Lý Nam Đế - người khởi đầu cho ý thức tự chủ của dân tộc
Lý Nam Đế chính là người khởi đầu cho ý thức tự chủ của dân tộc Việt khi ông xưng là Hoàng đế, ngang hàng với triều đại phong kiến Trung Hoa.
Đó là ý kiến khẳng định mạnh mẽ của nhà sử học Dương Trung Quốc tại Hội thảo khoa học “Dấu ấn của Lý Nam Đế và Nhà nước Vạn Xuân trên địa bàn huyện Hoài Đức”, tổ chức ngày 18/1 tại UBND huyện Hoài Đức.
Theo ông Dương Trung Quốc, ý nghĩa quan trọng của triều đại Vạn Xuân là việc xưng đế của Lý Bí. Với sự kiện này, Lý Bí - Lý Nam Đế chính là người khởi đầu cho ý thức tự chủ của dân tộc khi ông xưng là Hoàng đế.
“Từ đó về sau, danh xưng Hoàng đế tồn tại suốt các triều đại cho đến tận thời Bảo Đại. Trong tất cả các văn bản chính thức, Bảo Đại chỉ gọi là Hoàng đế thôi, không ai gọi là vua cả. Vua chỉ là cách gọi dân gian và nếu phân tích kỹ, cách gọi này không đúng với đẳng cấp. Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta nên khẳng định, khi nói đến người đứng đầu các triều đại của chúng ta là Hoàng đế”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, bản dịch câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là “Sông núi nước Nam vua Nam ở” là không chuẩn, không nói nên được sự tự chủ cũng như niềm tự hào của người Việt.
Lấy dẫn chứng từ trường hợp của Hàn Quốc, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, các triều đại Hàn Quốc vẫn chấp nhận là “vương”, các nghi thức mũ bình thiên của quân vương Hàn Quốc có bao nhiều ngù phía trước đều rất tuân thủ những quy định chặt chẽ, nhưng Việt Nam thì không như vậy.
Từ đó, ông Dương Trung Quốc đề nghị, trong các văn bản chính thống, phải gọi các vị đứng đầu các triều đại phong kiến nước ta là Hoàng đế, và đây sẽ là “ngôn từ chính thống”, còn trong cách nói bình thường cũng có thể gọi là vua.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, khi Lý Công Uẩn dời đô thì lý do ông chọn mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngày nay, mảnh đất mà sau này muôn đời là kinh sư thì có một lý do, đó là ông tiếp nhận một di sản mà Lý Nam Đế để lại ở vùng đất này - đó là khu vực cửa sông Tô Lịch.
“Khi đánh thắng quân Nam Hán, Ngô Quyền trở lại kinh đô xưa của các vua Hùng, là vùng đất Cổ Loa. Nhưng tại sao Lý Công Uẩn lại không về Cổ Loa như bậc tiền nhân Ngô Quyền? Có nhiều lý do nhưng chắc chắn có một lý do là di sản mà Lý Nam Đế để lại. Triều đại Vạn Xuân tồn tại chỉ đúng một hoa giáp, 61 năm thôi, nhưng đó là tiền đề cực kỳ quan trọng cho nhà Ngô và nhà tiền Lê xây dựng nền quân chủ một cách bền vững và đặc biệt là nhà Lý xây dựng một nền văn hiến rực rỡ”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Lý Nam Đế và nhà nước Vạn Xuân tồn tại tuy ngắn ngủi nhưng có vai trò rất quan trọng khi để lại một di sản rất to lớn cho các triều đại sau này.
Hội thảo khoa học về dấu ấn của Lý Nam Đế và Nhà nước Vạn Xuân trên địa bàn huyện Hoài Đức được tổ chứ nhân kỷ niệm 1.480 năm Lý Bí xưng Đế và thành lập Nhà nước Vạn Xuân. Hội thảo do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) tổ chức.