Ly kỳ chuyện Hoàng giáp Lê Quang Bí bị giữ lại ở Trung Quốc 18 năm

Là nho sĩ có tiếng, sứ thần bản lĩnh dưới triều Mạc, Hoàng giáp Lê Quang Bí lưu danh sử sách với chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài 18 năm.

Hoàng giáp Lê Quang Bí là 1 trong 36 tiến sĩ ở đất học làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang)

Hoàng giáp Lê Quang Bí là 1 trong 36 tiến sĩ ở đất học làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang)

Dòng dõi khoa bảng

Theo sử sách ghi chép, Lê Quang Bí sinh năm 1505 (có tài liệu ghi ông sinh năm 1504), chưa rõ năm mất, hiệu là Hối Trai, tước Tô Xuyên hầu, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương).

Ông là con của Trạng nguyên Lê Nại, đỗ khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505) đời vua Lê Uy Mục. Ông có chú ruột là Hoàng giáp Lê Tư và là chắt nội của trung thần Lê Cảnh Tuân dưới triều Trần.

Gia phả dòng họ Lê ở làng Mộ Trạch có ghi thủy tổ của họ là Lê Hữu Huy, huyện Thuần Lộc, Ái Châu (Thanh Hóa). Con của cụ là Lê Như Du lấy vợ người làng Mộ Trạch rồi chuyển về quê vợ sinh sống. Cụ Lê Như Du sinh ra Lê Cảnh Tuân đỗ Thái học sinh khoa Tân Dậu (năm 1381) triều Trần Phế Đế.

Về sau, con cháu trong họ ngày càng đông đúc, hình thành nhiều ngành, thứ. Trong đó, có nhiều người học cao, hiểu rộng, thành đạt về khoa cử và quan trường.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng nên từ nhỏ, Lê Quang Bí nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Không chỉ tinh thông kinh sách mà ông còn thấm nhuần đạo lý, lễ giáo. Năm 1526, đời vua Lê Cung Hoàng, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (gọi là Hoàng giáp).

Lê Quang Bí thi đỗ được một năm thì nhà Lê suy vong, nhà Mạc lên nắm quyền. Ông không ở ẩn mà ra giúp việc cho nhà Mạc. Lê Quang Bí có tên trong 56 bề tôi cũ của nhà Lê sơ được nhà Mạc trọng dụng và ban tước vào tháng 2 năm Mậu Tý (1528).

Làm quan dưới triều nhà Mạc, Lê Quang Bí hết lòng phục vụ triều đình, được vua tín nhiệm, giao cho nhiều chức vụ quan trọng. Ông từng giữ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, Hiến sát sứ Sơn Tây, Thừa ty Tham chính đạo Tuyên Quang, Ngự sử đài Thiêm đô Ngự sử, Tả Thị lang Bộ Lại, tước Đoan Trực từ.

Khu vực nhà bia ở miếu Mộ Trạch, nơi lưu danh, tôn vinh sứ thần Lê Quang Bí

Khu vực nhà bia ở miếu Mộ Trạch, nơi lưu danh, tôn vinh sứ thần Lê Quang Bí

Đến năm Mậu Thân (1548) đời vua Mạc Phúc Nguyên, Lê Quang Bí được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) làm nhiệm vụ nộp cống thường niên. Trong mối quan hệ bang giao Việt - Trung dưới thời quân chủ, nhiệm vụ của sứ thần là rất quan trọng. Họ phải là người có lòng trung thành, bản lĩnh, thông minh, ứng đối linh hoạt. Lê Quang Bí được giao việc đi sứ thể hiện sự tin tưởng của triều đình với nhân cách và trí tuệ của công.

“Tô Vũ nước Nam”

Khi Lê Quang Bí đến Nam Ninh, ông bị quan quân nhà Minh nghi là quan sứ giả mạo nên giữ lại để chờ tra xét. Khi đó, ở Đại Việt chiến tranh liên miên, Mạc Phúc Nguyên bỏ cống sứ nhiều năm nên không có hồi âm. Đến năm Quý Dậu (1563), Lê Quang Bí được đưa lên Bắc Kinh và tiếp tục bị lưu lại tại đây. Chuyến đi sứ của ông kéo dài 18 năm.

Trong thời gian đi sứ, Lê Quang Bí đã viết một tập thơ đặt tên là ''Tư hương vận lục'' gồm những bài thơ vịnh sử, bày tỏ niềm thương nhớ quê hương và ca ngợi các danh nhân, chủ yếu là người làng Mộ Trạch quê hương ông. Khi bị giam giữ ở Nam Ninh, ông có tham gia dạy học. Tương truyền, trong số các môn đệ của ông ở Trung Hoa có Đặng Hồng Chấn đỗ tiến sĩ. Sau này, chính học trò này đã tấu trình lên vua nhà Minh về hoàn cảnh và đức độ của Lê Quang Bí, xin vua Minh cho thầy trở về quê hương.

Tấm bia ghi công lao của Hoàng giáp Lê Quang Bí tại nhà thờ tổ họ Lê ở xã Tân Hồng (Bình Giang)

Tấm bia ghi công lao của Hoàng giáp Lê Quang Bí tại nhà thờ tổ họ Lê ở xã Tân Hồng (Bình Giang)

Dù bị giam giữ nơi đất khách quê người nhưng Lê Quang Bí vẫn luôn giữ vững được khí tiết, thanh danh, không làm hổ thẹn quốc gia Đại Việt. Ông cùng với những nhà nho kiên trung để lại dấu ấn cho nhà Mạc trong những năm trị vì đất nước.

Sự việc Lê Quang Bí đi sứ sang nhà Minh chẳng khác gì Tô Vũ nhà Hán. Tô Vũ phụng mệnh nhà Hán đi sứ Hung Nô cũng bị giữ lại 19 năm, bắt đi chăn dê. Sau khi nhà Hán cho Vương Chiêu Quân sang làm vợ vua Hung Nô, Tô Vũ mới được trở về đất Hán. Tấm gương trung thành với nhà Hán của Tô Vũ rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Vì thế, mọi người gọi Lê Quang Bí là ''Tô công'' để ghi nhận công lao và ngợi ca đức độ của ông.

Vào tháng giêng năm Bính Dần (1566), Lê Quang Bí được trả về nước sau nhiều năm bị giữ lại trên đất Trung Hoa. Vua Mạc Mậu Hợp đã sai Lại Bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Giáp Hải và Đông các Hiệu thư Phạm Duy Quyết lên tận biên giới Lạng Sơn để đón sứ thần Lê Quang Bí. Khi ra đi tóc ông còn xanh mà lúc trở về mái đầu đã bạc.

Khi về nước, vua Mạc Mậu Hợp đã thăng chức cho Lê Quang Bí làm Thượng thư Bộ Lại và ban cho tước Tô Quận công, ví ông như vị trung thần Tô Vũ nhà Hán. Tương truyền, truyện nôm Tô Công phụng sứ là do người đương thời viết ra để ca ngợi tiết tháo của ông.

Nhà thờ họ Lê ở làng Mộ Trạch có bia ghi công của Lê Quang Bí do Bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm Mậu Dần (1578). Trên văn bia có bài ca ngợi công đức của Lê Quang Bí là “Sao Đẩu sáng trời Nam/ To lớn thay Tô công/ Trời đất rõ thủy chung”.

Hiện tên tuổi của Lê Quang Bí được lưu danh tại nhà bia ở miếu làng Mộ Trạch. “Dòng họ Lê ở làng Mộ Trạch có 5 người đỗ tiến sĩ thì thành tích, công lao, đức độ của cụ Lê Quang Bí được con cháu đời sau nhắc nhớ nhiều hơn cả. Noi gương Hoàng giáp, thế hệ sau luôn nỗ lực, phấn đấu học hành để gìn giữ truyền thống hiếu học của dòng họ”, ông Lê Duy Bạt (78 tuổi) là cháu đời thứ 21 của Hoàng giáp Lê Quang Bí cho biết.

LINH HOÀNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ly-ky-chuyen-hoang-giap-le-quang-bi-bi-giu-lai-o-trung-quoc-18-nam-400146.html
Zalo