Ly hôn ở tuổi trung niên: Cú chạm của hiện thực và nhu cầu sống lành mạnh

Ly hôn tuổi trung niên tăng gấp 4 lần từ 1990, chiếm 36% tổng số vụ ly hôn năm 2019. Phụ nữ ngày nay độc lập và tỉnh táo hơn trong việc đánh giá hạnh phúc hôn nhân.

Ly hôn ở tuổi trung niên hay còn gọi là "ly hôn xám" – đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt với phụ nữ. Theo nghiên cứu đăng trên The Journals of Gerontology, tỷ lệ ly hôn ở người trên 50 tuổi đã tăng gấp hơn 4 lần kể từ năm 1990, chiếm tới 36% tổng số vụ ly hôn vào năm 2019.

Theo nhận định của Women's Healthy, điều này không hoàn toàn bất ngờ. Phụ nữ ngày nay có học vấn cao hơn, độc lập tài chính hơn và cũng tỉnh táo hơn trong việc đánh giá hạnh phúc hôn nhân. Việc “chịu đựng cho qua” không còn là lựa chọn duy nhất. Họ hiểu rằng cuộc sống quá ngắn để sống mãi trong một mối quan hệ lạnh nhạt, xa cách, hoặc thậm chí là tổn thương.

Không ít phụ nữ đã từng kết hôn từ rất trẻ, rồi sau một đời chăm sóc gia đình, đến tuổi 50 họ mới bắt đầu hỏi: “Tôi thực sự muốn gì cho phần đời còn lại?” Và câu trả lời đôi khi là rời khỏi cuộc hôn nhân đã mất đi sự kết nối.

Thêm vào đó, tuổi thọ tăng khiến con người ý thức rõ hơn rằng họ vẫn còn nhiều năm phía trước. Viễn cảnh phải gắn bó cả vài thập kỷ còn lại với một người bạn đời không còn đồng điệu trở thành nỗi ám ảnh chứ không phải sự an ủi. Với phụ nữ, đặc biệt là khi sức khỏe đối phương suy giảm, gánh nặng chăm sóc có thể trở thành giọt nước tràn ly trong một mối quan hệ vốn đã rạn vỡ.

Ly hôn ở tuổi trung niên không dễ dàng – nhưng hoàn toàn có thể vượt qua.
Mối quan hệ càng dài lâu, việc buông tay càng đau đớn. Đó không chỉ là chia tay một người, mà là cả một nếp sống, một hệ sinh thái cảm xúc. Phụ nữ lớn tuổi thường cần thời gian phục hồi dài hơn – không vì họ yếu đuối, mà vì họ đã dồn quá nhiều vào cuộc hôn nhân đó.

Vấn đề tài chính cũng là một thực tế nghiệt ngã. Dù ngày nay phụ nữ làm việc nhiều hơn, họ vẫn thường ít tài sản hơn nam giới. Khoảng cách thu nhập, chi phí nuôi con, và việc ngừng sự nghiệp để chăm lo gia đình khiến phụ nữ dễ bị tổn thương về tài chính sau ly hôn.

Vậy phải làm gì khi cuộc sống sang trang?

Xây lại mạng lưới xã hội: Cô đơn là kẻ thù thầm lặng. Hãy duy trì kết nối với bạn bè, con cái, thậm chí tìm những nhóm sinh hoạt chung sở thích.

Tìm kiếm hỗ trợ tâm lý: Một chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân đổ vỡ, chữa lành vết thương và xây dựng lòng tự trọng sau ly hôn.

Lập kế hoạch tài chính và y tế: Nếu có thể, hãy gặp cố vấn tài chính. Đồng thời, đảm bảo bạn có bảo hiểm y tế phù hợp và người đại diện pháp lý trong trường hợp cần thiết.

Chủ động bước vào chương mới: Viết ra điều bạn mong muốn trong giai đoạn tiếp theo: học một kỹ năng mới, đi du lịch, bắt đầu dự án cá nhân… Hãy sống cho chính mình.

Ly hôn không phải là thất bại.
Đó có thể là bước khởi đầu cho một cuộc sống nhẹ nhõm, tự chủ và nhiều ý nghĩa hơn. Dù ở tuổi nào, bạn luôn xứng đáng được sống trong một mối quan hệ lành mạnh – kể cả khi mối quan hệ ấy là với chính bản thân mình.

Mia

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/khi-hon-nhan-khong-con-phu-hop-ung-xu-the-nao-voi-ly-hon-muon-202504081532462774.html
Zalo