Lý do Quảng Nam có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ triển khai Đề án 06

'Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế chậm được khắc phục và có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ đề ra', Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Bản đồ thể chế, giám sát tiến độ chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị ở Quảng Nam

Bản đồ thể chế, giám sát tiến độ chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị ở Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam vừa có kết luận nội dung làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu với Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và công tác chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong 8 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, tính đến hết tháng 8/2024, công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến được cải thiện, mức độ phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành được tăng lên...

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án 06 tỉnh, và công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương vẫn còn những hạn chế chậm khắc phục và có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ đề ra.

Cụ thể, công tác số hóa cập nhật dữ liệu hộ tịch theo quy định của Chính phủ còn chậm so với yêu cầu của TƯ; cơ sở dữ liệu đất đai chậm được xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện; tỷ lệ người dân tự thực hiện DVC trực tuyến vẫn chưa cao...

 Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Đặc biệt, công tác tiếp nhận hồ sơ, nhập dữ liệu vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chưa đầy đủ; số hóa dữ liệu đầu vào, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực vẫn chậm cải thiện; xây dựng đề cương phục vụ công tác kiểm tra chuyên sâu về công tác chuyển đổi số và Đề án 06 chưa bám sát yêu cầu…

Bên cạnh đó, một số phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung như Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh iGate, Hệ thống quản lý đất đai iLIS, Hệ thống báo thông tin báo cáo LRIS, Cơ sở dữ liệu đất đai… chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; 18 UBND huyện, thị xã, TP báo cáo định kỳ chưa đầy đủ và đúng thời hạn, trước ngày 15 hằng tháng; một số sở, ngành báo cáo định kỳ Đề án 06 trễ hoặc không báo cáo kết quả đúng quy định...

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các phòng, ban tại đơn vị nghiêm túc, chủ động khắc phục các tồn tại và hạn chế; tập trung các nhiệm vụ về chuyển đổi số và Đề án 06, hoàn thành trong tháng 9/2024.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh rà soát, khẩn trương trình phê duyệt đối với các DVC trực tuyến toàn trình và một phần theo hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương và Văn phòng UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT để xây dựng, hoàn thiện các DVC trực tuyến đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức kiểm tra vận hành thử, xác nhận hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước khi đưa vào sử dụng, hoàn thành trong tháng 9/2024; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thiết lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo lộ trình được phê duyệt tại quyết định phê duyệt của UBND tỉnh đối với Danh mục nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số năm 2024;

 Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Quảng Nam

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Quảng Nam

Đối với công tác chuyển đổi số, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương đảm bảo hạ tầng, thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số, cung cấp DVC trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính theo nhiệm vụ được phê duyệt; tập trung rà soát cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, hoàn thành trong quý IV/2024.

Hồ Xuân Mai

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ly-do-quang-nam-co-nguy-co-khong-hoan-thanh-dung-tien-do-trien-khai-de-an-06-post178414.html
Zalo