường tồn”.

Xưởng Sơn mài Thành Đô cũng chia sẻ thêm với cư dân mạng: "Thực ra Lý Tử Thất cũng đã từng bị dị ứng rất nặng, đó là biểu hiện và kết quả của sự kiên trì không ngại khó ngại khổ”.

Khuôn mặt của Lý Tử Thất khi bị dị ứng sơn mài.

Khuôn mặt của Lý Tử Thất khi bị dị ứng sơn mài.

Theo tài liệu, sơn là một loại sơn tự nhiên được chiết xuất từ cây sơn. Là quốc gia sử dụng sơn tự nhiên sớm nhất, nghề sơn mài truyền thống của Trung Quốc có lịch sử lâu đời, có thể được nhắc đến hơn 8000 năm trước.

Nhờ những đặc tính ưu việt như chống mục, chống mài mòn, chống axit, chịu nhiệt, cách nước, kháng khuẩn, sơn đã trở nên độc đáo và được ưa chuộng trong số nhiều loại vật liệu thủ công. Sơn không chỉ được sử dụng để tạo ra đồ sơn mài và tranh sơn mài mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phục chế đồ sứ cổ.

Lý Tử Thất đã chia sẻ về video sơn mài mới của mình trên Weibo cá nhân: "Video sơn mài này đã chậm trễ 4 năm. Tôi đặt tên cho tác phẩm điêu khắc ẩn hoa này là 'Tử khí Đông Lai' (Sắc tím đến từ phương Đông), tượng trưng cho sự may mắn và bình an. Tôi cũng gửi những lời chúc tốt đẹp này đến tất cả những ai đang xem video”.

Và không thể nghi ngờ, với nhiều cư dân mạng xứ Trung, “Tử khí Đông Lai” chính là lời chào thẫm đẫm tinh thần văn hóa và đã truyền tải được hết niềm say mê dành cho nghệ thuật truyền thống mà Lý Tử Thất muốn lan tỏa tới tất cả mọi người.

Dương An - Theo Ifeng

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/ly-tu-that-khong-phai-la-binh-hoa-c3a86763.html
Zalo